Học sinh khuyết tật chờ sách giáo khoa mới đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi, nhiều trường học, trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị phải tự sản xuất tài liệu giảng dạy.

Nhiều trường học, cơ sở giáo dục phải tự làm sách chữ nổi, tài liệu học tập cho trẻ khiếm thị.
Nhiều trường học, cơ sở giáo dục phải tự làm sách chữ nổi, tài liệu học tập cho trẻ khiếm thị.

Thiếu nguồn cung

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường chuyên biệt, đặc biệt nhóm trường có học sinh khiếm thị gặp không ít khó khăn vì thiếu nguồn cung sách giáo khoa. Hai năm qua, ngay cả cơ sở tự làm được sách theo chương trình mới, sách giáo khoa chữ nổi vẫn không được cung ứng kịp thời cho học sinh sử dụng theo lộ trình từng năm.

Tại Hà Nội, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, nhà trường đã tổ chức in sách giáo khoa chữ nổi lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7 cho học sinh khiếm thị. 1.079 cuốn sách Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh đã được in. Thế nhưng hiện cấp tiểu học còn thiếu 256 cuốn; khối THCS thiếu 630 cuốn.

Ở TPHCM, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu cũng thừa nhận việc thiếu hụt sách giáo khoa chữ nổi, tài liệu giảng dạy đang là vấn đề chung tại một số cơ sở nuôi dạy học sinh khiếm thị. Chưa có đơn vị cung cấp, nhiều trường học, cơ sở giáo dục chuyên biệt phải tổ chức in ấn, làm sách đảm bảo quá trình giảng dạy được xuyên suốt.

Tuy nhiên, khác với những loại sách thông thường, nguyên liệu (giấy, mực…) và quá trình sản xuất sách cho học sinh khiếm thị (in dập nổi, in nhiệt) tốn rất nhiều thời gian, kinh phí. Việc này tạo nên gánh nặng không nhỏ cho các trường học, trung tâm, cơ sở giáo dục.

Các trường chuyên biệt lớn như Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội, TPHCM đã vậy, tình hình càng khó khăn hơn với trường ở tỉnh khác. Nhiều cơ sở chuyên biệt, hội người mù vẫn dạy theo sách giáo khoa cũ. Cô Nguyễn Nga, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau cho biết:

Đối với lớp khiếm thị, hiện Trung tâm nhận được sách giáo khoa chữ nổi theo Chương trình mới lớp 1; còn thiếu sách lớp 2 và lớp 3. Tuy nhiên, Trung tâm đang tổ chức giảng dạy cho học sinh hòa nhập (khiếm thị) các lớp 4, 5; không có lớp 1, 2, 3. Thời gian tới nếu có học sinh hòa nhập các lớp 1, 2, 3 mà chưa có sách chữ nổi, đơn vị sẽ tổ chức giảng dạy theo sách cũ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Rào cản… trong dạy, học

Tình trạng thiếu sách giáo khoa, trang thiết bị học tập không chỉ gây sức ép đối với cơ sở giáo dục mà còn trở thành rào cản, ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập, phát triển của trẻ khiếm thị.

Bùi Quang Khánh, cựu học sinh lớp 9, Trường THCS Hồng Bàng (Hải Phòng) tâm sự, do chưa có đơn vị in ấn, cung cấp SGK các cấp theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT nên bản thân và các bạn cùng hoàn cảnh vẫn thường phải học chay, không thể thực hành.

Tương tự, theo phụ huynh em Trần Nhật Long (trú tại thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), con trai mất thị lực từ lúc 10 tuổi (2011), thêm phần bản tính nhút nhát, sợ ánh mắt tò mò của mọi người nên từ trước đến nay Long không đến cơ sở giáo dục đặc biệt mà chủ yếu học ở nhà. Thời gian qua, gia đình vẫn mua sách chữ nổi dạy cho Long. Tuy nhiên, sách giáo khoa lớp 6, lớp 7 theo chương trình mới chưa được in và chuyển đổi thành định dạng dễ tiếp cận nên việc học của em thường xuyên bị gián đoạn.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh khiếm thị đang theo học chương trình mới, tại TPHCM, nhiều trường học, trung tâm giáo dục chuyên biệt phải tự làm sách, in tài liệu.

Là cơ sở nuôi dạy trẻ em khiếm thị được bảo trợ bởi Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, hầu hết sách giáo khoa của Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng (quận Thủ Đức, TPHCM) đều do đơn vị tự sản xuất, cung cấp độc lập và huy động nguồn lực từ nhà hảo tâm. Đại diện Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng cho hay, sách chữ nổi cho học sinh được biên soạn, sản xuất bởi các nữ tu sĩ, ma sơ. Để có đủ kiến thức và kỹ năng phổ cập giáo dục, các nữ tu đã tham gia nhiều khóa học chuyên môn về giáo dục trẻ khiếm thị trong và ngoài nước. Đơn vị đang nỗ lực đảm bảo lượng tài liệu, sách chữ nổi phục vụ cho quá trình dạy và học.

Là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt có tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc, hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho học sinh khiếm thị, nguồn sách giáo khoa chữ nổi, tài liệu giảng dạy hiện nay của Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TPHCM cũng được thực hiện bởi các thầy cô trong trường. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, giáo viên dành cả mùa Hè để làm sách. Vào năm học, mỗi thứ Sáu hàng tuần, giáo viên phải tập trung tại phòng thiết bị thư viện làm sách nổi. Nguyên liệu làm sách, tài liệu chủ yếu do ban giám hiệu vận động từ các nhà hảo tâm.

“Hiện lượng SGK giảng dạy vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu nhu cầu sử dụng tài liệu tăng cao cũng như thiếu nguồn lực hỗ trợ, trường có thể gặp khó khăn trong dạy, học”, cô Huệ nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) kiến nghị cần cấp miễn phí sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.