Ngày 15/4, Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài (thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc) và các đơn vị liên quan tổ chức buổi giao lưu, trải nghiệm văn hóa nhân dịp Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, buổi giao lưu được tổ chức với mục đích tạo sân chơi cho học sinh các trường THPT, sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc cùng các giáo viên, giảng viên được gặp gỡ giao lưu, trải nghiệm văn hóa, thể hiện niềm yêu thích của mình với ngôn ngữ Trung Quốc, nghệ thuật Trung Hoa.
Các đại biểu dự buổi giao lưu. |
Hàng trăm học sinh, sinh viên tại Hà Nội dự buổi giao lưu. |
Ông Trịnh Đại Vĩ - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, khẳng định: Giao lưu văn hóa, giáo dục là cầu nối thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước, tăng cường sự hiểu biết, nhận thức chung. Mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội và những triển vọng mới cho những người đang theo học tiếng Trung tại Việt Nam.
Bày tỏ niềm vui khi tham dự sự kiện, bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: Học sinh khối chuyên Trung của trường đều dành tình yêu đặc biệt đối với ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa. Trong quá trình học tập, các em luôn chủ động tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa, tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Trung.
Ông Trịnh Đại Vĩ chia sẻ thông tin tại buổi giao lưu. |
Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự buổi giao lưu. |
Chính vì vậy, cơ hội góp mặt trong chương trình giao lưu trải nghiệm tại Đại học Hà Nội nhân dịp “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” là dịp để các em được mở mang thêm kiến thức về ngôn ngữ Trung Quốc, thêm gắn bó và yêu thích nền văn hóa độc đáo với bề dày truyền thống của Trung Quốc.
Bà Trần Thùy Dương cũng cho biết, từ nhiều năm qua, nhà trường luôn coi trọng việc học hỏi, áp dụng tinh thần giáo dục của Khổng Tử để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bởi những quan niệm và phương pháp giáo dục của Khổng Tử rất phù hợp với đặc điểm và truyền thống của người Việt Nam.
"Người thầy là tấm gương để học trò noi theo, thầy gợi mở trò chủ động, học đi đôi với hành, khuyến khích năng lực tự học... là những triết lý cơ bản của Khổng Tử. Đây cũng là những triết lý học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học tập, luôn chuẩn mực mà năng động, vững vàng kiến thức mà vẫn có sự sáng tạo riêng trong quá trình học tập" - bà Trần Thùy Dương chia sẻ.
Học sinh trải nghiệm trang phục cổ trang. |
Học sinh trải nghiệm văn hóa Trung Quốc. |
Nguyễn Hà Anh - học sinh lớp 11 chuyên Tiếng Trung biểu diễn đàn tranh. |
Tham gia hoạt động tại buổi giao lưu, các em học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã hòa mình vào không khí trẻ trung, năng động, sáng tạo với nhiều hoạt động hấp dẫn để tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc như vẽ tranh thủy mặc nghệ thuật, cắt giấy Trung Hoa trang trí, tết dây đỏ may mắn, áo dài Việt Nam và Hán phục cổ trang.
Tham dự sự kiện và biểu diễn đàn tranh trước đông đảo khán giả, em Nguyễn Hà Anh - học sinh lớp 11 chuyên Tiếng Trung, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: Em luôn dành tình yêu đặc biệt cho tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc. Em rất vui khi được tham dự buổi giao lưu hôm nay. Đây là kỉ niệm đẹp và giúp em có thêm động lực trong quá trình học tập.
Còn Nguyễn Minh Trang - học sinh lớp 10 chuyên Tiếng Trung chia sẻ: Với sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc, chúng em sẽ trở thành những đại sứ lan tỏa niềm đam mê, nhu cầu tìm tòi, khám phá văn hóa Trung Quốc tới nhiều bạn trẻ khác tại Việt Nam. Em muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình trong việc thắt chặt tinh thần hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc.
Theo bà Trần Thùy Dương, trong suốt chiều dài lịch sử của nền giáo dục ở Việt Nam, Khổng Tử được tôn vinh như một nhà giáo dục tiên phong, một tấm gương mẫu mực cho đạo học để thầy và trò nhiều thế hệ noi theo. Những tư tưởng và phương pháp giáo dục của Khổng Tử rất khoa học, tiến bộ, nhân văn, gắn liền với với quan niệm lấy đạo đức làm gốc rễ của quá trình tu dưỡng ở mỗi con người. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm giáo dục ở Việt Nam.