Các trường phổ thông, trong điều kiện và khả năng của mình, đã chủ động triển khai dạy học tích hợp, liên môn theo hướng xây dựng các chủ đề dạy học nhằm hướng dẫn HS vận dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở việc lồng ghép các nội dung giáo dục vào môn học chính khóa.
Dạy học theo dự án
Bài học đầu tiên của chương thống kê (Chương trình Toán lớp 10), cô Nguyễn Thị Việt Thảo, giáo viên (GV) Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đã chia nhóm để giao cho HS điều tra theo các chủ đề về chiều cao, tỉ lệ cận thị, về số giờ tự học, số giờ lên mạng của HS lớp 10 của trường. Quá trình thực hiện dự án được tiến hành trong một thời gian khá dài. Trong suốt thời gian đó, HS vận dụng những kiến thức trong từng bài học để điều chỉnh, hoàn thiện dự án.
Cô Việt Thảo cho biết: “Đây là những điều tra nhỏ phù hợp với mức độ HS lớp 10. Dựa trên các số liệu thu thập được, các em sẽ phải tính toán các số đặc trung của mẫu số liệu mà các em có, từ đó đưa ra được những nhận định của bản thân về các số đặc trưng đó.
Chẳng hạn với bài điều tra về chiều cao của nam sinh khối lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh năm học 2017 - 2018, nhóm 1 đã tính được chiều cao trung bình của HS nam lớp 10 cùng trường là bao nhiêu, so sánh với chiều cao trung bình của Việt Nam cũng như của thế giới thì con số ấy nói lên điều gì, qua đó cho các em tìm hiểu một số cách thức giúp tăng trưởng chiều cao”.
Với bài dạy Ứng dụng hàm số mũ và logarit trong thực tế, HS khối 12 Trường THPT Phan Châu Trinh được chia làm các nhóm thực hiện các đề tài Độ chấn động trong Địa Vật lý, tính toán độ pH trong Hóa học, Độ to nhỏ của âm, Sức mạnh của lãi kép, sự tăng trưởng dân số, sự phân rã của chất phóng xạ…
Mỗi nhóm HS sẽ tạo ra một bài trình bày đa phương tiện nêu rõ cách thức tính toán và rút ra các bài học kinh nghiệm dựa trên các phân tích của nhóm mình gắn với mục tiêu bài học. Như với đề tài Độ to nhỏ của âm, nhóm HS đã quay clip để thu nhận những âm thanh của tiếng nhạc nhẹ, tiếng loa chát chúa, tiếng còi xe máy, tiếng rú ga…
Từ các dự án này, các nhóm HS rút ra được những phương pháp bảo vệ thính giác cũng như có những ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự ô nhiễm tiếng ồn trong cuộc sống thường ngày như không bấm còi xe khi đi ngang qua bệnh viện, trường học hay khu dân cư; biết cách tiết kiệm, quản lí tiền bạc một cách hiệu quả, tránh lãng phí, hiểu sơ lược về nguyên tố phóng xạ trong cả hai mặt: Lợi ích và tác hại, cũng như có kĩ năng đối phó khi gặp sự cố phóng xạ…
Theo cô Việt Thảo, để hoàn thành các dự án, đòi hỏi HS biết vận dụng kiến thức của các môn học khác như Địa lý (về động đất), Hóa học (tìm hiểu về nguyên tố phóng xạ và chu kỳ bán rã của nó), Vật lý (năng lượng giải tỏa của động đất, cường độ âm thanh), Sinh học, Tin học… và các kiến thức xã hội để hoàn thành.
Để không chỉ dừng lại ở giáo án dự thi
Gần như trường nào mỗi năm cũng có vài giáo án giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn để… dự thi. Trong khi đó, dạy học theo hướng tích hợp, liên môn được cho là một cách để giảm tải chương trình, tăng cường phát triển năng lực của HS, gắn nội dung dạy học với thực tế cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Việt Thảo nhận xét: So sánh kết quả giờ học của lớp thực nghiệm theo phương pháp dạy học tích hợp, liên môn và lớp đối chứng cho thấy, với bài dạy Ứng dụng hàm số mũ và logarit trong thực tế, hầu hết HS ở lớp thực nghiệm đều có kết quả học tập từ 8 trở lên trong khi ở lớp đối chứng đa phần HS chỉ được 5 - 6 điểm.
Việc sử dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết một vấn đề và tạo ra được sản phẩm giúp HS có hứng thú, động lực hơn trong học tập và giúp các em chủ động tham gia vào quá trình hình thành và tạo nên kiến thức hơn là thụ động tiếp thu bài học.
Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - cho biết, hầu như các tiết dạy học liên môn, tích hợp của nhà trường mới chỉ dừng lại ở dạy thử nghiệm. “Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, các tổ tự xây dựng chuyên đề, bàn bạc thảo luận xem những nội dung nào thì dạy theo hướng tích hợp, nội dung nào có thể khai thác theo liên môn… để đăng ký giảng dạy với Ban giám hiệu.
Với những nội dung giảng dạy theo hướng liên môn, các tổ trưởng có thể thảo luận để xây dựng những kiến thức bộ môn chuẩn”. Cũng theo thầy Hưng thì hầu hết các tiết dạy tích hợp, liên môn đều tổ chức dưới dạng dự án nên đòi hỏi HS phải thực sự có sự đầu tư về mặt thời gian, giáo viên cũng phải sát sao trong suốt thời gian HS tiến hành dự án để có những hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời. “Và hầu như đều phải tổ chức một buổi học ngoại khóa, thường là để HS báo cáo, đánh giá kết quả dự án nên GV phải thực sự tâm huyết, vững vàng về kiến thức liên ngành mới triển khai dạy học theo hướng tích hợp, liên môn được”.
Hiện nay, nhiều trường THCS, THPT ở Đà Nẵng đã trang bị được bảng thông minh tại các lớp học nên GV cũng được hỗ trợ rất nhiều về phương tiện dạy học khi triển khai dạy học tích hợp, liên môn. Tuy nhiên, theo như thầy Nguyễn Đức Tú Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) thì ngoài việc tạo điều kiện về CSVC, phương tiện dạy học cho GV, BGH phải thực sự có những hỗ trợ cho GV về chuyên môn để có những lựa chọn kiến thức phù hợp, tránh việc ôm đồm, lan man hoặc khiên cưỡng khiến giờ học trở nên nặng nề.
“Điều này là hết sức cần thiết vì GV thường sinh hoạt trong cùng một tổ chuyên môn, ít có sự trao đổi chuyên môn theo hướng liên môn nên không phải GV nào cũng nắm vững về kiến thức liên ngành để có thể xây dựng bài giảng phù hợp” - thầy Tú Anh. Ở một góc nhìn khác, thầy Nguyễn Quang Hưng cho rằng, BGH phải có những động viên, khích lệ phù hợp để GV có được thói quen đổi mới cũng như hình thành được kế hoạch dạy học tích hợp, liên môn.