Học sinh đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT

GD&TĐ - Ngày 21/3, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Sở và học sinh THPT trên địa bàn TPHCM với chủ đề “Tiếng nói của học sinh TPHCM”. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi với học sinh lúc giải lao tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi với học sinh lúc giải lao tại buổi đối thoại

Kênh thông tin 2 chiều

Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó Giám đốc Sở - cho biết: Đây là buổi đối thoại lần thứ 6 (lần đầu tổ chức từ năm 2009) nhằm tạo điều kiện cho đại diện cán bộ Đoàn và học sinh tiêu biểu các trường THPT, TT GDTX thành phố được gặp gỡ, trao đổi và nói lên những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của thanh niên học sinh thành phố đến các vị là lãnh đạo, phòng ban Sở GD&ĐT TPHCM. 

Buổi đối thoại có sự hiện diện của hơn 150 học sinh tiêu biểu đại diện cho các trường THPT, GDTX trên địa bàn xoay quanh 5 nội dung: 

Nhận xét về cách triển khai cuộc vận động “Làm theo lời Bác”, danh hiệu “Học sinh 3 tích cực” tại các đơn vị, làm thế nào để các hoạt động này được đựợc thực chất, tạo được mục tiêu, động lực và hình mẫu người học sinh thành phố mang tên Bác trong thời kỳ hội nhập và phát triển; 

Suy nghĩ của học sinh thành phố trước những vấn đề mang tính thời sự như an toàn giao thông, an ninh trật tự trường học, chương trình học, công tác kiểm tra – đánh giá, các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, thầy cô, cha mẹ…; 

Những thuận lợi, khó khăn và băn khoăn của học sinh hiện nay về học tập, sinh hoạt và rèn luyện, phát triển kỹ năng; 

Suy nghĩ của học sinh thành phố về vai trò của thế hệ trẻ trước sự thay đổi của đất nước, của thành phố, nhận thức của thanh niên thành phố về lý tưởng, học tập lao động và tính xung kích, sự tham gia đóng góp cho xã hội; 

Các nội dung liên quan đến công tác giáo dục, xã hội... 

Buổi đối thoại cũng diễn ra trong không khí vui tươi thoải mái và thẳng thắn. Nhiều học sinh cảm thấy vui vì đây là dịp mà các em được thổ lộ nguyện vọng của mình với lãnh đạo Sở.

Nhiều vấn đề nóng được đề cập

Học sinh Phan Tiểu Mi – THPT Bình Khánh phát biểu
Học sinh Phan Tiểu Mi – THPT Bình Khánh phát biểu 

Buổi đối thoại có rất nhiều nội dung được học sinh mạnh dạn trao đổi, “chất vấn” các vị lãnh đạo Sở và các em cũng được giải đáp thông tin rõ ràng. 

Nhiều ý kiến được học sinh đưa ra, nhưng chủ yếu vẫn là những ý kiến xoay quanh chương trình học, phân bố thời lượng còn nặng... 

Em Huỳnh Thị Mai Trâm (lớp 11, trường THCS – THPT Trí Đức) đặt vấn đề: Chương trình học còn nặng về lý thuyết gây áp lực không cần thiết cho học sinh, nên chăng đưa thực hành nhiều hơn nhằm tạo cho các em có cọ xát thực tế hơn. 

Em Phan Tiểu Mi (lớp 11 trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ) cũng bày tỏ: Dạy học môn văn còn nhiều hạn chế khiến rất nhiều học sinh ở Cần Giờ ngại học văn; 

Môn Giáo dục công dân thì cách thức dạy còn hạn chế, mơ hồ khó hiểu. Kiến thức còn nặng với học sinh giống như như môn triết học trong khi các vấn đề thiết thực, sát với đời sống học sinh không nhiều, các chương trình kỹ năng sống như vấn đề đạo đức, giáo dục giới tính nhiều trường chỉ dừng lại ở mức tổ chức tập huấn chứ nội dung không thực sự nhiều. 

Còn em Lý Tuệ Mẫn (TT GDTX quận 6) bày tỏ: Chương trình môn tiếng Anh vẫn còn nặng về ngữ pháp và lý thuyết mà chưa rèn nhiều kỹ năng nghe, nói, đọc viết, ảnh hưởng đến học sinh sau này khi học lên. 

Đồng thời em cũng kiến nghị Sở viêc đầu tư cơ sở vật chất cho các TT GDTX, bởi đơn cử như TT GDTX quận 6 nơi em học, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, mặt bằng chật chội, ảnh hưởng đến viêc học và sinh hoạt của học sinh...

Ngoài nội dung chương trình và cơ sở vật chất, nhiều ý kiến khác cũng được học sinh nêu lên như vấn đề chọn môn thi tốt nghiệp, việc học nghề có được cộng điểm, hay vấn đề an nình trật tự trước cổng trường, hoạt động đoàn làm sao cho thiết thực với học sinh…

Tất cả các ý kiến của học sinh đều được các vị lãnh đạo Sở giải đáp một cách tỉ mỉ, đáp ứng được nhu cầu băn khoăn của các em.

Buổi đối thoại với học sinh năm nay phong phú hơn những năm trước. Học sinh mạnh dạn đưa ra câu hỏi với nhiều nội dung. Không chỉ là những tâm tư nguyện vọng về việc học, mà các em còn biết nắm bắt nội dung thời sự xã hội.                                       Tất cả cảc ý kiến trực tiếp của học sinh tại buổi đối thoaị, cũng như những ý kiến gởi qua giấy sẽ được các trưởng phòng ban, lãnh đạo Sở nghiêm túc xem xét và đưa ra những định hướng giải quyết.                                                                                             Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ