Học sinh trường chuyên thi tín chỉ một số môn bậc ĐH: Đề xuất có khả thi?

GD&TĐ - Mới đây, đề xuất cho phép học sinh (HS) của các trường chuyên thi tín chỉ một số môn tương ứng ở bậc đại học, cao đẳng của Sở GD&ĐT TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến từ cơ sở giáo dục.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM trong một buổi học nhóm. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM trong một buổi học nhóm. Ảnh: TG

Phù hợp với chương trình mới

Trong báo cáo mới đây về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP (ngày 8/6/2012) và Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất cho HS các trường chuyên, lớp chuyên được thi tín chỉ ở một số môn tương ứng đang được giảng dạy trong trường đại học, cao đẳng. Qua đó, HS có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

Nhà giáo Triệu Thị Huệ - nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho rằng: Đề xuất cho HS trường chuyên được thi tín chỉ ở một số môn tương ứng đang được giảng dạy ở trường ĐH khả thi, đồng thời bắt kịp với xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới.

“Tôi ủng hộ đề xuất này. Rất cần cơ chế thoáng như vậy để tạo cơ hội cho HS giỏi rút ngắn thời gian học ĐH, được mở mang kiến thức và cống hiến”, nhà giáo Triệu Thị Huệ chia sẻ.

Theo cô Huệ, HS trường chuyên vốn đã có học lực giỏi, được tuyển chọn qua các kỳ thi nên chất lượng đầu vào rất tốt. Đồng thời, HS trong trường chuyên được học tập, rèn luyện bởi đội ngũ GV giỏi, tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại. Do đó, hầu hết HS trường chuyên rất năng động, ý thức rõ về sở trường, đam mê của mình. Nhiều HS tự học và tự bồi đắp kiến thức ngoài kiến thức trong trường phổ thông. Triết lý giáo dục ở trường chuyên không chỉ bó hẹp trong việc trở thành “cái lò” đào tạo HS giỏi quốc gia mà chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tương tự, nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM nêu quan điểm: Đề xuất của sở GD&ĐT phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Bởi trong chương trình mới, HS chỉ học và chọn nhóm các môn mình muốn và phù hợp với năng lực. Khi đó, giáo viên dạy học theo các chuyên đề mới có khả năng xây dựng khung bộ môn và có thời gian để giảng dạy một số môn từ đại học.

Đồng tình với đề xuất này, ThS Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), chia sẻ: Tôi cho rằng, đây là ý tưởng hay, đột phá, góp phần tạo nên cơ chế thông thoáng để HS phổ thông (đặc biệt là trường chuyên) có thể làm quen, định hướng nghề nghiệp cho tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông.

Theo ThS Hồ Tấn Nguyên Minh, phần lớn HS trường chuyên ngay từ khi vào lớp 10 đã có ý thức lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Việc cho phép các em đăng ký hoàn thành trước một số tín chỉ ở ĐH sẽ mở ra cơ hội để thử nghiệm khát vọng đại học của mình. Nếu cho phép HS lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tùy năng lực, đam mê của mình tôi nghĩ sẽ hoàn toàn thực hiện được. Theo tôi, không chỉ HS trường chuyên mà ngay cả HS trường phổ thông bình thường, nếu có năng lực và nguyện vọng cũng nên tạo điều kiện.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên trong Lễ vinh danh khen thưởng năm 2021. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên trong Lễ vinh danh khen thưởng năm 2021. Ảnh: TG 

Trường ĐH có sẵn sàng?

Trước đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM, phía các trường ĐH cũng có ý kiến đồng tình, tuy vậy đi kèm một số băn khoăn.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) bày tỏ sự ủng hộ. “Tôi cho rằng đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM hoàn toàn khả thi. Vì ĐH hiện nay đào tạo theo hệ thống tín chỉ nên thời khóa biểu khá linh hoạt. Về phía HS, nếu thời gian học ở phổ thông cả ngày rất khó để tham gia các lớp học ở ĐH” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

TS Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng, việc học trước các tín chỉ ở trường ĐH chỉ phù hợp với HS ở thành phố lớn, nơi đặt các cơ sở giáo dục ĐH mà HS muốn xét tuyển vào. Điều này có thể dẫn đến không công bằng với HS trường chuyên ở tỉnh. “Theo quan điểm cá nhân, nếu cho phép HS học trước các tín chỉ ở ĐH thì không phân biệt HS trường chuyên hay không. Em nào có điều kiện và năng lực chuyên môn tốt  có quyền đăng ký học, như thế sẽ công bằng hơn với tất cả HS” - TS Nhân nêu quan điểm.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho rằng, việc công nhận tín chỉ và liên thông giữa bậc THPT và ĐH được một số trường ĐH ở Mỹ làm lâu nay nhưng Việt Nam thì chưa.

“Từ năm 2019, HCMUTE triển khai các khóa MOOC môn Nhập môn ngành cho phép HS THPT học online, vừa được công nhận tín chỉ vừa giúp hướng nghiệp. Tuy nhiên, cái khó ở Việt Nam là chương trình học ở bậc THPT quá nặng nên hầu như các em không có thời gian để học trước các môn ở bậc ĐH. Thêm vào đó, chương trình GD của ta khá cứng, hầu hết HS không được tự chọn môn học. Sự phối hợp giữa các trường THPT và ĐH trong việc thiết kế chương trình cũng khiến vấn đề công nhận tín chỉ khó khăn…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, bày tỏ: Nếu môn đó phù hợp với môn trong chương trình đại học và được giảng dạy bảo đảm chất lượng ở trường chuyên, trường đại học sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, tôi e khó thực hiện vì nội dung hai bậc học khác nhau. Còn trường hợp HS đăng ký học tín chỉ tại cơ sở GDĐH thì được, nhưng các em phải vô trường ĐH học hơi cực, trừ Trường THPT Năng khiếu thuộc ĐHQG TPHCM thì thuận tiện hơn... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ