Sách giáo khoa bộ Cánh Diều có nội dung gần gũi, học sinh dễ học, dễ hiểu, thầy dễ dạy

GD&TĐ - Đó là một trong những nguyên nhân để năm nay nhiều cơ sở giáo dục lại tiếp tục lựa chọn bộ sách này.

Cánh Diều là một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp một được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Thực hiện Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, nhiều sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã công bố kết quả lựa chọn.

Đây là bộ sách giáo khoa có 100% bản mẫu được các Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ phiếu đồng thuận (Đạt) tuyệt đối. Điều đó chứng tỏ đội ngũ tác giả và của ba đơn vị hợp tác thực hiện biên soạn, xuất bản bộ SGK này đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và chất lượng. Đây cũng là bộ sách giáo khoa duy nhất hiện nay đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.

Bộ sách được biên soạn trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương “thực học, thực nghiệp” và bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với quan điểm biên soạn thống nhất, xuyên suốt: “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”. Tư tưởng cốt lõi đó của bộ sách sẽ giúp cho học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhận định về bộ sách giáo khoa Cánh Diều, cô Hà Nguyệt (Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phú, Tân Sơn, Phú Thọ) chia sẻ: "Bộ sách Cánh Diều gần gũi với thầy trò, có những ưu việt về nội dung, trình bày và phương pháp sư phạm. Học sinh dễ học, dễ hiểu. Thầy dễ dạy”.

Đó là một trong những nguyên nhân để năm nay nhiều cơ sở giáo dục lại tiếp tục lựa chọn bộ sách.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách tiếng Việt của bộ sách Cánh diều cho biết, sách kế thừa nhiều của SGK tiếng Việt hiện hành, nên giáo viên cầm sách là có thể dạy ngay, thậm chí không cần tập huấn.

Còn GS-TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều cho hay, các bài học đều gắn với tình huống thực tế, chuyển từ dạy học sinh làm sang học sinh tự làm, để tìm ra được năng lực của bản thân.

GS Nguyễn Minh Thuyết.
GS Nguyễn Minh Thuyết.

"Nhưng tác giả phải quan tâm đến việc làm sao để học sinh có thể biết và tự làm? Từ đó giúp học sinh tự mình khám phá, tự mình kiến tạo nên tri thức. Đặc biệt phải biết vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn" - ông nhấn mạnh.

Ngoài các bộ sách đã được đưa vào giảng dạy, hiện nay, các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 Cánh Diều cũng đã hoàn thành công tác dạy thực nghiệm để chỉnh lý, hoàn thiện tốt nhất sách giáo khoa.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT chủ trương tăng cường nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cần tiến hành thẩm định thấy phù hợp mới gửi bản mẫu sách giáo khoa lên Hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ GD-ĐT cũng đồng hành trong việc đẩy mạnh dạy thực nghiệm tại các nhà trường. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy thực nghiệm diễn ra hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra, từ đó, phản ánh trung thực, khách quan chất lượng và tính phù hợp của sách giáo khoa mới.

Năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch thực nghiệm cụ thể, có tên bài, địa chỉ, thời gian, đối tượng các em học sinh ở từng khu vực, đồng thời bảo đảm về mẫu, điều kiện vùng miền, điều kiện về năng lực trình độ học sinh.

Các đoàn thực nghiệm sách giáo khoa Cánh Diều đã được thành lập và triển khai kế hoạch thực nghiệm tại các địa phương như Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Bình, Đồng Nai, Hưng Yên.

Việc tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa Cánh Diều đã được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Bộ về dạng bài, số lượng tiết học, đối tượng tham gia và vùng miền cần tổ chức thực nghiệm.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ