Không thể “đốt cháy” giai đoạn khi dạy học sinh lớp 1

GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu giáo viên, phụ huynh nóng vội, “đốt cháy” giai đoạn khi dạy học sinh lớp 1, có thể dẫn đến tình trạng quá tải, trẻ không tiếp thu, không làm được bài, thậm chí còn gây áp lực tâm lý, khiến cho trẻ sợ học.

Chương trình và SGK lớp 1 được áp dụng trên toàn quốc từ đầu năm học mới 2020-2021. Ảnh minh họa
Chương trình và SGK lớp 1 được áp dụng trên toàn quốc từ đầu năm học mới 2020-2021. Ảnh minh họa

Giáo viên tự đánh giá và điều chỉnh

Chia sẻ với những khó khăn của thầy, cô giáo sau hơn 1 tháng triển khai Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới với lớp 1, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu thực trạng: Học sinh năm nay ở bậc học mầm non nghỉ 4 tháng liền do đại dịch Covid-19, nên “trang bị” về nền nếp học tập, nhận mặt chữ… chưa đầy đủ. Năm nay, sau khai giảng, học sinh vào học ngay, không có “tuần số 0” để chuẩn bị. Chương trình, SGK mới nên thầy cô có thể chưa thành thục.

Từ thực tế trên, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đề nghị các thầy, cô giáo tự đánh giá và điều chỉnh theo hướng: Xem mình có đòi hỏi học sinh cao hơn chương trình không? Có tổ chức quá nhiều hoạt động không thiết thực không (VD: Khởi động không thiết thực; dừng ở các hoạt động phát âm, đánh vần, tìm chữ quá lâu…). Và xem mình đã dạy học linh hoạt và phân hóa chưa?

“Mỗi học sinh trong lớp có đặc điểm và khả năng riêng. Thầy, cô giáo cần giao nhiệm vụ học tập phù hợp với năng lực từng em” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ và cho biết: Đi thực tế ở một số địa phương tôi thấy nhiều nơi dạy tốt, học tốt. Tuy nhiên, nếu theo báo chí phản ánh giáo viên một số nơi gặp khó khăn trong dạy – học, có thể do những nguyên nhân sau: Bộ SGK hoặc một số bài trong bộ sách chưa phù hợp (không phải chỉ là nặng mà không logic hoặc tổ chức nhiều hoạt động rườm rà); do cách dạy chưa hợp lý; học sinh năm nay chưa được chuẩn bị tốt, hoặc phụ huynh học sinh lớp 1 quan tâm nhưng chưa nắm được cách dạy con nên vô tình gây áp lực cho các em; do lớp học quá đông…

Trao đổi về giải pháp để dạy - học lớp 1 theo chương trình mới được thuận lợi, hiệu quả, Tổng Chủ biên chia sẻ: Trước hết, giáo viên cần dạy đúng yêu cầu của chương trình. Giáo viên cần thực hiện quyền chủ động của mình: Tăng số tiết cho những bài học còn khó với số đông học sinh; thực hiện dạy học phân hóa; giảm bớt những hoạt động không thiết thực… Trong trường hợp có bài trong SGK chưa phù hợp, cơ quan quản lý giáo dục cần hướng dẫn tác giả, nhà xuất bản để điều chỉnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Thế Đại
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Thế Đại

SGK mới không “nặng” hơn chương trình cũ

Trước phản ánh của một số phụ huynh, Chương trình, SGK mới với lớp 1 hơi “nặng” hơn SGK cũ, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Trước hết cần phân biệt Chương trình và SGK. Chương trình tiếng Việt 1 xưa, nay và mai sau đều có mục tiêu chính là dạy học sinh biết đọc, viết. Muốn vậy phải học đủ 29 chữ cái, 11 hoặc 14 chữ ghép (tùy quan niệm), trên dưới 140 vần. SGK là sự cụ thể hóa chương trình. Mỗi bộ SGK có thể có cách tiếp cận riêng (phân bổ nội dung dạy học khác; Tính toán số đầu việc phải làm trong 1 tiết học, 1 bài học cũng khác).

“Nói “nặng” – “nhẹ” là tùy thuộc vào từng quyển SGK, bài học cụ thể. Ngoài ra còn tùy thuộc vào cách dạy của giáo viên (có giáo viên vô tình đặt yêu cầu cao hơn chương trình - dạy viết vượt 25% thời lượng; yêu cầu học sinh lớp 1 biết nối nét chữ hoặc tổ chức nhiều hoạt động rườm rà…). Do đó, nói chuyện “nặng” hay “nhẹ”, chúng ta phải nói đến bài cụ thể, SGK cụ thể thì tác giả và cơ quan quản lý mới có giải pháp để hướng dẫn giáo viên” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Khẳng định Chương trình, SGK mới với lớp 1 không nặng hơn chương trình cũ, tuy nhiên GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nói: Chương trình vẫn cần được đánh giá và điều chỉnh. Thời gian để đánh giá chương trình chắc chắn sẽ lâu hơn thời gian đánh giá SGK rất nhiều. Còn về SGK, giáo viên có thể đánh giá sơ bộ ngay từ khi nghiên cứu để chọn SGK. Đồng thời, có thể đánh giá ngay trong quá trình dạy học, nhất là đánh giá từng bài cụ thể. Giáo viên nên ghi lại đánh giá của mình và kịp thời phản ánh với nhà trường, hoặc cơ quan quản lý giáo dục để điều chỉnh.

Nhấn mạnh, học sinh hết lớp 1 phải biết đọc, viết, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích, theo quy định của chương trình, dĩ nhiên học sinh phải đạt kết quả rèn luyện toàn diện. Nhưng đó là kết quả giáo dục phối hợp của nhiều môn học. Các phẩm chất, năng lực chung cũng còn phải rèn luyện nhiều, liên tục, suốt thời gian học phổ thông. Nhưng có những yêu cầu mà lớp 1 phải đạt ngay và rất rõ ràng, đó là: Học sinh phải biết đọc, biết viết.

“Tôi cho rằng, đặt ra yêu cầu biết đọc, viết dễ hiểu hơn là đọc thông viết thạo. Tuy rèn 4 kĩ năng nhưng chương trình tập trung vào yêu cầu đọc và viết là chính: Dành 60% thời lượng cho đọc, 25% thời lượng cho viết. Còn lại là nghe – nói: 10%; kiểm tra, đánh giá: 5%” – GS Nguyễn Minh Thuyết nói. 

Để Chương trình và SGK mới đi vào cuộc sống đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.
 Để Chương trình và SGK mới đi vào cuộc sống đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.

Không nhất thiết phải giao bài tập về nhà

Theo GS, với học sinh lớp 1, không nhất thiết phải giao bài tập về nhà vì các em có 10 tiết/ngày để tự học, thực hành, vui chơi, học ngoại ngữ (tùy chọn). Cho nên giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng tiết học này để những học sinh chưa làm xong bài tập có điều kiện hoàn thành.

Về phía phụ huynh, chỉ cần hỏi xem con nắm đến đâu, nếu cần thì có hỗ trợ con nhưng tuyệt đối không gây áp lực cho con. “Với môn Tiếng Việt – lớp 1, phụ huynh có thể hỗ trợ con đọc, viết, nghe và nói. Về đọc -  viết, có nhiều cách hỗ trợ như giúp con ôn bài; khuyến khích con đọc sách, viết chữ (viết một vài từ, câu cho ông bà, bố mẹ, anh chị em…)” – GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý, đồng thời đề nghị: Giáo viên cần giúp phụ huynh học sinh nắm vững yêu cầu của chương trình,  từng bài càng tốt (nếu phụ huynh học sinh có điều kiện quan tâm); đặc biệt, giáo viên cần hướng dẫn phụ huynh cách dạy, khích lệ con, không gây áp lực cho con…

Trước băn khoăn của một số phụ huynh về việc mỗi địa phương lựa chọn bộ sách khác nhau, Tổng Chủ biên nhấn mạnh: Xã hội hóa SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học là để phát huy đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác nhau cho giáo dục; khắc phục tình trạng độc quyền. Ở miền Bắc nước ta trước năm 1957, ở miền Nam trước năm 1975 cũng có nhiều SGK cho mỗi môn học. Nhưng trước đây, giáo viên là người quyết định chọn SGK. Theo quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội, nhà trường chọn trên cơ sở ý kiến giáo viên và phụ huynh học sinh. Theo quy định của Luật Giáo dục, từ năm học 2021 – 2022, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc chọn SGK trên cơ sở ý kiến của một hội đồng chọn sách, có tham khảo ý kiến của cơ sở.

Về nguyên tắc, SGK đã được thẩm định đều phù hợp với chương trình và bảo đảm các yêu cầu về giáo dục toàn diện. Nhưng có thể mỗi SGK có cách tiếp cận chương trình một khác, phù hợp hơn với đối tượng và điều kiện dạy - học nhất định. Do đó, cần chọn lựa sách phù hợp và vận dụng linh hoạt (theo yêu cầu của chương trình).

Chương trình tiếng Việt lớp 1 nào cũng dạy số vần, số chữ như nhau, với yêu cầu cuối năm học sinh phải biết đọc, biết viết nên không có chuyện chương trình nào “nặng” hơn chương trình nào. Còn về SGK, mỗi quyển một khác, cần đánh giá cụ thể quyển nào nặng ở đâu để cơ quan chuyên môn có biện pháp điều chỉnh. - GS Nguyễn Minh Thuyết 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.