Học sinh TP Buôn Ma Thuột trở lại trường học từ 10/1

GD&TĐ - Sau hơn 4 tháng học trực tuyến, từ ngày 10/1, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột sẽ đến trường học trực tiếp trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa trong một chuyến kiểm tra dạy học trên địa bàn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa trong một chuyến kiểm tra dạy học trên địa bàn.

Theo đó, sau khi quyết định đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, cho mở cửa hầu hết các dịch vụ kinh doanh từ ngày 6/1 (trừ các dịch vụ có nguy có lây nhiễm Covid-19 cao), UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho học sinh lớp 9 và lớp 12 được trở lại trường học tập trực tiếp từ ngày 10/1.

Đối với các khối lớp còn lại, tiếp tục tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, trên truyền hình và giao bài tự học. Tiếp tục tạm dừng hoạt động giáo dục đối với bậc mầm non chờ đến khi có thông báo mới.

Các trường học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã phải đóng cửa gần hết học kỳ I, năm học 2021-2022 (ảnh chụp cổng trường THPT Hồng Đức).
Các trường học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã phải đóng cửa gần hết học kỳ I, năm học 2021-2022 (ảnh chụp cổng trường THPT Hồng Đức).

Lãnh đạo phòng GD&ĐT thành phố cho biết, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị đã yêu cầu hiệu trưởng các trường học triển khai ngay việc chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại học tập. Trọng tâm là ôn tập, bổ sung các kiến thức và tổ chức kiểm tra đánh giá vào thời điểm phù hợp nhằm phản ánh đúng chất lượng kết quả học tập, đảm bảo công bằng và không gây áp lực cho các em.

“Sau kỳ nghỉ hè năm 2021, tính đến nay, các trường học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã không hoạt động hơn 6 tháng. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường rà soát kỹ toàn bộ, từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến công tác vệ sinh môi trường. Cái nào hư hỏng, không vận hành được thì sửa chữa, thay thế ngay. Bảo đảm khi các em trở lại học tập thì tranh thủ thời gian vàng để dạy học, ôn tập củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh”- đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT thông tin.

Còn theo ông Hoàng Văn Phong, Trưởng phòng Y tế TP Buôn Ma Thuột, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Các ổ dịch cộng đồng vẫn còn, nhưng nằm trong khu vực nhỏ.

“Theo bản đồ phân vùng cấp độ dịch tễ Covid-19 của Sở Y tế, Thành phố được xác định ở cấp độ 2. Hiện đã có trên 97% học sinh lớp 9 và lớp 12 được tiêm phòng ít nhất một mũi vắc-xin cách hơn 14 ngày. Việc cho học sinh đi học trực tiếp tại thời điểm này là phù hợp và chín muồi về mặt dịch tễ khi vắc-xin tạo kháng thể. Đây cũng là việc thể hiện sự chủ động, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ”- ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, việc bao phủ vắc-xin kết hợp kiểm soát tốt các giải pháp phòng dịch theo 5K sẽ giúp các nhà trường yên tâm dạy học.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn sẵn sàng các kịch bản phối hợp, hỗ trợ trường học thực hiện chống dịch khi học sinh đi học trực tiếp. Nếu phát hiện có F0, hiệu trưởng các nhà trường phải bình tĩnh, cùng cơ quan y tế địa phương tiến hành phong toả, cách ly lớp học có học sinh nhiễm Covid. Các lớp khác vẫn nên cho học bình thường. Quan trọng là phải kiểm soát tốt các yếu tố dịch tễ để hướng dẫn học sinh, giáo viên và gia đình yên tâm khi trở lại học tập, tránh hoang mang, lo lắng thái quá”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo thống kê, toàn Thành phố có hơn 5.270 học sinh lớp 9 và gần 4.600 học sinh lớp 12. Đến chiều 8/1, 100% trường học đã hoàn thành xong công tác vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện để đòn học sinh trở lại học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.