Mối đe dọa
Ở rìa khu bảo tồn động vật hoang dã nghèo nàn tại Đông Nam Zimbabwe, Esther Bote, 14 tuổi, thức dậy vào lúc bình minh để thực hiện công việc hằng ngày. Cô bé dọn dẹp nhà cửa, nhóm lửa, nấu ăn, tắm rửa và mặc bộ đồng phục học sinh màu xám - trắng gọn gàng.
Sau đó là lúc thực hiện công việc mà cô bé cho là nguy hiểm nhất: Đi bộ 5km (3 dặm) đến trường qua những con đường mòn và rừng rậm rạp, nơi có thể là khu ẩn náu của hàng loạt loài động vật nguy hiểm.
Cô bé tuổi teen này sống với ông bà đều nhiều tuổi. Esther Bote chia sẻ, dù đã sống chung với những mối đe dọa từ động vật hoang dã trong một thời gian, nhưng em vẫn không thể thích nghi.
Tại đây, những đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi, một số được bạn bè hoặc anh chị em lớn hơn đồng hành, thường phải nhanh chóng đi bộ trong những khu rừng rậm rạp đến trường rồi trở về nhà. “Đôi khi, chúng em nhìn thấy dấu chân động vật và biết rằng, những chú voi có thể vẫn còn ở đây”, Esther Bote chia sẻ.
Nơi nữ sinh này sống là khu vực rừng rậm, khô hạn của Zimbabwe. Nơi đây, tình trạng hạn hán xảy ra liên tục bởi hiện tượng thời tiết El Nino tự nhiên và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Hiện tượng này đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nước, khiến con người và động vật phải tranh giành tài nguyên.
Động vật hoang dã đang đến gần một cách nguy hiểm với quần thể con người. Trong bối cảnh đó, trẻ em phải học cách sống trong thực tế mới này, mà không khiến bản thân gặp quá nhiều rủi ro. Để thích nghi, trẻ em đang được học những bài cơ bản về hành vi của động vật.
Vào tháng 7, khi Esther và bạn bè phát hiện ra dấu chân voi trên đường từ trường về, các em đã báo cáo với một kiểm lâm. Những con vật này đã đi ngang một cánh đồng nông trại và con đường bụi rậm mà các em thường đi đến trường.
Vài ngày trước đó, một đứa trẻ đã bị thương nặng do cá sấu tấn công. Mặc dù chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo, nhưng Esther và bạn bè vẫn rất thận trọng. Esther cho biết: “Chúng em thường đi bộ theo nhóm để cảm thấy an toàn hơn”.
Học cách tôn trọng động vật
Từ năm ngoái, khu bảo tồn Save Valley và cơ quan bảo tồn của Zimbabwe đã thực hiện một chương trình dành cho trẻ em trong độ tuổi đi học, về cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm từ động vật hoang dã.
Trẻ đồng thời được học cách chung sống với động vật hoang dã. Hàng chục học sinh như Esther hiện có thể nhận dạng các dấu chân động vật hoang dã khác nhau, âm thanh của động vật, và có thể nhận biết hướng gió nhờ nhìn cát và biết cách cũng như thời điểm cần ẩn náu.
“Người bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em. Đó là khi các em đi học, lấy nước hoặc lấy củi. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhắm mục tiêu đến các trường học để trẻ có thể biết động vật hành động như thế nào, phải làm gì với chúng”, ông Dingani Masuku - quản lý cộng đồng của khu bảo tồn Save Valley cho biết.
Ông chia sẻ, tổ chức đang cố gắng dạy trẻ em về “ý thức sở hữu”. Nhờ đó, để trẻ không coi động vật là kẻ thù. Thay vào đó, các em sẽ coi động vật là yếu tố có lợi cho cộng đồng và cần được tôn trọng.
Vào một ngày nắng gần đây, hơn hai chục trẻ em ngồi trên mặt đất bụi bặm trong cái nóng thiêu đốt tại Trường Trung học Chiyambiro. Một cô gái 18 tuổi mới rời trường và hiện là một phần của đội kiểm lâm nữ trẻ mới của cộng đồng đã dạy học sinh về hành vi của động vật cũng như cách tự bảo vệ bản thân.
“Đừng đến gần một con vật. Nếu đó là sư tử, thì nó đang tìm kiếm thức ăn và giải thích tại sao nó xuất hiện trong cộng đồng. Sư tử đang tìm kiếm con mồi yếu, dễ săn và các em có thể là con mồi dễ dàng”, nữ kiểm lâm nói. Một số trẻ em cho biết phải đi bộ tới 15km (9 dặm) đến trường. Vì vậy, các em phải ra khỏi nhà trước khi trời sáng - thời điểm những loài động vật như linh cẩu vẫn còn rình rập.
Một viên chức của cơ quan công viên quốc gia đã nói về những lợi ích của động vật hoang dã đối với cộng đồng, như du lịch. Ông cho biết đã tuyển dụng những nữ kiểm lâm mới.
Họ tuyên truyền về cách động vật hoang dã có thể mang lại lợi ích, trong đó có tạo việc làm cho người dân địa phương. Từ đó, khuyến khích các nhân viên kiểm lâm truyền đạt thông điệp này về nhà cho cha mẹ. Bởi, hiện nay, vẫn nhiều người coi động vật hoang dã là kẻ thù hoặc nguồn thực phẩm.
Ông Alphonce Chimangaisu - Chủ tịch Ủy ban Phát triển Trường học tại Trường Trung học Chiyambiro cho biết, các phụ huynh hy vọng, sáng kiến này sẽ giúp trẻ em an toàn hơn. “Một số phụ huynh đã ngăn cản con em mình đến trường vì họ không biết điều gì có thể xảy ra”, ông cho biết.
Mặc dù chưa có dữ liệu cụ thể về hiệu quả của sáng kiến này, ông Chimangaisu cho biết, nhà trường đã nêu ý tưởng đó để thuyết phục một số phụ huynh thay đổi thái độ. Nhiều phụ huynh đã đồng ý với chương trình đào tạo, nhưng vẫn yêu cầu một số biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ, chẳng hạn như nhà trường cho phép con em họ đến lớp muộn hơn.
Theo ông Obert Masaraure - Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Nông thôn Hợp nhất của Zimbabwe, trường học ở những vùng nông thôn bị ảnh hưởng do phải hoãn giờ bắt đầu lớp học và kết thúc sớm. Nhờ đó, để trẻ em bị ảnh hưởng có thể đi bộ đến và rời trường vào ban ngày, khi động vật hoang dã không có khả năng xuất hiện trong cộng đồng.
“Chúng tôi có báo cáo về những học sinh đã bỏ học hoàn toàn vì lo sợ cho tính mạng của mình”, ông cho biết thêm rằng, ngày càng nhiều giáo viên sống xa trường học không đến làm việc. “Những thách thức này đang làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có khác đối với học sinh ở nông thôn. Tình trạng đó khiến các em càng không được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng”, ông Obert Masaraure cho biết.
Cơ quan bảo tồn của Zimbabwe đang thúc đẩy việc khởi xướng chương trình đào tạo về hành vi động vật, cũng như bảo tồn tại các trường học trên toàn quốc. Theo ông Tinashe Farawo - phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Công viên quốc gia và động vật hoang dã Zimbabwe, chương trình được triển khai ở những khu vực mà người dân buộc phải chung sống với động vật hoang dã.
Tại những khu vực đó, động vật hoang dã thường xuyên xâm nhập vào cộng đồng để kiếm thức ăn và nước uống. Cũng theo phát ngôn viên này, ngoài việc học cách giữ an toàn, việc trẻ em nắm bắt kiến thức cũng có thể là một cách hữu ích để truyền tải thông điệp đó đến gia đình.
“Chúng tôi đã thành lập các câu lạc bộ môi trường tại nhiều trường học, nơi nâng cao nhận thức và giáo dục cho trẻ em. Khi học sinh được dạy về những mối nguy hiểm này và hành vi của động vật, các em sẽ về nhà và truyền đạt lại cho cha mẹ mình. Chúng tôi thấy rằng, cha mẹ dễ lắng nghe hơn khi con họ nói”, ông Farawo nói thêm và cho biết, xung đột có khả năng trở nên tồi tệ hơn do tần suất hạn hán tăng lên.
Tới nay, cơ quan bảo tồn đã nhận được từ 3.000 đến 4.000 cuộc gọi cầu cứu từ các cộng đồng đang phải đối mặt với động vật hoang dã trong ba năm qua. Con số này tăng vọt so với khoảng 900 cuộc gọi vào năm 2018.
Đối với Esther, mặc dù chương trình đào tạo không loại bỏ được rủi ro, nhưng nữ sinh cho biết, các kiến thức đó có thể hữu ích khi nguy hiểm xảy ra. “Điều đó mang lại nhiều lợi ích. Giờ đây, chúng em học được nhiều điều về động vật mà trước đây chưa từng biết”, nữ sinh chia sẻ. Song, Esther bày tỏ, chừng nào các loài động vật vẫn còn ở đó, các em sẽ không thể tận hưởng trọn vẹn việc học.
Trong nhiều năm, cư dân ở các khu vực có nhiều động vật hoang dã của Zimbabwe liên tục phải đối mặt với tình trạng động vật xâm lấn vào làng của họ để tìm kiếm thức ăn và nước uống. Trong khi đó, nhiều cộng đồng dân cư vẫn săn trộm động vật hoang dã.
Theo Cơ quan Quản lý Công viên và động vật hoang dã của đất nước, ZimParks, chỉ riêng trong năm 2021, đã có hơn 80 người thiệt mạng do bị voi tấn công. Trong khi đó, hàng trăm người khác bị thương do các loài động vật khác tấn công như cá sấu và linh cẩu. Zimbabwe hiện có tỷ lệ tử vong do xung đột giữa người và động vật hoang dã cao nhất ở khu vực Nam Phi.