Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú:

Học sinh chấm điểm, phụ huynh giám sát thực đơn

GD&TĐ - Từ đầu năm học, các trường phổ thông tại TPHCM đã công khai thực đơn bán trú, mời phụ huynh tham quan bếp và cùng ăn cơm với con.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: Minh Anh
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: Minh Anh

Đặc biệt, nhiều cơ sở còn tổ chức khảo sát học sinh đánh giá chất lượng… Bằng những cách khác nhau, các trường giúp phụ huynh yên tâm hơn về bữa ăn bán trú.

Học sinh đánh giá chất lượng

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Minh Đức (Quận 1) sửa chữa, xây dựng lại một số hạng mục. Do đó, bếp ăn bán trú của trường tạm ngưng hoạt động, đơn vị thực hiện cung cấp suất ăn từ bếp ăn công nghiệp cho học sinh. Theo chia sẻ của cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng nhà trường, công tác tổ chức bữa ăn bán trú được ban giám hiệu đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm học, nhà trường công khai thực đơn, tổ chức để phụ huynh đến trường tham quan quy trình phục vụ suất ăn, cân chia, lưu mẫu, phân phối đến từng lớp, ăn cơm với con tại trường. Ban giám hiệu cùng cán bộ, giáo viên còn kiểm tra bếp ăn công nghiệp thường xuyên, định kỳ cùng phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đặc biệt, một lần/tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn trong thực đơn. Cô Thúy An cho biết: “Trường đưa ra 4 mức đánh giá gồm: Rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ. Sau đó cán bộ phụ trách phân tích các dữ liệu này và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh. Việc để học sinh đánh giá suất ăn được trường thực hiện nhiều năm nay, ngay cả khi các em ăn cơm từ bếp trường nấu”.

Cũng theo chia sẻ của cô Thúy An, so với suất ăn được nấu từ bếp của trường, suất ăn công nghiệp thời gian đầu chưa hợp khẩu vị nhưng sau khi phụ huynh, học sinh góp ý, công ty có sự điều chỉnh, thay đổi đến nay nhận được phản hồi tích cực. Nhà trường cho phép học sinh mang “cơm mẹ nấu” từ nhà tới lớp. Nếu phụ huynh có nhu cầu, chỉ cần viết đơn minh bạch trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện có khoảng 50 học sinh mang cơm từ nhà đến trường ăn trưa.

Tương tự, tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) có khoảng 1.600 học sinh đăng ký ăn bán trú. Tháng 10/2023 vừa qua, nhà trường tổ chức khảo sát các mức đánh giá gồm: Có chất lượng và không có chất lượng. Cùng đó, đưa các món ăn cho học sinh lựa chọn để nhà trường tổng hợp. Ngoài ra, mỗi bữa ăn, ban giám hiệu đều xuống bếp để nắm bắt tình hình, ghi nhận ý kiến học sinh (nếu có) để kịp thời điều chỉnh.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đa phần học sinh đánh giá tốt về bữa ăn bán trú. Bên cạnh đó tại mục ý kiến khác của khảo sát có một số học sinh đề xuất thêm thực đơn vào bữa ăn xế. Tuy nhiên với 35 nghìn đồng/học sinh thì không đủ kinh phí để đáp ứng. Vì vậy với bữa xế nhà trường chuẩn bị có thể là: Sữa chua, bánh ngọt, sữa hộp Milo. Ngoài ra một tuần học sinh cũng có một bữa xế là ăn mì xào, bánh bao…”.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tham quan bếp ăn của trường. Ảnh: Minh Anh

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tham quan bếp ăn của trường. Ảnh: Minh Anh

Phụ huynh tăng cường giám sát

Thầy Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4), cho biết, có 3 hình thức phổ biến để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh gồm: Nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú; hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn; hợp đồng với căng-tin trường học nấu suất ăn tại trường.

Việc trường tự tổ chức bếp ăn bán trú là mô hình lý tưởng vì ban giám hiệu và phụ huynh dễ dàng quản lý, giám sát. Nhưng thực tế không phải trường nào cũng thực hiện được vì phụ thuộc vào điều kiện từng trường. Ngược lại, việc đặt suất ăn công nghiệp sẽ khó quản lý hơn vì nhà trường không thể kiểm tra thường xuyên.

“Nhà trường liên kết với căng tin trường học để nấu suất ăn. Một thành viên trong ban giám hiệu sẽ ăn cùng các em để giám sát chất lượng. Phụ huynh cũng có thể đến trường bất cứ lúc nào, không cần thông báo trước để ăn cùng con. Phụ huynh đồng hành với nhà trường sẽ đảm bảo học sinh được ăn đồ ngon, chất lượng”, thầy Đảo cho hay.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3), việc tổ chức bữa ăn bán trú được thực hiện công khai, minh bạch. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt và lắng nghe ý kiến học sinh góp ý để kịp thời khắc phục hạn chế. Đặc biệt, thông qua đề xuất, đóng góp của học sinh, đơn vị liên tục thay đổi thực đơn nhằm làm phong phú bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhà trường thông tin cho phụ huynh có thể đến kiểm tra bữa ăn bán trú của con bất kỳ ngày nào trong tuần.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu có hơn 750 học sinh đăng ký ăn bán trú. Đáp ứng nguyện vọng của các em, thực đơn thứ 2, 4 gồm món mặn, xào, canh, tráng miệng; thứ 3 ăn món nước như hủ tiếu, phở, bánh canh. Thứ 5 và 6 ăn các món như: Mì ý, cơm chiên, hủ tiếu xào...

“Nhiều học sinh ăn cơm suốt nên có ý kiến bị ngán. Vì vậy việc thay đổi thực đơn liên tục khiến các em thích thú. Đặc biệt, từ những đánh giá, góp ý của học sinh, phụ huynh, bữa cơm bán trú từ bếp ăn công nghiệp ở trường thời gian qua có nhiều điều chỉnh phù hợp. Nhờ đó chất lượng bữa ăn ngày một nâng cao”, cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tường Minh cho hay.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) nhiều năm nay tổ chức bếp ăn tại trường. Đầu bếp được tập huấn cách chế biến đủ chất, lượng; nguồn thực phẩm cũng được chọn từ nhà cung cấp uy tín. Đặc biệt, chỉ cần đăng ký với bảo mẫu, bất cứ phụ huynh nào có thể đăng ký ăn trưa cùng con. Nhà trường khuyến khích phụ huynh ăn với con mỗi tháng ít nhất một lần để cùng giám sát chất lượng.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho biết: “Từ tháng 11/2023, phòng tăng cường biện pháp giám sát nâng cao chất lượng bữa ăn học đường. Theo đó, yêu cầu nhà trường tổ chức đoàn kiểm tra (có phụ huynh tham gia) các khâu, công khai thực đơn, thực hiện đúng vệ sinh an toàn thực phẩm,... Các trường phải gửi hình ảnh món ăn bán trú hằng ngày về phòng trước 12 giờ và đơn vị sẽ kiểm tra đột xuất việc thực hiện thực đơn có như báo cáo và hình ảnh gửi về hay không. Đây là một trong nhiều cách để lãnh đạo đơn vị coi việc thực hiện bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng, từ đó không lơ là, kiểm soát tốt chất lượng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.