Học sinh làm dự án lấy điểm học kỳ thay vì bài kiểm tra

GD&TĐ - Thay vì làm bài kiểm tra trên giấy theo cách thức truyền thống, học sinh được tham gia các dự án vì cộng đồng để lấy điểm học kỳ.

Học sinh thuyết trình về quá trình thực hiện dự án, kết quả đạt được và những giá trị học được.
Học sinh thuyết trình về quá trình thực hiện dự án, kết quả đạt được và những giá trị học được.

Chương trình “Dự án cộng đồng” phiên bản Ted-talk tại The Dewey Schools (TDS) là cách học, cách kiểm tra đánh giá khá đặc biệt, khuyến khích học sinh dám thử, dám thất bại.

Trải nghiệm từ những dự án vì cộng đồng

Được biết đến như một hoạt động nổi bật của chương trình Tú tài Quốc tế (IB – International Baccalaureate), Dự án cộng đồng (Community Project) là “bài tập lớn” mà mỗi học sinh đều phải trải qua thay cho bài kiểm tra cuối kỳ khô khan, nặng lý thuyết.

Trong Dự án cộng đồng, học sinh chia nhóm và thực hiện các nhiệm vụ trong gần 2 tháng với các hoạt động: Tổ chức chương trình quyên góp sách; khởi tạo website cho tổ chức từ thiện; khởi tạo website giới thiệu nét đẹp văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tổ chức sự kiện mô phỏng các phiên họp Liên hợp quốc (Model United Nations), nơi học sinh đóng vai là nhà lãnh đạo các quốc gia để cùng bàn luận tìm cách giải quyết các vấn đề bất cập trên thế giới.

Các em cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ học sinh mắc bệnh tiểu đường tại trường học; cung cấp miễn phí bộ sản phẩm vệ sinh phụ nữ trong nhà vệ sinh của các trường phổ thông; phối hợp với nhà trường trong nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp…

Thông qua quá trình triển khai các dự án, học sinh có cơ hội ứng dụng những kỹ năng mềm đã học vào cuộc sống, trau dồi sự hiểu biết về các vấn đề toàn cầu cũng như xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội.

Chính thức khởi động từ tháng 10/2023, sau 7 tháng khởi tạo, vận hành và lan tỏa dự án, các học sinh có cơ hội thuyết trình, báo cáo về những nghiên cứu, thành quả đạt được. Buổi thuyết trình được mô phỏng theo chương trình TED talks song vẫn mang đậm dấu ấn và phong cách riêng của học sinh tại Dewey.

Thầy Tate Lamoreaux, người đồng hành cùng các học sinh ngay từ những ngày đầu xây dựng dự án cho biết: Khó khăn lớn nhất của các em là tìm ra đề tài mà mình thực sự đam mê, đối tượng trong cộng đồng mình muốn giúp đỡ. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng. Đa phần học sinh đều đồng tình rằng, việc triển khai dự án trong một thời gian dài có thể khiến các em có tâm lý trì hoãn hay gặp khó khăn trong việc sắp xếp và quản lý thời gian.

Thế nhưng bằng sự say mê, không ngừng tìm tòi, khám phá, học sinh đã bứt phá, mang đến những đề tài lôi cuốn, giàu giá trị nhân văn. Từ dự án quyên góp sách, nâng cao nhận thức về bệnh tiểu đường; đến tới dự án cung cấp các sản phẩm vệ sinh phụ nữ miễn phí tại trường học,..

Đặc biệt, dự án quyên góp sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa đã ghi nhận 600 lượt quyên góp chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhóm cháo lan tỏa yêu thương là một dự án vì cộng đồng học sinh The Dewey Schools thực hiện.

Nhóm cháo lan tỏa yêu thương là một dự án vì cộng đồng học sinh The Dewey Schools thực hiện.

Dấu ấn từ phương pháp học tập mới

Chuỗi dự án cộng đồng của học sinh chương trình Tú tài Quốc tế là sản phẩm được tạo ra từ phương pháp học tập phục vụ cộng đồng (Service-learning).

Phương pháp giáo dục tích hợp này tạo cơ hội cho học sinh thực hiện các hoạt động thực tế như tình nguyện, dự án xã hội, hoặc các dự án nghiên cứu có ích cho cộng đồng. Qua đó, học sinh được học tập, tiếp thu những kiến thức ngoài sách vở, trải nghiệm thực tế và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết.

Ông Nguyễn Bảo Trọng - Giám đốc Chương trình IB - The Dewey Schools cho biết: Thông qua chuỗi dự án này, The Dewey Schools đã và đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng những thế hệ tương lai trở thành những công dân toàn cầu có tác động tích cực tới cộng đồng.

Chương trình giảng dạy tại trường định hướng cho học sinh nhìn nhận, giải quyết những vấn đề xã hội nóng hổi trong nước và quốc tế, hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn nhân văn, thấu cảm.

“Nhà trường luôn động viên, khuyến khích học sinh “dám thử, dám thất bại”, giúp các em hiểu rằng sai lầm là một quá trình tự nhiên, điều quan trọng là phải biết đứng dậy từ vấp ngã”, ông Nguyễn Bảo Trọng chia sẻ.

Việc bắt tay vào xây dựng và triển khai các dự án cũng tạo điều kiện cho học sinh Dewey phát triển 5 kỹ năng thiết yếu: Tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, tự quản lý và sắp xếp thời gian, nghiên cứu và tổng hợp thông tin.

Đây chính là 5 kỹ năng nằm trong mô hình “Tiếp cận thực tế để học hỏi” (Approaches to learning) được thiết kế riêng cho học sinh thuộc chương trình Tú tài quốc tế nhằm tối ưu hoá quá trình học tập và khả năng tự học hỏi, khám phá của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.