Học sinh ngại đến phòng tư vấn vì sợ bị dò xét, bình phẩm?

GD&TĐ - Để xử lý những tình huống khó, người làm công tác tham vấn học đường không chỉ cần chuyên môn vững mà cần thực sự yêu nghề, kiên nhẫn và bền bỉ.

Học sinh ngại đến phòng tư vấn vì sợ bị dò xét, bình phẩm?

Xử lý thế nào khi học sinh có thái độ bất hợp tác?

ThS Phạm Bích Diệp (phòng Tham vấn tâm lý, Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Nội) cho biết từng gặp những trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm dẫn lên phòng tư vấn tâm lý và các em có thái độ bất hợp tác.

Cách làm của cô Diệp khi gặp các trường hợp này là không hỏi ngay vào vấn đề hay xoáy vào lỗi của trò, mà sẽ nói chuyện vui vẻ, tự nhiên, hỏi chung chung về học sinh đó để tạo cảm thấy tin tưởng; dần dần mới đi vào vấn đề và vẫn dựa trên tinh thần tôn trọng học sinh, để con chủ động chia sẻ, nói về vấn đề của mình và tự đưa ra giải pháp.

“Ngoài ra, có thể tìm cách tiếp cận khác ngoài phòng tham vấn, chủ động tạo sự thân thiện, cởi mở, gần gũi với học sinh. Ví dụ, chúng tôi lên lớp tư cách dự giờ để quan sát học sinh, tiếp cận các em trong giờ ra chơi, tiết học ngoại khóa… dần dần tạo mối quan hệ thân thiện để tiếp cận học sinh một cách từ từ, không đường đột.

Kinh nghiệm của tôi là nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên; tìm hiểu rõ nhu cầu của học sinh; lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cá tính của các con; không vội vàng phán xét về biểu hiện hành vi của học sinh; đặc biệt cần gần gũi, làm bạn với học sinh và sẵn sàng chia sẻ với các em.” – cô Diệp chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Phạm Bích Diệp lưu ý, phải chú ý ngay từ ban đầu là việc giáo viên chủ nhiệm mời học sinh xuống có khéo léo hay không, không nên gây chú ý từ các bạn khác trong lớp khiến cho con xấu hổ hay ngại dẫn đến chống đối. Cần làm rõ quy trình giới thiệu học sinh xuống phòng tham vấn.

Tại Ban Mai, nếu giáo viên chủ nhiệm là người phát hiện vấn đề, việc đầu tiên giáo viên cần lên phòng tham vấn trao đổi với chuyên gia để thống nhất cách trao đổi với con, giúp con thấy thoải mái khi xuống phòng tham vấn. Sau khi thống nhất, giáo viên mới xuống trao đổi, thuyết phục học trò; tuyệt đối không ép buộc.

Giúp đỡ chứ không chỉ là nơi chữa trị sức khỏe tâm thần

Trên thực tế, không chỉ học sinh  mà ngay cả một số giáo viên vẫn còn cách hiểu hoạt động tham vấn là nơi chữa trị cho những trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có những học sinh sau khi tìm sự giúp đỡ từ phòng tham vấn bị các bạn dò xét, bình phẩm, thậm chí kỳ thị.

Nhận thức được điều này, cô Diệp cho biết, nhà trường đã chú ý làm tốt ngay từ khâu giới thiệu ban đầu về phòng tham vấn, nhấn mạnh rõ cho cả giáo viên và học sinh hiểu rằng: phòng tư vấn là nơi để lắng nghe, chia sẻ khi có điều cần tâm sự, giúp đỡ chứ không phải chỉ là nơi chữa trị vấn đề sức khỏe tâm thần.

Trong các buổi này, không nên đơn thuần nói lý thuyết mà cần lồng ghép các hoạt động hỏi đáp, trò chơi, để các con thấy thầy cô, chuyên gia tham vấn cũng gần gũi, thân thiện. Việc tạo dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của cán bộ làm công tác tham vấn tâm lý không chỉ ở trong phòng tham vấn mà còn cần ở cả trong các hoạt động thường nhật để học sinh dễ mở lòng hơn. Đồng thời, cần khẳng định với học sinh về tính bảo mật thông tin khi các con tham gia tham vấn.

“Cũng cần có những buổi tập huấn với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, để học hiểu đúng, đủ về chức năng, nhiệm vụ của phòng; cùng với đó, cung cấp cho họ kỹ năng tham vấn học đường cơ bản, kỹ năng phát hiện ban đầu, để đội ngũ này trở thành người giúp sức hữu hiệu trong quá trình can thiệp với trẻ.” – cô Phạm Bích Diệp cho hay.

Việc học sinh tự tìm cách giải quyết thường sẽ rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Những trường hợp này thường trở nên khá nghiêm trọng và đòi hỏi cán bộ tham vấn phải can thiệp vất vả hơn rất nhiều. Chúng tôi phải xây dựng sự tin tưởng và thân thiết tuyệt đối để các con có thể xuống phòng bất cứ lúc nào. Đây cũng là cách để các con trút bỏ những vấn đề của bản thân mỗi ngày, không bị tích tụ lại và cũng là cách để kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, những nguy cơ có thể xảy đến với các con. Khâu phát hiện vấn đề của học sinh ngay từ ban đầu để có hỗ trợ kịp thời là vô cùng quan trọng. Vai trò này của cha mẹ và thầy cô trong nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. -
Cô Phạm Bích Diệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.