Học sinh DTTS tranh tài lập trình và điều khiển Robot Kcbot

GD&TĐ - Để tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh DTTS, xoá mù lập trình Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã thành lập CLB, tổ chức cuộc thi cho HS tham gia

Quang cảnh các đội tham gia tranh tài.
Quang cảnh các đội tham gia tranh tài.

Mang lập trình và điều khiển Robot Kcbot đến gần với học sinh

Học sinh ở huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) chủ yếu là người dân tộc thiểu số vì vậy để các em có thêm cơ hội phát huy tính sáng tạo, ứng dụng những kiến thức vào thực tiễn, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã phối hợp với các trường học tổ chức tập huấn, mời các chuyên gia về giảng dạy phương pháp lập trình, điều khiển robot.

Song hành với đó, các trường thành lập câu lạc bộ lập trình – robot. Theo chia sẻ của thầy giáo Hứa Văn Duy, giáo viên phụ trách câu lạc bộ Robot Trường THCS thị trấn Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn): “Học sinh vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, lập trình hay nghiên cứu chế tạo robot sẽ hơn ở thành phố. Do đó để các em được tiếp cận cũng như kích thích tính sáng tạo, đam mê nghiên cứu robot, lập trình nhà trường, thầy cô phải là nơi khơi nguồn, tạo sân chơi, hình thành các câu lạc bộ cho học sinh có môi trường cùng nhau nghiên cứu”.

Thầy Duy cho biết thêm: “Mặc dù câu lạc bộ câu lạc bộ Robot Trường THCS thị trấn Văn Quan thành lập chưa lâu nhưng đã thu hút rất nhiều học sinh tham gia. Tại đây, các em được chia sẻ những ý tưởng, học thêm các kiến thức lập trình, điều khiển robot.

Mới đây, khi Phòng GD&ĐT tổ chức cuộc thi lập trình và điều khiển Robot Kcbot cấp huyện thầy và trò chúng tôi đã rất hào hứng để tham gia. Tại cuộc thi, không chỉ học trò được tranh tài với nhau mà bản thân những giáo viên – chủ nhiệm câu lạc bộ được học hỏi và chia sẻ kỹ thuật lập trình, đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ Robot của các trường, đồng thời góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục”.

Với đam mê lập trình, em Hoàng Thị Phương Anh, học sinh lớp 8 trường TH&THCS Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Lên THCS khi được tham gia các hoạt động liên quan đến nghiên cứu robot cũng như lập trình em rất hứng thú. Em có thể ngồi cả giờ đồng hồ để nghiên cứu mà không chán. Khi biết tin, Phòng GD&ĐT cuộc thi lập trình và điều khiển Robot Kcbot nhà trường đã động viên, khuyến khích em tham gia, đồng thời hỗ trợ tối đa để em nghiên cứu.

Mặc dù tại cuộc thi, mỗi mình em là học sinh nữ tham gia thi đấu cùng với các bạn là nam, bản thân em ban đầu rất run, hơi mất bình tĩnh nhưng em đã cố gắng để thực hiện phần thi của mình và vượt qua các phần thi để tham gia thi đấu trận chung kết và em đã đạt giải Nhì”.

“Qua cuộc thi lần này bản thân em được học hỏi rất nhiều từ các đội thi, điều khiển Robot đòi hỏi lập trình phải chính xác các câu lệnh, điều khiển Robot phải thật khéo để Robot thực hiện theo ý tưởng của mình. Em tiếp tục cố gắng học tập và tìm hiểu thêm lập trình Robot với mong muốn được tham gia các cuộc thi tiếp theo”, Phương Anh chia sẻ.

Em Hoàng Thị Phương Anh, học sinh lớp 8 trường TH&THCS Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nữ sinh duy nhất tham gia cuộc thi.

Em Hoàng Thị Phương Anh, học sinh lớp 8 trường TH&THCS Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nữ sinh duy nhất tham gia cuộc thi.

Sự sáng tạo của học sinh là không có giới hạn

Theo ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan: “Không chỉ chú trọng vào công tác học tập mà các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như lập trình, điều khiển robot cũng được chúng tôi chú trọng.

Bởi chúng tôi muốn các em được ứng dụng những kiến thức mình học được vào thực tế đặc biệt để học sinh miền núi có cơ hội tiếp xúc với lập trình, điều khiển robot để từ đó có những định hướng nghề nghiệp cho tương lai”.

Không chỉ hình thành câu lạc bộ lập trình trong trường học mà Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn tổ chức cuộc thi lập trình và điều khiển Robot Kcbot với mục đích xóa mù về lập trình cho các em học sinh dân tộc thiểu số của huyện.

“Cuộc thi này vừa là sân chơi vừa hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào học tập, khám phá sáng tạo khoa học kỹ thuật, kỹ năng lập trình đối với các thày cô giáo và các em học sinh.

Qua đó, các em tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học cũng như vận dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, góp phần hình thành nuôi dưỡng ước mơ làm chủ khoa học công nghệ của các em học sinh dân tộc thiểu số trong tương lai. Đặc biệt, những sáng tạo của học sinh là không có giới hạn”, ông Ngô Văn Hiền nói thêm.

Màn tranh tài của hai đội Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Vừa qua, Phòng GD&Đ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc thi lập trình và điều khiển Robot Kcbot cấp huyện cho học sinh dân tộc thiểu số. Cuộc thi với chủ đề “chinh phục đèo Lùng Pa” đã thu hút 25 đội của 22 trường có cấp THCS trên địa bàn huyện tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.