Đây là tiết học trong dự án dạy học theo định hướng STEM của trường với chủ đề hệ thống giao thông công cộng. Việc được mục sở thị robot TBM khoan đường hầm, các công nhân của công trình làm việc... nhiều HS cho rằng, đây là tiết học vô cùng bổ ích, ý nghĩa mà các em có được.
Tiết học “có một không hai”
Từ sáng sớm, khoảng 40 HS và giáo viên của Trường THCS Trần Văn Ơn đã có mặt để sẵn sàng cho tiết học tham quan trực tiếp tại nhà 1b, nơi đang thi công tuyến đường hầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TPHCM, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 với lộ trình Bến Thành - Suối Tiên.
Trước khi vào tham quan ga ngầm, các em đã có hơn một giờ đồng hồ, trao đổi, đặt câu hỏi cho đại diện của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM. Theo đó, các em HS được chia thành 3 nhóm và hoàn thành các bài thuyết trình của mình với các nội dung như tổng quan về tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, robot TBM (gọi tắt của thiết bị đào ngầm TBM, nặng khoảng 300 tấn của Nhật Bản), hay về các thông số kĩ thuật và kết cấu kĩ thuật của tuyến, định hướng, mục tiêu phát triển tuyến metro…
Háo hức, chờ đợi và khi bước xuống công trường, các em đã ồ lên bày tỏ sự ngạc nhiên khi lần đầu thấy các chú công nhân, kĩ sư đang tích cực làm việc, và nhất là tận mắt chứng kiến máy khoan ngầm TBM đang hoạt động dưới lòng đất. Nhiều em đã đặt ngay câu hỏi cho các kĩ sư về cách vận hành máy, hay nếu gặp sự cố các chú xử lý ra sao, đưa nguồn điện vào hầm như thế nào hay làm sao để đưa các khối bê tông lớn vào hầm lắp đặt rồi đến những tò mò về bồn chứa dầu thủy lực TBM, bồn nước của máy bơm PO…. Các em cũng tranh thủ chụp ảnh, quay phim quan sát xung quanh để làm tư liệu cho mình.
Những bài học bổ ích
Sau khi tham quan công trường nhà ga 1b, em Lê Thanh Phúc, lớp 8A1 chia sẻ, từ việc tìm hiểu qua tài liệu trên mạng và việc tận mắt được thấy con robot TBM và tuyến hầm ngầm đang thi công, thấy công trường làm việc của dự án em thấy rất thú vị. Các kiến thức về áp suất, áp lực, mặt phẳng nghiêng, vị trí địa lý, độ lún của đất, phân bổ dân cư… được học thể hiện một cách cụ thể và có phần phức tạp hơn qua thực tiễn cuộc sống.
Chia sẻ về dự án theo định hướng STEM với chủ đề nói trên, thầy giáo Trương Quý Lâm, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THCS Trần Văn Ơn, cho hay: Tiết học trải nghiệm này chỉ là một phần của dự án, bởi tiếp theo, HS sẽ phải làm một bài thuyết trình về những gì mà các em đã tìm hiểu, được giải đáp, được trải nghiệm về hình thức giao thông công cộng này cho HS toàn trường nghe.
Đặc biệt, sẽ có khoảng 20 học sinh tiếp tục được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với học sinh hai nước Singapore và Malaysia về kỹ thuật xây dựng và ý thức sử dụng tàu điện ngầm của người dân. Từ đó các em sẽ có bài thuyết trình so sánh về các loại hình thức giao thông công cộng ở Việt Nam, nước ngoài.
Thầy Lâm cũng mong muốn, qua từng tiết học trải nghiệm, các em hiểu sâu hơn về kiến thức đã học, biết cách tổng hợp, xâu chuỗi các kiến thức liên quan đến nhau và nhất là biết áp dụng các kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.