Đặc biệt, sản phẩm này còn tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Thức uống không chứa cafeine
Nhóm làm rễ cây bồ công anh thành thức uống là 2 học sinh Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) gồm Nguyễn Mai Thanh và Trần Ngọc Khánh Linh cùng học lớp 12A6.
Mai Thanh cho hay trong buổi tập huấn về khởi nghiệp vào đầu năm học, cô giáo đã nêu ra ý tưởng bằng từ khóa “cà phê không chứa caffeine”. Từ đó, đã gợi mở cho nhóm tìm hiểu, mày mò và nghiên cứu ra loại thức uống hương vị giống cà phê nhưng không có chứa caffeine.
Tìm hiểu tài liệu, nhóm được biết phần rễ cây bồ công anh khi pha với nước sẽ mang đến hương vị tựa cà phê, hoàn toàn không có caffeine. Đặc biệt là phần rễ bồ công anh nếu đem đi chế biến sẽ có màu sắc và hương vị tương tự như cà phê mà chúng ta uống hằng ngày. Thành phần này có vị đắng nhẹ, ít chát, dư vị sau khi uống lại ngòn ngọt. Đặc biệt không chứa chất caffeine, giải độc gan, thanh lọc cơ thể, lợi tiểu…
Cây bồ công anh còn gọi là hoàng hoa địa đinh, hoàng hoa lan thảo, nha sư (dent de lion)..., tên khoa học: Taraxacum offcinal(L.) Weber, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Hạt giống của bồ công anh giống như những chiếc dù nhỏ bay lượn trong gió, lan rộng và phát triển thành nhiều cây bồ công anh khác. Ở Trung Quốc chúng thường được dùng làm thuốc.
Khó khăn của nhóm học sinh là rễ bồ công anh có giá thành cao, khoảng 2 triệu đồng/1 kg rễ khô nên nguyên liệu sử dụng để thử nghiệm chiếm khá nhiều số tiền dành để nghiên cứu. Sau khi mua rễ bồ công anh về, Mai Thanh đem phơi khô, cắt nhỏ và rang lên, kế đến xay thành bột mịn.
Quá trình rang để tạo được hương vị cà phê rất khó. Đồng thời, kích thước rễ cây to, nhỏ khác nhau nên nhóm phải rang đều tay với nhiệt độ 200 độ C. Việc cháy động cơ của máy xay thường xuyên xảy ra vì kích thước rễ cây không đều. Có lần do rang quá tay nên thành phẩm bị cháy đen, dù tiếc song nhóm đã rút ra được bài học cho những lần rang sau.
Khâu tiếp theo cũng khó khăn không kém là xay. Nếu xay rễ cây bồ công anh quá mịn thì khi pha với nước sẽ không có màu và hương vị như cà phê. Còn nếu xay rễ cây quá lớn thì không tận dụng được hết chất dinh dưỡng.
Nhóm sinh viên và sản phẩm trà từ rễ cây bồ công anh có vị giống cà phê. |
Giàu tiềm năng thương mại hóa
TS Nguyễn Thụy Phương Trâm, giáo viên Trường THPT Đức Trọng là người hướng dẫn nhóm học sinh cho hay, kết quả thử nghiệm cuối cùng cho thấy màu, hương thơm của bột rễ bồ công anh tựa như cà phê rang máy. Khi thưởng thức mọi người có thể thêm sữa hoặc đường giống như uống cà phê bình thường.
TS Trâm cho hay trong thời gian tới nhóm sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để đi vào sản xuất đại trà. “Chúng tôi cố gắng mang sản phẩm đi vào đời sống thường nhật của người Việt Nam. Và trở thành lựa chọn cà phê thay thế không caffeine độc đáo, mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe để người tiêu dùng cân nhắc chọn mua”.
Được biết ở một số nước châu Âu, người ta dùng bồ công anh để làm thuốc lọc máu, tẩy độc cho cơ thể, làm gia tăng sức đề kháng, chữa sung huyết gan, viêm gan vàng da, viêm ống dẫn mật mạn tính, sỏi mật và thận, tăng cholesterol trong máu, xơ vữa động mạch, béo phì, thiếu máu, suy nhược, rối loạn tiêu hóa, hoại huyết, giảm niệu, suy thận, thấp khớp, thống phong, táo bón, trĩ, bệnh ngoài da do gan, nấm, eczema...
Việc tạo ra loại trà từ rễ bồ công anh vừa đem lại sự tiện dụng cho người dùng, vừa tạo ra loại trà giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe, góp phần phát triển các cây dược liệu ở Việt Nam.
Ông Trương Văn Đức, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao sản phẩm thức uống từ rễ bồ công anh của cô và trò Trường THPT Đức Trọng. Theo ông Đức, sản phẩm này đã được kiểm nghiệm, có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe.
Sản phẩm cũng được khảo sát trên nhiều người thích uống cà phê. Họ cho rằng thức uống từ rễ bồ công anh có hương vị không khác gì cà phê, đặc biệt là đem lại lợi ích tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, cây bồ công anh dễ dàng sống và phát triển trên đất cằn cỗi ở tỉnh Lâm Đồng. Nếu thương mại hóa sản phẩm thành công, sẽ nâng cao giá trị kinh tế cho cây bồ công anh, cũng như tạo ra được thu nhập lớn cho người dân khi trồng dòng cây này.
Nhóm học sinh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá người dùng để cải tiến sản phẩm trước khi xin cấp phép để thương mại hóa.