Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tập trung vào việc trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng trong bốn lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Đây là nền tảng giáo dục hiện đại, đã và đang được phát triển phổ biến ở nước ta.
Đổi mới tại trường nghề
Phân vân giữa việc học tiếp đại học hay theo học tại trường nghề, L.T.T (16 tuổi, quê Lâm Đồng) cho biết gia đình khó khăn nên em cân nhắc lựa chọn học nghề để rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, T. lại đam mê STEM nhưng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. “Qua tìm hiểu, em biết hầu hết các trường đại học đều ứng dụng STEM trong chương trình đào tạo. Em đang xem xét các trường cao đẳng, trung cấp và sẽ chọn nơi có ngành học yêu thích và ứng dụng STEM để theo học”, T. chia sẻ.
Trước những băn khoăn của các bạn trẻ, ThS Nguyễn Hoàng Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú, TPHCM) nhận định, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ phát triển nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực.
Việc tích hợp giáo dục STEM vào chương trình đào tạo giúp học viên tiếp cận sớm với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và robot, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
"Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các công nghệ này mà còn tạo nền tảng cho việc áp dụng chúng vào thực tiễn công việc sau này", ThS Tiến nói.

Đồng thời, STEM khuyến khích học viên tiếp cận các thiết bị công nghệ hiện đại như dây chuyền sản xuất tự động hóa, máy in 3D, robot công nghiệp hay hệ thống IoT. Việc trực tiếp thao tác với các thiết bị này không chỉ giúp nâng cao tay nghề mà còn giúp học viên hiểu rõ nguyên lý vận hành, tạo nền tảng vững chắc cho công việc sau này.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn, phương pháp giáo dục STEM tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua dự án.
Tại trường này, học viên không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hành với các bài tập như thiết kế máy móc, viết mã lập trình hoặc tạo các hệ thống tự động hóa.
"Đặc biệt, chương trình học có hơn 70% thời lượng thực hành. Học STEM không chỉ giúp học viên nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn rèn luyện tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả trong công việc sau này", ThS Tiến nhấn mạnh.
Xây dựng, định hướng tương lai
Liên quan đến ứng dụng STEM trong giáo dục nói chung và tại các trường cao đẳng, trung cấp nói riêng, ông Mai Hoàng Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp) cho rằng, việc tiếp cận công nghệ và phương pháp học tập hiện đại giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng thực hành cần thiết cho nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các dự án STEM thường yêu cầu làm việc nhóm, qua đó rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác và giúp học viên biết cách áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn để hiểu sâu hơn về ngành nghề mình theo học.
\Theo ông Lộc, các trường cần tích hợp STEM vào chương trình giảng dạy chính thức ở các môn học như kỹ thuật, khoa học và công nghệ, đóng vai trò như một môn học nhập môn giúp rèn luyện tư duy, phát triển toàn diện.
Đồng thời, cần khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, học sinh nên tham gia vào các dự án thực tế liên quan đến ngành nghề đang theo học.
Ông Lộc cho rằng, thông qua các buổi học STEM, nếu quan sát kỹ, thầy cô có thể nhận diện sở thích, năng khiếu của từng em qua các hoạt động và sản phẩm. Chẳng hạn, khi lập trình một robot xe đua, có học sinh tập trung vào lắp ráp, một số khác lại đam mê lập trình để robot chạy đúng lộ trình, trong khi một số em lại hứng thú với việc vẽ và trang trí đường đua.
Từ đó, thầy cô có thể phát hiện năng khiếu riêng của từng học sinh để bồi dưỡng và định hướng phù hợp với thế mạnh của các em.

Hiện nay, nhiều trường bắt đầu áp dụng STEM thông qua các khóa học ngắn hạn và các dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên có chuyên môn, tâm huyết.
“Trong thời đại AI phát triển nhanh chóng, việc ứng dụng STEM trong giáo dục nghề nghiệp ngày càng mở rộng và trở thành xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, các khóa học STEM mới cần tích hợp nội dung về công nghệ trí tuệ nhân tạo và machine learning (một nhánh của AI) để cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho học sinh, sinh viên, giúp các em tiếp cận công nghệ hiện đại ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nhằm giúp học sinh THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ hơn về lợi ích của giáo dục STEM, đồng thời khuyến khích niềm đam mê học tập trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Đồng Tháp và Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta”.
Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 6/4/2025 tại Trường ĐH Đồng Tháp, quy tụ khoảng 4.000 học sinh và giáo viên đến từ 40 trường THPT thuộc 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Với gần 40 gian hàng trưng bày từ các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp, ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh khám phá và trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của STEM trong đời sống.
Đây không chỉ là sân chơi khoa học sáng tạo mà còn là cơ hội để các em tiếp cận những kiến thức mới, khơi gợi niềm say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.