Nhiều nước coi việc lao động ở trường là bắt buộc, có nước lại quy định mang tính khuyến khích…
Quét dọn là một niềm vui
Hầu hết trẻ em Nhật Bản đều thích quét dọn, vệ sinh phòng học sau khi kết thúc buổi học. Các trường học cho rằng, mục đích của việc cho học sinh quét dọn lớp học không phải là chăm lo về sự sạch sẽ của nhà trường (đã có nhân viên vệ sinh làm việc này), mà là dạy học sinh trở nên hoàn toàn độc lập trong cuộc sống. Qua đó, các em còn biết làm việc đồng đội. Chính vì thế mà các nhóm học sinh mỗi ngày được phân công một công việc mới. Một số học sinh được phân công rửa tường và cửa ra vào lớp học, số khác quét bụi trên tủ và đèn chùm. Nhiều học sinh lại thích tưới cây trong vườn trường.
Ở trường phổ thông Nhật Bản, quét dọn là một nghi thức kéo dài 20 phút trong giờ giải lao sau bữa trưa. Sau khi một giai điệu vui vẻ ca ngợi công việc quét dọn ở trường học vang lên, tất cả học sinh cùng lúc đeo tạp dề, găng tay và cầm chổi. Cùng quét dọn với học sinh là nhân viên kỹ thuật, còn ở một số trường là các giáo viên. Các nhà giáo dục cho rằng, điều đó tạo ra sự đoàn kết, gắn bó giữa người lớn và trẻ em.
Trực nhật là nghĩa vụ
Các nhà quản lý giáo dục ở Trung Quốc coi việc trực nhật (quét dọn trường lớp) của học sinh là nghĩa vụ và sự quan tâm đến lợi ích tập thể. Hằng ngày, sau giờ tập thể dục buổi sáng vào lúc 6 giờ 30 phút đến 7 giờ, tất cả học sinh phải quét dọn lớp học.
Tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp cuối cấp phải tham gia dọn dẹp phòng học của mình. Các nhân viên vệ sinh chỉ quét dọn hành lang, sảnh, nhà vệ sinh. Nhưng để giúp đỡ họ, nhà trường phân công một nhóm học sinh thực hiện cả các công việc này một lần/tháng. Ở một số trường, học sinh còn phải quét sân trường, trực bếp, đứng phân phát thức ăn.
Ở Trung Quốc, học sinh thích trực nhật vì có cơ hội thoát khỏi các buổi học kéo dài 10 giờ/ngày và được trò chuyện với nhau. Vì ở một số trường, trong giờ giải lao và giờ học, học sinh khác giới bị cấm trò chuyện.
Công dịch bắt buộc
Từ 5 năm trước, luật pháp Singapore bắt buộc học sinh phải thực hiện lao động công dịch vì lợi ích của nhà trường. Học sinh phải dọn vệ sinh xung quanh lớp mình, bao gồm sân trường, hành lang, phòng tập thể dục, phòng thí nghiệm. Phòng tắm và những công việc phức tạp cần sử dụng hóa chất sẽ được giao cho các nhân viên vệ sinh. Theo luật, mỗi ngày học sinh phải lao động tối thiểu 10 phút. Tuy nhiên, các trường có thể quy định thời gian làm vệ sinh lâu hơn, cũng như thời điểm dọn vệ sinh như trước, sau khi học xong hoặc vào giờ giải lao.
Quy định này nhận được sự đồng thuận của các nhà quản lý, vì họ cho rằng, nó giáo dục cho học sinh ý thức trách nhiệm, lòng yêu lao động và thói quen dọn dẹp. Đặc biệt, không một bậc phụ huynh hoặc học sinh nào phản đối quy định này.
Hình thức thực nghiệm
Học sinh Anh chỉ dọn vệ sinh dưới hình thức thực nghiệm. Nhưng gần đây, một số trường phổ thông ở hạt Devon cho rằng, đây là cách tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng của các nhân viên vệ sinh, đồng thời giáo dục học sinh tôn trọng nghề này. Hiện, học sinh Anh chỉ phải quét dọn trong lớp học.
Hình thức thực nghiệm này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí. Phần lớn người Anh cho rằng, học sinh chỉ nên học cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường lớp học, chứ không nên bắt các em phải dọn dẹp. Quy định này có thể khiến các nhân viên vệ sinh nhàn rỗi và lơ là nhiệm vụ. Nhất là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, vệ sinh trường học là điều quan trọng. Việc này cần thêm các biện pháp chuyên môn, chứ không phải cố gắng của trẻ em mới bảo đảm một môi trường thực sự an toàn và lành mạnh.
Hình thức phạt học sinh vi phạm
Ở các trường học ở Mỹ, chỉ những học sinh gây thiệt hại cho môi trường học tập mới bị bắt phải lao động vệ sinh lớp học. Những học sinh viết chữ lên bàn, dán bã kẹo cao su lên thành ghế, vẽ bậy lên tường... không những phải sửa chữa sai lầm, mà còn phải khắc phục hậu quả. Học sinh vi phạm phải tẩy sạch các vết bẩn trên tất cả các bàn học trong lớp, quét dọn phòng học, sơn lại tường... Ở một số bang của Mỹ, các trường phổ thông sử dụng việc quét dọn không phải để bồi thường thiệt hại, mà như một hình phạt cho bất kỳ sự vi phạm quy tắc ứng xử nào. Tuy nhiên, nhiều trường phổ thông rất sợ bị cáo buộc vi phạm quyền của học sinh. Những lời cáo buộc bóc lột sức lao động trẻ em thậm chí có thể xảy ra trong lớp học.
Phụ huynh bị phạt tiền
Ở Pháp, học sinh không phải quét dọn lớp học. Nếu các em làm hư hỏng tài sản của nhà trường hoặc đồ dùng cá nhân của các bạn cùng lớp, thậm chí là đứt phéc-mơ-tuya áo khoác của bạn trong lúc đánh nhau, bố mẹ sẽ bị phạt tiền. Hơn nữa, số tiền vượt quá giá trị của tài sản bị thiệt hại. Bố mẹ cũng bị phạt tiền nếu học sinh xả rác bừa bãi, bởi vì nhà trường phải chi thêm tiền cho dịch vụ vệ sinh.
Dạy người lớn bảo vệ môi trường
Vì thiếu kinh phí nên ở Nigeria, rác thải chỉ được dọn dẹp mỗi tháng một lần. Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người lớn rất kém. Họ vùi rác và thức ăn thừa xuống cát hoặc ném ra ngoài cửa kính ô tô và xe buýt. Vì gần như không có các thùng đựng rác, nên nhiều người ném mẩu thuốc lá hoặc giấy gói thức ăn xuống đất. Xử lý rác thải đúng cách là một vấn đề nghiêm trọng, vì một phần ba rác thải bị đổ ra đường.
Trong tình hình đó, học sinh Nigeria quyết định làm vệ sinh trường lớp (chủ yếu là nữ sinh), không phải vì bị ép buộc, mà như một dự án, để làm gương cho người lớn. Ví dụ, các thành viên của tổ chức “Nữ sinh các trường Công giáo Nigeria” giữ gìn khuôn viên nhà trường sạch sẽ. Các em nhặt rác trên sân trường và trong phòng học, quét và lau sàn nhà. Các em lắp đặt các thùng đựng rác và giải thích cho mọi người, kể cả người lớn, hiểu rằng ô nhiễm môi trường gây ra bệnh tật. Các nữ sinh cho rằng, sự sạch sẽ mà các em giữ gìn là biểu tượng cho sự thuần khiết về mặt tinh thần của học sinh.