Học sinh xuất sắc chỉ thành đạt chứ không thay đổi thế giới

Có con đứng trên bục đọc diễn văn tốt nghiệp – đó là điều mà mọi phụ huynh đều mong muốn.

Học sinh xuất sắc chỉ thành đạt chứ không thay đổi thế giới

Karen Arnold – một nhà nghiên cứu tại Boston College – đã theo dõi 81 học sinh phổ thông xuất sắc, người được chọn được đọc diễn văn tốt nghiệp để xem họ sẽ trở thành ai sau này.

95% trong số đó tiếp tục tốt nghiệp đại học. Không có nghi ngờ gì về việc đạt thành tích tốt ở phổ thông là một báo hiệu cho những thành tích tiếp theo ở đại học. Gần 90% trong số đó hiện đang có sự nghiệp ổn định, với 40% nắm giữ những vị trí cấp cao nhất trong công ty. Họ là những người đáng tin cậy trong công việc, nhất quán, thích ứng tốt và phần lớn trong số họ đều có cuộc sống tốt.

Nhưng có bao nhiêu người trong số những học sinh đứng đầu này là những người thay đổi thế giới, định hướng thế giới hay gây ấn tượng với thế giới? Câu trả lời là: không có ai cả.

Bình luận về quỹ đạo thành công trong các môn học, bà Karen Arnold nói: “Mặc dù hầu hết họ là những người thành công trong công việc, nhưng phần lớn họ không phải là người đứng đầu trong các lĩnh vực của cuộc sống thực tế”.

Trong một bài phỏng vấn khác, bà Arnold nói: “Những người đọc diễn văn có vẻ không phải là những người có tầm nhìn của tương lai... Họ thường hòa nhập vào hệ thống thay vì cải tổ nó”.

Vậy tại sao những người đứng đầu ở trường trung học lại hiếm khi trở thành người số 1 trong cuộc sống thực?

Có 2 lý do: Thứ nhất là trường học thường trao thưởng cho những người luôn làm thứ mà họ được bảo. Điểm số trong học tập tương quan rất lỏng lẻo với trí thông minh. Tuy nhiên, điểm số lại là sự dự báo tuyệt vời cho tính kỷ luật, sự tận tụy và khả năng tuân thủ các quy tắc.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Arnold nói rằng: “Về cơ bản, chúng ta đang tuyên dương sự tuân thủ và sẵn sàng hòa hợp với hệ thống”. Nhiều học sinh đọc diễn văn thừa nhận rằng họ không phải là những người thông minh nhất trong lớp, mà chỉ là những người chăm chỉ nhất.

Những người khác thì nói rằng, học tốt ở trường là việc đưa cho giáo viên thứ mà họ muốn nhiều hơn là thực sự hiểu rõ mọi thứ. Hầu hết các đối tượng trong nghiên cứu này được phân loại là “những người chuyên nghiệp”: họ xem công việc của mình giống như việc đạt được điểm tốt, chứ không thực sự là học tập.

Lý do thứ hai là các trường đang khen tặng cho những “nhà tổng quát học”. Có rất ít nhận thức về đam mê hay chuyên môn của học sinh. Tuy nhiên, thế giới thực lại ngược lại. Khi nói về những học sinh đọc diễn văn, bà Arnold nói: “Họ cực kỳ tròn trịa và thành công nếu xét về mặt cá nhân và nghề nghiệp, nhưng họ lại chưa từng tận tâm tận lực với một lĩnh vực duy nhất mà họ đặt cả đam mê vào đó.”

Nếu như bạn muốn trở thành học sinh giỏi ở trường trong khi bạn lại đam mê toán học, bạn cần phải ngừng chú tâm vào nó để đảm bảo rằng bạn cũng đạt điểm A môn Lịch sử. Phương pháp “khái quát hóa” này không dẫn đến sự chuyên tâm. Trong khi, cuối cùng thì hầu hết chúng ta đều đi theo một sự nghiệp mà chỉ một kỹ năng được đánh giá cao, còn các kỹ năng khác thì không quan trọng.

Trớ trêu là Arnold thấy rằng những sinh viên thông minh thích học thì lại gặp khó khăn ở trường. Họ có đam mê, họ muốn tập trung và quan tâm tới việc đạt được sự tinh thông nhưng họ lại thấy các quy định, luật lệ của trường học rất ngột ngạt. Trong khi đó, những học sinh đọc diễn văn thì thực tế vô cùng. Họ tuân theo các quy định và đạt được điểm A hơn là đạt được kỹ năng và hiểu sâu.

Nghiên cứu của Shawn Achor ở ĐH Harvard cũng cho thấy rằng điểm số ở đại học chẳng có ý nghĩa gì trong việc dự đoán về sự tác động của họ tới thế giới trong cuộc sống sau này. Một nghiên cứu khác ở hơn 700 triệu phú Mỹ cho thấy điểm GPA trung bình ở đại học của họ chỉ là 2.9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ