Quảng Bình: Tiếp nhận học sinh “mắc kẹt” tại địa phương do dịch

GD&TĐ - Để năm học mới diễn ra an toàn theo khung kế hoạch thời gian và bảo đảm phòng chống dịch, ngành GD-ĐT Quảng Bình đang tích cực triển khai công tác dạy học cũng như tiếp nhận HS “mắc kẹt” tại địa phương do dịch.

Tất cả học sinh được kiểm tra thân nhiệt và thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trước khi vào trường.
Tất cả học sinh được kiểm tra thân nhiệt và thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trước khi vào trường.

Linh hoạt từ khâu chuẩn bị

Theo kế hoạch, từ ngày 23/8, các trường học trên địa bàn tổ chức đón học sinh đến trường để chuẩn bị cho năm học mới. Đa số trường học đã tổ chức tựu trường, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, HS, GV đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách.

Thầy Cao Trung Kiên - Hiệu trường Trường Tiểu học và THCS  Nam Trạch (Bố Trạch), cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có 426 học sinh (286 học sinh tiểu học; cấp THCS có 140 học sinh).

“Dựa theo khung kế hoạch thời gian do sở ban hành và hướng dẫn của Phòng GD&ĐT Bố Trạch, nhà trường đã tổ chức đón học sinh tựu trường chuẩn bị cho năm học mới. Chúng tôi cũng bố trí cán bộ, giáo viên tổ chức đo thân nhiệt cho các em ngay ở cổng trường, bắt buộc các em đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Bên cạnh đó không tổ chức tựu trường tập trung mà theo khối, lớp, bố trí các lớp theo từng khu vực đảm bảo giãn cách theo quy định về phòng chống dịch Covid-19”, thầy Kiên thông tin.

Hiện, Trường Tiểu học và THCS Nam Trạch không có học sinh mắc kẹt tại các vùng dịch, không có học sinh có biểu hiện ho, sốt… Nhà trường đã cho học sinh khối lớp 1 học luyện nét chữ, các khối lớp khác đang chuẩn bị học linh hoạt theo hình thức giãn cách.

Các trường học linh hoạt cho học sinh tựu trường theo khối lớp, khu vực bảo đảm giãn cách, phòng chống dịch Covid-19.
Các trường học linh hoạt cho học sinh tựu trường theo khối lớp, khu vực bảo đảm giãn cách, phòng chống dịch Covid-19.

Hỗ trợ học sinh nghèo

Năm học 2021 - 2022 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thế nhưng nhờ sự linh hoạt và chủ động, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đang làm tốt từ khâu chuẩn bị cho đến công tác hỗ trợ các học sinh mắc kẹt tại các vùng dịch cũng như đang ở địa phương chưa thể trở lại trường học ở các vùng dịch trong năm học mới.

Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Kiến Giang (Lệ Thủy), cho hay: Nhà trường có 415 học sinh chia thành 15 lớp, bình quân 27 em/lớp. Trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp đối với khối lớp 1, tổng cộng 78 học sinh chia thành 3 lớp.

Nhà trường cũng thực hiện vệ sinh khử khuẩn các lớp học, dụng cụ, thiết bị; khu vực cầu thang, nhà vệ sinh để đón các em trở lại trường. Cùng với đó mua sắm trang thiết bị y tế, máy đo thân nhiệt, dung dịch cồn rửa tay và chuẩn  bị phòng y tế để chăm sóc tạm thời nếu HS có thân nhiệt cao. Nhân viên y tế học đường có trách nhiệm báo cho cơ quan y tế nếu tình trạng thân nhiệt của học sinh không ổn định trở lại.

“Em Châu Phúc Hưng, học sinh lớp 3 của trường, ra thăm bà ngoại ở Ninh Bình đang bị mắc kẹt chưa thể về nhập học. Nhà trường thường xuyên liên lạc với bà của em để có phương án hỗ trợ học trực tuyến nếu không xin học được ở các trường tại Ninh Bình. Đồng thời giao cho giáo viên chủ nhiệm liên hệ để nắm bắt và hỗ trợ dạy trực tuyến cho em Hưng khi nhà trường tổ chức dạy học chính thức.

Chúng tôi cũng đã tiếp nhận 2 học sinh, một em lớp 3 tại TPHCM; 1 em lớp 5 tại Đà Nẵng vào học tạm thời tại trường do đang mắc kẹt không kịp trở lại địa phương để bắt đầu năm học mới”, cô Thủy cho biết.

Ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, nhận định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chủ động, linh hoạt trong công tác dạy học là cần thiết.

“Các nhà trường làm tốt công tác phòng chống dịch và đón học sinh tựu trường theo khung kế hoạch thời gian. Tôi mong tập thể cán bộ, giáo viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực và linh hoạt để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học trong năm học 2021 - 2022”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác dạy học, bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, phối kết hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để chủ động theo dõi sức khỏe cho học sinh, kịp thời có phương án xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.