Học sinh Mỹ trải nghiệm thi SAT trên máy tính

GD&TĐ - Tại Mỹ, các kỳ thi chuẩn hóa SAT được tổ chức từ tháng 3 là lần đầu tiên học sinh thi bằng máy tính hoặc máy tính bảng thay cho bút và giấy.

Thí sinh Mỹ làm bài kiểm tra SAT trên máy tính.
Thí sinh Mỹ làm bài kiểm tra SAT trên máy tính.

Dù công nghệ không còn xa lạ với học sinh phổ thông nhưng nhiều người đang cố gắng bắt nhịp với hình thức kiểm tra này.

SAT (Scholastic Assessment Test) là bài thi chuẩn hóa quốc tế, kiểm tra các kiến thức về khoa học, xã hội, tư duy logic. Nhiều trường đại học, cao đẳng ở Mỹ và các quốc gia khác sử dụng kết quả SAT như một tiêu chí tuyển sinh.

Hồi năm 2022, đơn vị tổ chức và quản lý SAT, College Board, thông báo từ năm 2024, học sinh Mỹ sẽ làm bài thi SAT trên máy tính hoặc máy tính bảng, có hẹn giờ. Vì chuyển sang hình thức kiểm tra mới, bài thi sẽ có các đoạn đọc ngắn, giảm số lượng câu hỏi và các câu cần phân tích kỹ như trước. Thời gian làm bài thi rút ngắn từ 3 xuống 2 tiếng.

Học sinh Mỹ đang dần làm quen với những thay đổi mới. Em Rachel Morrow, học sinh lớp 12 Trường Trung học Holy Family Cristo Rey Catholic, bang Alabama, cho biết: “Em thích làm việc trên giấy nên ban đầu em không thích việc chuyển SAT sang thi trên máy. Nhưng bây giờ, em thấy hình thức kiểm tra này không quá tệ. Em thích chức năng hẹn giờ, giúp em kiểm soát thời gian làm bài tốt hơn mà không phải xem đồng hồ”.

Còn học sinh lớp 12 Emerson Houser cho biết: “Em thích phiên bản kiểm tra kỹ thuật số hơn. Em không mất thời gian điền đáp án vào phiếu trả lời và có thể tập trung vào màn hình suốt thời gian đó. Như vậy, việc soát lại đáp án dễ dàng hơn”.

Trong khi đó, học sinh lớp 12 Ashley Chávez-Cruz chia sẻ: “Khi làm bài kiểm tra trên máy, việc đánh dấu từ khóa, câu chủ đề trong đoạn văn khó hơn và em phải ghi chú thông tin sang một ứng dụng văn bản”.

Tuy nhiên, Ashley cho rằng việc thi trên máy tính bớt áp lực hơn. Việc làm bài thi trên giấy là truyền thống thi cử tại Mỹ nên khi bước vào phòng thi, học sinh sẽ cảm thấy căng thẳng. Nhưng làm bài thi trên máy giống với việc học tại nhà, ôn tập tại trường hơn là một kỳ thi nên học sinh có thể thả lỏng tâm trạng.

Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường đại học ở Mỹ đã tranh cãi và loại bỏ yêu cầu nộp điểm SAT trong hồ sơ tuyển sinh. Số khác đưa SAT trở thành điều kiện khuyến khích, thay vì bắt buộc.

Tranh cãi này xuất phát từ việc nhiều chuyên gia giáo dục nghi ngại SAT gây ra bất bình đẳng giáo dục. Học sinh đến từ những gia đình khá giả có thể học thêm để luyện thi SAT trong khi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không may mắn như vậy.

Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, nhiều trường đại học có tính cạnh tranh cao như Dartmouth hay Browwn thông báo họ sẽ tiếp tục yêu cầu thí sinh nộp kết quả SAT hoặc ACT. Theo lý giải của các trường, bài kiểm tra chuẩn hóa giúp hội đồng tuyển sinh chọn lọc những thí sinh có triển vọng, tài năng.

Nhiều học sinh cũng nhận thấy kết quả SAT vẫn có giá trị, ngay cả khi trường đại học không yêu cầu. Em Rachel Morrow cho biết: “Hiện tại, việc nộp điểm thi SAT là không bắt buộc nhưng thí sinh có kết quả SAT vẫn có lợi thế hơn so với người không có”.

Giáo viên luyện thi SAT S’Heelia Marks phân tích, nếu loại bỏ SAT, một hồ sơ tuyển sinh thông thường sẽ còn lại học bạ, điểm học tập, thành tích ngoại khóa.

Nhưng nếu thí sinh đến từ một trường công lập trung bình, ít tiếng tăm, điểm học tập của các em sẽ không gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Trong trường hợp này, thí sinh cần một kết quả xác thực, được công nhận rộng rãi như SAT hay ACT.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.