Chủ tịch UBND xã Thanh Khê (huyện Thanh Chương, Nghệ An) Trần Quốc Hùng cho biết, nhiều học sinh của xã vừa bị ong đốt phải đi cấp cứu. Theo đó vào khoảng 13 giờ 30 ngày 5/11, một số em học sinh Trường THCS Thanh Khê đi học sớm, có ném đất, đá lên tổ ong trên cây ngô đồng, nằm trong khuôn viên trường.
Bị chọc phá, đàn ong vỡ tổ bay xuống tấn công nhiều em học sinh 2 Trường THCS và Tiểu học Thanh Khê do 2 trường học này nằm sát nhau. Phát hiện sự việc, các thầy cô giáo cùng người dân địa phương đưa các em bị ong đốt đến Trạm Y tế xã để cấp cứu, truyền dịch giải độc. Trong cùng ngày, 12 em được xuất viện.
“Có 9 em học sinh tiểu học, 7 em trung học được đưa vào trạm y tế xã để cấp cứu. Trong đó, có 4 em bị dị ứng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương để điều trị”, ông Hùng thông tin.
GS Bùi Công Hiển - Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, có nhiều loại ong. Nhưng loại gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật... Tất cả các loài ong đều rất “hiền lành” vào mùa không sinh sản. Nhưng vào mùa sinh sản, khoảng giai đoạn giữa hè, ong rừng hung dữ hơn để bảo vệ nơi chúng sinh sống. Dễ tấn công khi khu vực chúng sống bị xâm phạm.
Có một điều đặc biệt là ong không tự nhiên tấn công người. Tất cả những tai nạn đó đều do con người chủ động, dù vô tình hay cố ý tấn công vào tổ ong. Khi sự an toàn bị đe dọa thì chúng sẽ cấu kết lại tấn công kẻ thù. Các loại ong phổ biến hay gặp, dễ tấn công người nhất hiện nay là ong mật (Apis cerana hay Apis mellifera) hoặc ong vàng (Vespidae), ít khi gặp ong đất hay ong bắp cày (Bombus spp).
GS Bùi Công Hiển cho biết, nọc ong có chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamine, phospholipase A2, phospholipases B, chất làm vỡ dưỡng bào, hyaluronidase, histamine, dopamine... Trong đó, thành phần chủ yếu là melittin và phospholipase A2. Melittin là chất khiến người bị đốt có cảm giác đau. Nguy hiểm hơn, đây là yếu tố gây ra tan máu và rối loạn đông máu.
Apamin là một chất thành phần có khả năng làm làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ. Thậm chí, nó gây liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh và tử vong. Có loài ong tuy ít độc nhưng vẫn có thể gây ra sốc phản vệ cho người bị đốt dẫn đến tử vong, tùy thuộc cơ địa mỗi người.
Cũng theo GS Bùi Công Hiển, khi bị ong đốt nếu nhẹ có thể dùng các chất có tính chất kiềm (như vôi tôi, thuốc đánh răng...) bôi vào vết đốt để trung hòa. Nếu nặng phải đưa đến cơ sở y tế để được điều trị. Người bị ong đốt khi sơ cứu cần chú ý uống đủ nước. Gọi cấp cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý không tự dùng thuốc dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược.