Thí sinh Nguyễn Quang Minh – học sinh Trường THCS Nguyễn Du, dự thi tại điểm thi Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận xét, đề thi tuy có hơi dài, nhưng không khó, em dự kiến được 7 điểm trở lên.
Phần đọc hiểu khá dễ, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm được. Em làm trọn vẹn phần này, hy vọng sẽ được điểm tối đa.
Đến phần làm văn cũng khá hay với câu hỏi về nghị luận xã hội, viết về cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người.
Một vấn đề cũng khá thời sự và gần gũi với thực tiễn. Tuy nhiên để đạt điểm tối đa ở câu hỏi này thì không phải là dễ.
Riêng câu câu viết một đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch (ý 3, phần I), nếu bạn nào không nắm chắc kiến thức lý thuyết thì rất dễ bị làm lạc hướng. Đây là câu vừa khó, vừa dễ vì có sự kết hợp giữa lý thuyết với cảm thụ văn học.
Cùng quan điểm, thí sinh Nguyễn Yến Ngọc – học sinh Trường THCS Mai Động bộc bạch: Em khá tâm đắc với câu hỏi nghị luận xã hội nên em tự ti về bài viết của mình.
Phần văn học rơi vào bài thơ quen thuộc "Viếng Lăng Bác" nên dễ viết.
"Đặc biệt, đây là bài thơ hay, giàu cảm xúc nên chúng em tự tin là làm được bài. Hơn nữa, chúng em đã được ôn khá kỹ ở trường nên khi gặp dạng đề thi này, chúng em không bị bất ngờ và lúng túng" – Yến Ngọc chia sẻ.
Là học sinh Trường THCS Trưng Vương, thí sinh Nguyễn Hải Ngọc cho hay, đề thi sát với chương trình kiến thức đã học. Tuy nhiên, nếu bạn nào chủ quan hoặc không chăm chỉ học thì cũng sẽ gặp khó khăn với đề này.
Cả phần I của đề thi, các câu hỏi xoay quanh bài thơ "Viếng Lăng Bác" của tác giả Viễn Phương, một bài thơ hay, giàu hình ảnh và cảm xúc nên học sinh có nhiều "đất diễn".
"Đây là phần em thích nhất của đề thi nên em khá tự tin với bài làm của mình. Nói chung đề thi tương đối "dễ thở" nhưng cũng đòi hỏi thí sinh phải học thật, thi thật" – Hải Ngọc nói.