Ngày 31/3, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Công ty TNHH Giáo dục và Đào Tạo STEM Talent và Trường THPT Phan Châu Trinh đã phối hợp tổ chức Ngày hội STEM TALENT.
Ngày hội STEM TALENT năm 2024 với chủ đề "Bảo tồn sinh thái" có 22 đội tham gia bảng Robot Wedo và 44 đội tham gia bảng sơ cấp Robot Ev3, 27 đội tham gia bảng trung cấp Robot Ev3, 14 đội tham gia bảng Robot Vex.
Các thành viên trong đội thi thảo luận chiến thuật thi đấu. |
Đặc biệt ở Bảng Robot VEX, thí sinh có nhiệm vụ lập trình robot với các nhiệm vụ được giao như: Thu thập dữ liệu về đất, phân tích mẫu đất trong phòng thí nghiệm, cấy hạt giống...
Trong đó, việc thu thập đúng các mẫu đất là bước quan trọng nhất trong bất kỳ chương trình quản lý sửa đổi dinh dưỡng/đất. Robot thực hiện bằng cách mở khóa và lấy mẫu đất ra khỏi Hệ thống thông tin địa lý (Geotech).
Với việc phân tích mẫu đất, Robot phải thực hiện bằng cách di chuyển và mang theo mẫu đất thu thập được để đưa vào trạm thí nghiệm dinh dưỡng thực vật và khóa cửa trạm để tiến hành kiểm tra. Phải xác định được định lượng dinh dưỡng và mức độ bị ô nhiễm thành phần của đất, cũng như các đặc điểm khác như độ axit hoặc độ pH.
Sau đó, thí sinh phải thiết kế để Robot thực hiện cấy hạt giống bằng cách di chuyển đến các cây trồng và thực hiện lấy hạt giống và đặt vào các trung tâm hạt giống cây trồng để lưu trữ.
Nhiều trường phổ thông ở Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển các Câu lạc bộ STEM. Học sinh tham gia CLB STEM, sẽ có những lớp học như lập trình điều khiển robot (Talent Robot) và lập trình khoa học máy tính (Talent Code).
Ngoài những kiến thức tích hợp về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, học sinh sẽ có điều kiện để phát triển những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như giao tiếp, phản biện, thuyết trình, giải quyết vấn đề, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, từ đó góp phần hình thành thế hệ công dân kỹ thuật số toàn cầu có chất lượng cao trong tương lai.