Thí sinh hào hứng
Sẽ tham dự thi tốt nghiệp THPT năm nay nên em Lò Thị Na, lớp 12C, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) rất quan tâm đến các thông tin liên quan. Ngay khi Bộ GD&ĐT thông tin rộng rãi và lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Na đã cập nhật, tìm hiểu.
“Việc mở rộng thêm hình thức đăng ký dự thi giúp chúng em có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi bạn. Riêng với em, do ở địa bàn khá thuận lợi, lại được tiếp xúc thường xuyên với công nghệ nên sẽ lựa chọn hình thức đăng ký trực tuyến cho chủ động”, Na cho hay.
Na chia sẻ, có nhiều sửa đổi liên quan đến trách nhiệm của thí sinh mà em cho rằng rất phù hợp với thực tế. Trong đó, nội dung Na quan tâm nhất là dự thảo quy định thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tuyến thay vì chỉ được đăng ký trực tiếp tại Trường THPT nơi học lớp 12 như trước.
Là lứa học sinh liên tiếp trải qua 2 năm học biến động bởi dịch Covid-19 nên việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến thay vì phải ghi hồ sơ giấy được xem là tín hiệu vui với nhiều em. Mặc dù ở địa bàn vùng khó, song Nguyễn Thị Phương, lớp 12C1, Trường THPT Mường Nhà (tỉnh Điện Biên) cũng rất hào hứng với thông tin này.
Nhà Phương ở trung tâm bản Na Hươm, xã Na Tông, huyện Điện Biên. Em cho hay, hiện nay các điều kiện về hạ tầng, công nghệ, mạng internet…đều đảm bảo nên nếu được đăng ký trực tuyến, em tự tin lựa chọn. “Mặt khác, nhà em cách trường khoảng 1km thôi nên nếu gặp trục trặc hoặc có vấn đề gì khó khăn cũng có thể dễ dàng nhờ thầy cô trợ giúp”, Phương nói.
Một giờ ôn tập môn toán lớp 12 của cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. |
Huyện Mường Tè hiện là địa phương khó khăn nhất, nhì tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, điều kiện thời tiết không ổn định, hạ tầng chưa đồng bộ… Song nhiều học sinh lớp 12 của năm học này cũng bày tỏ sự thích thú với hình thức đăng ký dự thi trực tuyến. Cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng chia sẻ: Qua rà soát sơ bộ lớp chủ nhiệm (12A4), có tới trên 90% học sinh lựa chọn hình thức này.
“Tôi cho rằng, việc bổ sung hình thức đăng ký dự thi là hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh mọi vùng miền có cơ hội lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế. Với học sinh nhà trường, vì các em đều ở nội trú nên đăng ký trực tuyến khá thuận lợi. Trường có hệ thống thiết bị, máy móc và mạng internet đảm bảo. Chỉ có chút khó khăn liên quan đến công nghệ thì với kinh nghiệm thực hiện đăng ký nguyện vọng cao đẳng, đại học từ năm 2022, chúng tôi tự tin có thể hỗ trợ cho các em”, cô Huyền bộc bạch.
Thầy cô sẵn sàng hỗ trợ
Theo thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Nhà (tỉnh Điện Biên), dự thảo quy chế thi năm nay cơ bản giữ ổn định so với năm 2022. Một số nội dung sửa đổi liên quan đến: Sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; làm thi… đều cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Riêng đối với sửa đổi, quy định về hình thức đăng ký dự thi năm nay, theo thầy Thượng là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Thầy Thượng phân tích, mặc dù đóng chân trên địa bàn vùng khó, lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, song việc đăng ký trực tuyến không “làm khó” thí sinh. Bởi trên thực tế, với nền tảng và kinh nghiệm tổ chức, triển khai đăng ký nguyện vọng trực tuyến của năm 2022, nhà trường tự tin hỗ trợ tốt cho toàn bộ thí sinh.
“Năm ngoái, chúng tôi cho các em đăng ký tập trung ngay tại trường, sử dụng máy móc, thiết bị và internet đồng bộ của đơn vị nên cơ bản thuận lợi. Một số trục trặc nhỏ liên quan đến việc đăng nhập, đường truyền đều được tháo gỡ luôn. Năm nay, trường có 108 học sinh lớp 12. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã rà soát, cho các em đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn thi. 100% các em đều đăng ký tổ hợp xã hội. Điều này càng thuận lợi hơn trong việc định hướng, hỗ trợ các em trong quá trình đăng ký”, thầy Thượng cho biết thêm.
Học sinh Trường PTDTNT Ka Lăng tìm hiểu thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Là giáo viên Tin học, lại được giao hỗ trợ thí sinh trong toàn bộ quá trình dự thi năm 2022 nên cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền (Trường PTDTNT Ka Lăng) có nhiều kinh nghiệm và tự tin hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Cô Huyền cho biết, hiện nhà trường đã có hệ thống máy móc và mạng internet đảm bảo, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
“Do là địa bàn miền núi, mùa mưa thường xuyên xảy ra giông, sét gây ảnh hưởng đến đường truyền. Năm trước, thí điểm cho thí sinh đăng ký nguyện vọng cao đẳng, đại học thì đúng vào thời gian cao điểm mùa mưa nên gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi xử lý được thì chúng tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm để chủ động hơn. Mặt khác, việc đăng ký thi tốt nghiệp diễn ra sớm hơn, nên nguy cơ xảy ra sự cố đường truyền cũng sẽ thấp hơn”, cô Huyền chia sẻ.
Ngoài ra, bên cạnh quy định về hình thức thì dự thảo cũng quy định hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh không cần phải có bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú. Theo thầy giáo Vũ Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), đây là thay đổi phù hợp, đồng bộ với việc thực hiện chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ.
“Quy định này nhằm cắt bớt thủ tục về giấy tờ phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Đây cũng là tất yếu, bởi thực tế hiện tại mọi thông tin, dữ liệu cá nhân đều được tích hợp trên phần mềm do Bộ Công an quản lý. Như vậy, thí sinh vừa cắt bớt được các thủ tục, giấy tờ phức tạp không cần thiết lại tiết kiệm thời gian”, thầy Hồng cho hay.