Khởi động từ tháng 1/2025, VBIC mùa 2 - năm 2025 do Trường PTLC Olympia phối hợp với Trường Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức, thu hút hơn 250 đội thi với học sinh THPT đến từ 11 quốc gia trên thế giới như: Việt Nam, Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Qatar, Israel...
Trải qua 2 vòng chọn lọc hồ sơ và thuyết trình online căng thẳng với những bài toán kinh doanh thực tế hóc búa, 10 đội thi xuất sắc đã chính thức “ghi tên” vào chung kết.
Tại vòng đấu cuối cùng, các đội thi đối mặt với thử thách kinh doanh thực tế với đề bài là đề xuất các giải pháp toàn diện (bao gồm: Chiến lược thương hiệu, kênh tiếp thị, dịch vụ đi kèm); nhằm tăng cường mức độ nhận diện, tăng sức hấp dẫn của dòng sản phẩm Green Farm cho 1 hãng sữa, đặc biệt với nhóm khách hàng Gen Z (15-25 tuổi).
Với luận điểm “giới trẻ hiện nay quan tâm đến sức khỏe, yêu thích thực phẩm hữu cơ, nhưng họ không dễ tin, khó bị thuyết phục, chưa cảm nhận được sự kết nối thật sự từ một thương hiệu như Greenfarm”, đội Jesko Absolute (gồm 3 học sinh đến từ Hà Nội: Đinh Vũ Minh Tuấn - Vinschool The Harmony; Đỗ Nhật Minh - Vinschool The Harmony; Trần Kim Ngân - Foreign Language Specialized School) đưa ra chiến lược 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Tạo dựng kết nối cảm xúc với thông điệp "Embrace Your Mental Health", hướng tới việc khuyến khích giới trẻ chăm sóc bản thân, hiểu rằng sữa hữu cơ không chỉ tốt cho thể chất mà còn mang lại sự thư giãn, cân bằng cho tinh thần.
Giai đoạn 2: Triển khai nông trại ảo đầu tiên tại Việt Nam, cho phép người dùng theo dõi quá trình nuôi bò, vắt sữa và xử lý sữa theo thời gian thực - một bước đột phá trong minh bạch sản xuất. Cùng với đó là chiến dịch “Cow Voting” - khách hàng bình chọn “cô bò” họ yêu thích nhất. Mỗi 4 hộp sữa Greenfarm sẽ là một lượt bình chọn, tạo ra vòng lặp tiêu dùng và tương tác. Người thắng nhận quà, người không thắng vẫn được tiếp tục chơi.
Giai đoạn 3: Tăng cường cộng đồng thông qua các hoạt động chăm sóc cảm xúc, chia sẻ câu chuyện người dùng, và tổ chức các buổi “Green Talk” - không gian để các bạn trẻ trò chuyện về sức khỏe, lối sống, và niềm tin với thực phẩm sạch.
Theo 3 bạn trẻ, chiến lược này không chỉ giải quyết bài toán tăng doanh số mà còn tạo ra một hình ảnh Greenfarm khác biệt: vừa cao cấp, vừa thân thiện, đặc biệt là gắn bó cảm xúc với người trẻ - nền tảng vững chắc để xây dựng lòng trung thành lâu dài.
Chiến lược thông minh và trả lời thuyết phục nhiều câu hỏi của Ban giám khảo, đội Jesko Absolute đã xuất sắc giành giải Nhất.


Giải Nhì thuộc về đội Durian (gồm: Nguyễn Hoàng Hải An - The Olympia school, Đỗ Phan Trường An- The Dewey School, Phạm Nguyễn Hoàng Lan - The Dewey School) với 3 ý tưởng:
Triển khai những xe bán sữa như ở Hàn Quốc; gắn QR trên mỗi sản phẩm bao gồm thông tin của trang trại, tên của bò, ngày sản xuất giúp khách hàng hiểu rõ về nguồn gốc sản phẩm; máy bán sữa để khách hàng có thể mua sữa tươi trực tiếp từ máy bằng cách tự mang chai nước của mình…
Giải Ba thuộc về đội Case breakers (gồm: Nguyễn Lê Bảo Thy, Hồ Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Tú Trinh - đều học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk.
Giải pháp của Case breakers là thay đổi bao bì của hộp sữa bằng kiểu thiết kế truyền thống của trang phục 54 dân tộc Việt Nam; tạo mã QR lên hộp sữa, mỗi mã sẽ kể câu chuyện của dân tộc đó. Khi quét mã QR, khách hàng sẽ được mặc thử trang phục truyền thống của một dân tộc bằng AR. Giải pháp này kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc mua sữa để sưu tầm trang phục của đủ 54 dân tộc.
Bắt đầu từ năm 2024, VBIC trở thành sân chơi yêu thích của các học sinh 14 -18 tuổi đam mê kinh doanh, khởi nghiệp. Đây là nơi khơi dậy đam mê sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, mang đến cho học sinh cơ hội trau dồi kiến thức - kỹ năng kinh doanh từ chính những nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Quản lý cao cấp của nhiều doanh nghiệp uy tín. Các em đồng thời được rèn luyện tư duy phản biện và giải quyết vấn đề sáng tạo, hiệu quả; mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư và các bạn trẻ cùng đam mê.