Học sinh lớp 1: Trải nghiệm nghề nghiệp qua môn học

GD&TĐ - Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được lồng ghép giáo dục hướng nghiệp qua các hoạt động trải nghiệm và một số môn học như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học.

Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Vietschool (Hà Nội).
Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Vietschool (Hà Nội).

Hướng nghiệp trong hoạt động trải nghiệm

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ được học môn học mới, trong chương trình chính khóa với bộ sách giáo khoa riêng là môn Hoạt động trải nghiệm. Môn học nhằm trang bị các kỹ năng mềm cho học sinh, đồng thời giúp học sinh hiểu biết về nghề nghiệp, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sự tư vấn của thầy cô và gia đình.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm chia sẻ: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân và phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình.

Ngoài ra, các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp theo lứa tuổi. Các em sẽ tìm thấy niềm đam mê và hứng thú của mình khi được kích thích sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, phát huy tính cá thể, chủ động, tự giác, tích cực và sáng tạo.

Ngoài môn học Hoạt động trải nghiệm, học sinh còn được định hướng nghề nghiệp qua nhiều môn học khác của chương trình giáo dục phổ thông mới như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học...

Cụ thể, chương trình môn Âm nhạc góp phần định hướng nghề nghiệp cho những học sinh có năng khiếu và nguyện vọng được làm việc trong lĩnh vực liên quan. Với học sinh tiểu học, bên cạnh việc hình thành và phát triển các năng lực âm nhạc cơ bản, các em còn được tạo điều kiện để nhận ra sở trường và phát huy năng khiếu âm nhạc của bản thân và bước đầu có ý thức về nghề nghiệp.

Trong môn Mỹ thuật, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thực hiện qua mạch mỹ thuật ứng dụng. Chương trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu và làm các sản phẩm thủ công, như đồ chơi, đồ dùng học tập, cá nhân, lưu niệm, gia dụng, trang trí nội thất bằng vật liệu sẵn có; thông qua đó, giúp học sinh làm quen với các nghề thủ công phổ biến ở địa phương, góp phần giáo dục hướng nghiệp.

Theo ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đang hoàn thiện Thông tư, đưa ra quy định cụ thể đối với công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, nhiệm vụ của các cấp học sao cho phù hợp với trình độ hiểu biết, năng lực và nhận thức, sức khỏe của học sinh.

Đối với cấp tiểu học, giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.

Học sinh được rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân, xã hội; tìm hiểu về gia đình, cộng đồng; phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giúp học sinh nhận thức đầy đủ về thế giới nghề nghiệp

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định, học sinh được giáo dục hướng nghiệp từ bậc tiểu học.

Tiến sĩ Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, thành viên soạn thảo Thông tư cho hay: Trên thế giới việc cho học sinh tìm hiểu thế giới nghề nghiệp rất phổ biến, giúp các em hình dung ra thế giới bên ngoài gia đình, trường học của mình.

Ở Việt Nam, phần lớn học sinh học xong lớp 12 không biết mình muốn làm nghề gì trừ việc nghe người này, người kia bảo đi học nghề này được nhiều tiền, nghề kia dễ xin việc. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để có được chương trình hướng nghiệp hiệu quả. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia, dự thảo Thông tư  đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp ngay từ bậc tiểu học.

Tiến sĩ Lê Đông Phương lý giải: Đưa nội dung hướng nghiệp vào từ bậc tiểu học bởi lẽ học sinh hiện nay chỉ mới nhận thức và tạo được sự yêu thích một số nghề nhất định như bác sĩ, giáo viên hoặc nghề nào đó giống bố mẹ đang làm bởi đó là những hoạt động nghề nghiệp đầu tiên các em được tiếp xúc từ khi còn nhỏ.

Vì công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả nên trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.700 học sinh ở các tỉnh, thành phố cho thấy, 90% học sinh lớp 12 thích làm bác sĩ, giáo viên. Theo danh mục nghề của Tổng cục Thống kê, có tới 900 nghề, như vậy, học sinh không biết rất nhiều nghề đang có trong xã hội.

Ông Phương chia sẻ: Để mô tả được cho các em đủ 900 nghề, Ban soạn thảo học kinh nghiệm thế giới, bắt đầu từ tiểu học sẽ giới thiệu về nghề để các em có được những nhận thức đầy đủ về thế giới nghề nghiệp. Còn khi các em lựa chọn ngành học là chuyện khác bởi khi học là học theo ngành chứ không phải học theo nghề.

“Một ngành học ra có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể nhận người học từ nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên hiện nay mặc định xã hội đang nhầm ngành và nghề là một, ví như học sư phạm văn nhưng hoàn toàn có thể làm biên tập, làm nhà báo” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, ước tính mỗi học sinh lớp 12 chỉ có sự phân biệt được rõ ràng 20 nghề. Chính vì vậy, việc dự thảo đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp vào từ bậc tiểu học với mong muốn giúp các em biết đến nhiều nghề hơn, từ đó ý thức được việc chọn nghề, chọn ngành để các em có sự lựa chọn tốt hơn thay vì thi tốt nghiệp THPT xong nhiều em vẫn băn khoăn trước lựa chọn ngành nghề như hiện nay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ