Zimbabwe: Học sinh bỏ học vì… đói

GD&TĐ - Thabiso Dube, 8 tuổi, đã phải phụ mẹ đi làm giúp việc để đổi lấy đồ ăn. Thabiso gần như đã bỏ học khi chỉ tới lớp 1 lần/tuần vì không thể đi học với cái bụng lép kẹp.

Zimbabwe: Học sinh bỏ học vì… đói

Hoàn cảnh giống như cậu bé sống tại huyện Lupane, tỉnh Bắc Matebeleland này đang ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương ở quốc gia thuộc diện nghèo nhất thế giới.

Ngất xỉu giữa lớp học vì đói Trong 5 năm qua, Zimbabwe trải qua thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ ào ạt rồi lại đến khô hạn kéo dài. Tại quốc gia mà 80% ngô – lương thực chủ lực quốc gia – được trồng trên những cánh đồng quy mô nhỏ, thì thời tiết khắc nghiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kho lương thực của nhiều gia đình – và những đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả không chỉ đói ăn mà cả thất học.

Hồi tháng 10, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Matebeleland đưa ra con số có tới 6.000 trẻ trong tỉnh bỏ học vì quá đói không thể tới lớp. “Tôi hỏi học sinh của mình tại sao không đến trường, chúng đáp rằng bởi ở nhà không có đồ ăn” - George Sithole, một giáo viên tiểu học kể - “Tình trạng vẫn rất ảm đạm”.

Theo Sithole, ảnh hưởng của tình trạng thiếu lương thực bắt đầu rõ rệt từ khi trường học khai giảng hồi tháng 9. “Tôi có 45 học sinh và đến nay tôi may mắn vẫn còn phân nửa học sinh” – Sithole chia sẻ - “Tình trạng học sinh ngất xỉu giữa giờ học vì đói rất phổ biến ở đây.

Đó là cảnh tượng rất xót xa”. Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Lupane cũng ghi nhận số trẻ giảm cân do thiếu ăn tăng nhanh. Giáo dục chìm trong khủng hoảng Theo Liên hiệp Nông dân Thương mại, Zimbabwe sản xuất ra 1,4 triệu tấn ngô năm ngoái, trong khi nhu cầu quốc gia cần 2,1 triệu tấn. Khi mà nước này đang vật lộn với hạn hán, các chuyên gia dự đoán sản lượng ngô có thể sẽ còn giảm hơn trong năm nay.

Chính phủ Zimbabwe và các tổ chức phi chính phủ đã đề ra kế hoạch hành động đối phó với thiếu hụt lương thực, nhưng không phải tất cả đều mang lại hiệu quả.

Hồi tháng 9, Tổng thống Robert Mugabe công bố chính phủ sẽ nhập khẩu ngô và phân phát cứu trợ lương thực, bảo đảm không có người dân nào chết vì đói. Nhưng vào ngày 9/10, cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Zimbabwe cho biết vẫn cần 132 triệu USD cứu trợ lương thực khẩn cấp cho 1,5 triệu người đang đói ăn.

Tại Lupane và một số huyện chịu hạn hán nặng nề khác tại Tây Nam Zimbabwe, Tổ chức nhân đạo World Vision International và Cơ quan Phát triển quốc tế của Vương quốc Anh đã phối hợp thực hiện chương trình cấp “tem” mua ngũ cốc tại những điểm phát chẩn cho những gia đình đói ăn.

Chính sách này được coi là sẽ trực tiếp hỗ trợ trẻ em no bụng. Học sinh bỏ học vì đói ngày càng nhiều khiến cho giáo dục Zimbabwe vốn đã chìm sâu trong bê bối tham nhũng thêm khủng hoảng.

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Zimbabwe đã phải huy động hàng trăm kiểm toán viên, tập trung tiến hành kiểm toán hầu hết các trường học trên cả nước sau khi có một số báo cáo chỉ ra rằng nhiều hiệu trưởng và các ủy ban phát triển trường học đã biển thủ hàng triệu USD học phí, lệ phí và các khoản thu từ học sinh.

Các cuộc kiểm toán phủ tới khoảng 82% trên tổng số 8.179 trường học trong cả nước, trong đó có 5.805 trường tiểu học, 2.374 trường trung học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Zimbabwe cho biết, phần lớn các hiệu trưởng đã tự bổ nhiệm mình làm cán bộ mua sắm cho trường với mục đích lạm dụng, biển thủ công quỹ, làm xấu đi hình ảnh ngành Giáo dục Zimbabwe. Ông cho biết, sẽ nghiêm khắc trừng trị những người tham ô dù chỉ là 1 USD.

Zimbabwe không giáp biển nằm ở phía Nam lục địa Phi nổi tiếng với thác Victoria ở trên sông Zambezi và nhiều khu bảo tồn hoang dã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.