Học sinh đi làm ăn xa trước khai giảng tại Điện Biên: Phụ huynh đứng ngồi không yên

GD&TĐ - Tranh thủ nghỉ hè về các tỉnh miền xuôi làm thuê, nhưng dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội, xe khách không hoạt động khiến nhiều học sinh ở Điện Biên “mắc kẹt”.

Sau khi được động viên, hỗ trợ, nhiều học sinh đã yên tâm ở lại vùng dịch.
Sau khi được động viên, hỗ trợ, nhiều học sinh đã yên tâm ở lại vùng dịch.

Học sinh lo, phụ huynh cũng như “ngồi trên đống lửa” khi ngày khai giảng đang rất gần.

Phụ huynh như “lửa đốt”

Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ thông tin “kêu cứu” của ba học sinh huyện Tủa Chùa đi làm thuê tại Chương Mỹ (Hà Nội), vì muốn kịp khai giảng đã quyết định đi bộ “vượt chốt” về quê.

Lò Đức Công là một trong 3 học sinh nói trên. Công cho biết: Ba bạn cùng quê, Công học lớp 9, 1 bạn lớp 11 và bạn còn lại học lớp 12. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, ba người rủ nhau xuống Hà Nội để tìm việc làm thuê. Ai ngờ làm chưa được 1 tháng thì dịch bùng phát, cả ba mất việc.

“Hà Nội đang giãn cách, nhưng sợ không kịp ngày khai giảng nên bọn cháu cố gắng tìm cách về. Đi bộ đến chốt, các chú kiểm tra thấy không đủ giấy tờ nên không cho bọn cháu qua. Lúc đầu sợ nên bọn cháu lên mạng kêu cứu, giờ thì các chú cho quay ngược về Chương Mỹ, ở tạm một trường học rồi. Nhưng chẳng biết bao giờ mới về được” – Công cho hay.

Tương tự, em Lò Văn Châu, học sinh lớp 11 tại huyện Mường Ảng cũng đang kẹt lại tại Tây Hồ, Hà Nội. Đây là lần đầu Châu xuống Hà Nội cùng chú để làm thuê. “Em dự định xuống 1 tháng kiếm tiền về sắm sách vở, đồ dùng năm học mới, đến cuối tháng 7 là về. Nhưng giờ bị cấm xe, giãn cách, lại mất việc nên em lo lắm. Về không được, ở lại chẳng xong”, Châu bộc bạch.

Là phụ huynh có con đang “mắc kẹt” ở Hà Nội, bà Lường Thị Chiên (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) như ngồi trên đống lửa nhiều ngày qua. Bất cứ mối quen biết nào làm cán bộ, bà đều liên lạc để nhờ tìm cách cho con về.

Theo thông tin từ giáo viên chủ nhiệm tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) THPT Mường Ảng, nhà trường hiện có 12 học sinh xác nhận chưa kịp trở về khai giảng. Đây đều là học sinh lớp 11, 12. Còn với học sinh vào lớp 10, vì chưa làm thủ tục nhập học nên không có thông tin.

Còn tại Trường THPT huyện Tuần Giáo, hiện có 29 học sinh đi làm ăn xa chưa trở về được do dịch bệnh. Chỉ riêng tại lớp 12C4 có 5 học sinh “mắc kẹt” tại các tỉnh. Trong đó 1 học sinh về quê Nam Định, 1 học sinh đi lao động tại Hà Nội, 3 học sinh làm thêm tại Thái Nguyên.

Phương án của các nhà trường hiện nay là những học sinh không về kịp sẽ được hướng dẫn học online.
Phương án của các nhà trường hiện nay là những học sinh không về kịp sẽ được hướng dẫn học online.

Nhà trường tìm cách “gỡ”

Tâm lý chung của nhiều học sinh khi bị kẹt tại vùng dịch là tìm mọi cách trốn về vì lo không kịp ngày tựu trường. Vì vậy, theo cô Trương Thị Hương, giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS Mường Ảng, giải pháp đầu tiên là hàng ngày nhắn tin hỏi thăm, nhắc nhở các em.

Còn theo cô Mai Thị Kim Huệ, giáo viên Trường THPT huyện Tuần Giáo, học sinh ở “vùng xanh” được khuyên đi làm xét nghiệm Covid-19 theo quy định của tỉnh, rồi tìm xe ghép hoặc thuê taxi về.

“Khó nhất là học sinh đang ở tại Đan Phượng, Hà Nội. Nhưng dù thế nào tôi vẫn động viên các em tuyệt đối không được vượt chốt, tự ý bỏ về. Nếu trường khai giảng mà Hà Nội chưa hết giãn cách, thời gian đầu sẽ tạo điều kiện để học trực tuyến và tính các phương án tiếp theo, nên các em cũng yên tâm ở lại” – cô Huệ nói.

Trường THPT Tuần Giáo tựu trường ngày 1/9. Theo thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường, khai giảng xong, nếu các em vẫn chưa về được sẽ chuyển qua hình thức học trực tuyến. Đối với vùng tâm dịch như Hà Nội, Bắc Giang, nhà trường liên hệ với trường THPT gần nhất, để các em theo học cho đến khi hết giãn cách (theo chỉ đạo Bộ GD&ĐT).        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.