Không phải ngẫu nhiên người Nhật lại nổi tiếng thế giới với tính tỉ mỉ và kỉ luật của mình. Tất cả nhân cách, kĩ năng của một con người đều phải được rèn giũa ngay từ những thói quen nhỏ nhất. Ngay cả việc tự dọn dẹp trường lớp sau giờ học cũng chính là một bài học kĩ năng sống quan trọng đã trở thành truyền thống trong các trường mầm non ở Nhật Bản.
Trẻ em Nhật Bản vệ sinh lớp học như thế nào?
Các trường học ở Nhật rất ít có lao công vì phần lớn công việc dọn dẹp do chính học sinh trong trường đảm nhận. Hầu hết tất cả các trường cấp 2 và cấp 3, thậm chí là mầm non đều dành ra một khoảng thời gian gọi là “soji no jikan”- giờ dọn dẹp. Thông thường, đó sẽ là 20 phút sau giờ ăn trưa. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, khi “nhạc vệ sinh” (soji’s song) bắt đầu vang lên, học sinh sẽ cất hết sách vở và thay vào đó là những chiếc chổi, hót rác và giẻ lau. Các em sẽ bắt đầu thu gọn bàn ghế lại, quét lớp, hót rác, lau sàn bằng giẻ chứ không phải chổi lau nhà, lau cửa sổ, cửa đi…theo nhóm đã được phân công, mỗi em sẽ chịu trách nhiệm cho một khu vực dưới sự quản lí của một bạn nhóm trưởng.
Dọn vệ sinh lớp học đã trở thành "môn học chính khóa" của học sinh Nhật Bản.
Ngoài việc vệ sinh lớp học, các em cũng sẽ phải làm vệ sinh các khu vực khác của trường học như sân chơi, phòng nghe nhìn, phòng thể thao, phòng giáo viên, hội trường… Hết giờ vệ sinh, các em sẽ đứng thành hàng và nhận xét về công việc của nhau trong ngày hôm đó. Rồi tất cả sẽ đồng thanh nói “cảm ơn” như một cách ghi nhận công sức của mọi người. Việc này diễn ra đều đặn và trở thành một phần cơ bản của việc sinh hoạt ở trường hàng ngày. Cuối mỗi kì học sẽ có một buổi gọi là “o-soji” (tổng vệ sinh). Thậm chí, có trường còn cho học sinh nhặt rác ở những khu dân cư xung quanh trường học.
Trẻ em Nhật Bản học được gì qua những giờ vệ sinh như thế?
Người Nhật đã ưu tiên một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho việc dọn dẹp thay vì học các kiến thức hàn lâm vì họ tin rằng trẻ thực sự học được nhiều thứ với quá trình này và có thể xây dựng một nhân cách tốt đẹp ngay từ khi còn bé. Trẻ sẽ học cách tôn trọng môi trường xung quanh, tôn trọng không gian công cộng của mọi người. Trẻ sẽ hiểu rằng tốt nhất là không nên vứt rác hay bày bừa khi biết công việc dọn dẹp vất vả ra sao.
Điều đặc biệt là, trẻ em Nhật luôn hoàn thành những công việc này một cách tỉ mỉ và cẩn thận nhưng không hề cảm thấy đây là một gánh nặng, ngược lại, đó là niềm vui. Nhiều trẻ em ở Nhật Bản chia sẻ: “Con rất vui khi lớp học luôn sạch sẽ”, “Con chỉ thấy là sẽ tốt hơn nếu bọn con dọn dẹp vì đây chính là không gian sống của bọn con”.
Trẻ em Nhật Bản coi việc dọn vệ sinh là niềm vui chứ không phải gánh nặng.
Điều đó có nghĩa rằng không chỉ dừng lại ở việc quét nhà hay lau cửa, mà trẻ thật sự có ý thức về công việc của mình, từ đó trở nên tự giác và có trách nhiệm hơn. Đó sẽ là những đức tính cần thiết để trẻ bước vào đời, và trẻ đã được tích lũy những kĩ năng đó từng bước từng bước một ngay từ lúc nhỏ.
Bên cạnh đó, giáo viên thường tổ chức cho các học sinh lớp trên hướng dẫn và giúp đỡ cho các em nhỏ hơn. Họ tin rằng trẻ sẽ có thể học cách giao tiếp, cách làm việc trong một tập thể. Các anh chị lớn học cách dìu dắt các em nhỏ, còn các em nhỏ có một hình mẫu để noi theo. Ngoài ra, đây cũng là cách giáo viên muốn tăng cường mối quan hệ giữa các em học sinh, vì ở Nhật số học sinh là con một khá lớn.
Bài học đặc biệt đem lại nhiều giá trị cho nền giáo dục Nhật Bản.
Người Nhật có một câu thành ngữ đại ý là: “Con chim không làm bẩn tổ của nó khi nó sắp bay đi”, ý muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dọn dẹp vệ sinh. Và bài học đặc biệt này dường như thực sự có hiệu quả với trẻ em Nhật đến mức nó đã trở thành một “thương hiệu” mà các nước khác cũng muốn học theo.
Theo afamily