Theo thầy Phương, thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử; Ngoại ngữ để cộng điểm khuyến khích là hợp lý nhất và đảm bảo được tính khách quan, công bằng cho tất cả các học sinh ở mọi vùng miền.
Đặc biệt, đối với học sinh miền núi, phương án này hoàn toàn phù hợp, giảm được áp lực thi cử cho học sinh mà vẫn có sự chọn lọc theo khối thi và các môn thi sở trường.
Bên cạnh đó, thầy Phương nhận định: "Phương án 1 giảm được chi phí cho Nhà nước và phụ huynh học sinh. Theo khảo sát sơ bộ, đa số học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu đều hào hứng lựa chọn phương án 1.
Bởi theo nhìn nhận của các em, phương án này đã lấy học sinh làm trung tâm và các em thấy mình được tôn trọng, được lắng nghe, được chia sẻ từ các nhà quản lý giáo dục…” – Thầy Phương cho hay.
Riêng về môn Ngoại ngữ, thầy Phương phân tích: Nếu lấy Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ không hợp lý, vì như thế sẽ không đảm bảo được tính khách quan và công bằng cho học sinh giữa các vùng miền.
Trên thực tế, ở các trường nông thôn, nhất là trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi, trình độ ngoại ngữ của học sinh vẫn còn hạn chế và chưa được phổ rộng. Do đó ở giai đoạn trước mắt, Bộ chỉ nên để ngoại ngữ là môn khuyến khích, cộng điểm.
Liên quan đến chỉ tiêu 20% học sinh sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT, thầy Phương cho rằng chỉ tiêu này là hợp lý. Với những học sinh nằm trong diện được miễn thi đây là nguồn động viên to lớn để các em tiếp tục cố gắng trong kỳ thi đại học, cao đẳng. Còn những em chưa được miễn thi tốt nghiệp thì sẽ là nỗ lực, phấn đấu để có kết quả thi tốt hơn.
Nói một cách khác, chỉ tiêu 20% sẽ là động lực để khích lệ tất cả các em học sinh cố gắng hết mình đạt thành tích cao trong học tập.