TPHCM: Nhiều hướng đi cho học sinh rớt lớp 10 công lập

GD&TĐ - Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay TPHCM có 83.324 học sinh đăng ký dự tuyển, trong khi đó, chỉ tiêu của 114 trường THPT công lập là 67.989 học sinh.

Học sinh theo học chương trình 9 + Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM (ICH).
Học sinh theo học chương trình 9 + Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM (ICH).

Khoảng hơn 15.000 thí sinh không thể vào trường công lập học vẫn còn nhiều con đường khác để theo đuổi sự học.

Dự báo điểm chuẩn cao?

TPHCM chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, tích hợp (khoảng 6.485 chỉ tiêu lớp chuyên, 985 lớp tích hợp). Dự kiến đến 20/8, sở GD&ĐT công bố tiếp điểm chuẩn lớp 10 thường cho hơn 60.000 chỉ tiêu còn lại.

Năm nay, dịch Covid-19 kéo dài, TP không thể tổ chức thi tuyển lớp 10 nên đã tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển. Điểm chuẩn của các trường có lớp chuyên và lớp tích hợp cho thấy ngưỡng điểm trúng tuyển khá cao. Mức điểm chuẩn trúng tuyển hệ lớp 10 chuyên cao nhất là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 từ 46,6 – 49,1 tùy lớp. Điểm chuẩn lớp 10 tích hợp từ 29,6 – 36, tùy trường.

Riêng điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 thường, nhiều thầy cô giáo dự báo năm nay sẽ tăng vì xét theo tổng điểm học bạ. “Dự báo điểm chuẩn tăng ở những trường tốp đầu, còn với các trường trung bình mức điểm sẽ không cao, khoảng 20 - 22 điểm. Năm nay sẽ ghi nhận điểm số nhiều học sinh tương đồng và bám sát nhau. Do đó, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ rất khó khăn hơn khi đánh rớt học sinh”, một hiệu phó trường THPT tại Quận 12 cho biết.

Thực tế, dù điểm chuẩn có tăng thậm chí giảm ở một số trường khu vực ngoại thành thì số chỉ tiêu vào lớp 10 công lập cũng không thay đổi. Vẫn sẽ có hơn 15.000 thí sinh trượt cả 3 nguyện vọng. Do đó, theo nhiều giáo viên THPT, việc hướng nghiệp, định hướng tương lai cho số học sinh này mới là quan trọng. 

Học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2019 – 2020.
Học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2019 – 2020.

Vẫn còn nhiều hướng để vào đời

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2020 - 2021 toàn TP có hơn 99.000 thí sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, số học sinh lớp 9 đăng ký dự tuyển vào lớp 10 là 83.324 học sinh.

Như vậy, ngay từ khi kỳ xét tuyển lớp 10 công lập chưa diễn ra đã có hơn 15.000 thí sinh tốt nghiệp THCS chọn hướng rẽ khác cho bản thân. Số học sinh này chủ yếu là theo con đường du học, học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), hệ GDTX hoặc tại các trường THPT tư thục.

Với hơn 15.000 thí sinh sẽ không thể trúng tuyển vào lớp 10 công lập, tổng số học sinh không vào lớp 10 công lập lên tới hơn 30.000 học sinh. Đây rõ ràng là điều quan tâm lớn của nhiều đơn vị giáo dục tư thục, TCCN và CĐ trong công tác huớng nghiệp, phân luồng sau THCS.

Thực tế, việc rớt lớp 10 trường công lập theo thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học – THCS - THPT Nam Việt, Quận 12, TPHCM, không phải là “nốt trầm” trong còn đường học tập của học sinh. Bởi theo thầy Hùng vẫn còn nhiều cơ hội học tập tiếp dành cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.

“Các em có thể chọn học tiếp tại các trường THPT tư thục, trung tâm GDTX hoặc rẽ hướng đi học nghề. Dù chọn lựa bất cứ hình thức học tập nào phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, các em cũng đều có cơ hội trưởng thành, lập thân, lập nghiệp. Hiện học phí của hệ thống các trường ngoài công lập rất đa dạng, học sinh có thể yên tâm chọn lựa cho mình một ngôi trường để tiếp tục việc học” - thầy Hùng cho biết.

Thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho thấy, cơ hội tiếp tục học tập của học sinh khi rớt lớp 10 công lập không thiếu. Hiện toàn TP có tới 122 trường tư thục, trung tâm GDTX, phân hiệu các trường giáo dục thường xuyên và  trường trung cấp, cao đẳng khác có tuyển học sinh lớp 10. Chỉ tiêu cho hệ này lên đến 45.000 học sinh, dư sức đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM (ICH) cũng cho rằng, việc rớt lớp 10 công lập không có gì quá ghê gớm. Học sinh vẫn có thể đặt mục tiêu, theo đuổi ước mơ học tập, thậm chí vừa học văn hóa vừa học nghề một cách dễ dàng.

ICH đang tuyển sinh chương trình 9+ Cao đẳng. Đây là mô hình đào tạo song song văn hoá và chuyên môn để 3,5 năm - 4 năm (học sinh 18,5 - 19 tuổi) sẽ có 2 bằng gồm cao đẳng chính quy và THPT quốc gia. “Đây là mô hình nhiều quốc gia phát triển đã triển khai rất mạnh. Mô hình này được áp dụng rộng rãi và rất thành công trong việc tận dụng thời gian. Học phí cũng vừa phải nên là một lựa chọn không thể tốt hơn cho học sinh rớt lớp 10 công lập, hoặc muốn lập thân sớm” - ThS Lý nói.

ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt cũng cho rằng, không có gì phải băn khoăn và lo ngại khi rẽ hướng sau bậc THCS. Theo ThS Đức, thực tế 3 năm trở lại đây, xu hướng học sinh sau THCS quyết định rẽ hướng học nghề, lập thân sớm ngày càng tăng. Con số hơn 15.000 học sinh THCS không dự xét tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2020 - 2021 của TP đã cho thấy rõ xu hướng đó.

“Việc học văn hóa trong kỷ nguyên số hiện nay không còn quá gò bó và là sức ép với nhiều học sinh rớt lớp 10 công lập. Học sinh sau THCS có thể tiếp tục vừa học văn hóa vừa theo học nghề một cách dễ dàng ở nhiều cơ sở TCCN và cao đẳng. Các em có thể ra trường và đi làm ngay khi mình vừa đủ 18 tuổi với tấm bằng thợ lành nghề, vẫn có thể học lên cao bằng các chương trình liên thông CĐ-ĐH, nếu có quyết tâm và khát vọng. Vì vậy, tôi khuyên học sinh cần bình tĩnh để chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất” - ThS Đức nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ