Học phí và chất lượng

Học phí và chất lượng

So với năm học trước, mức học phí các trường đại học, nhất là khối công lập, áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 tăng khá cao, mức tăng trung bình khoảng 2 – 10 triệu đồng/năm tùy ngành, trường. Đặc biệt tăng mạnh là khối ngành Y Dược. Nếu như trước đây, Trường ĐH Y Dược TPHCM thu tầm 13 triệu đồng/năm cho các ngành thì từ năm học tới, con số này từ 30 - 70 triệu đồng/năm tùy theo ngành.

Sở dĩ học phí tăng mạnh là do các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Với cơ chế tự chủ tài chính, các trường phải tự cân đối mức học phí để đủ cho chi phí đào tạo. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết: Trường không còn được Nhà nước cấp ngân sách, nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Chia sẻ về mức tăng học phí gấp nhiều lần của ngành Răng Hàm Mặt, ông Khôi cho biết thêm: Trước nay trường luôn phải bù lỗ rất nhiều do chi phí đầu tư và trang thiết bị sử dụng một lần trong quá trình đào tạo của ngành này là rất lớn.

Thời gian qua, người dân đã quen với mức học phí khá thấp của các trường đại học công lập. Sở dĩ vậy là bởi Nhà nước chủ trương hỗ trợ cho giáo dục đại học nên học phí chưa được xác định là giá dịch vụ đào tạo mà chỉ là sự chia sẻ chi phí giữa người học với cơ sở đào tạo. Thực tế học phí công lập chỉ mới đáp ứng một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo nên chưa tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng của hệ đào tạo này. Nay, việc các trường không được ngân sách cấp, phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, buộc phải xác định mức thu học phí phù hợp vào định mức kinh tế kỹ thuật, theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo, mức học phí tăng cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên, đi kèm với việc xây dựng học phí mới này, các trường cũng phải thực hiện các chế độ quản lý tài chính, về kế toán kiểm toán, công khai, minh bạch thông tin theo luật định, và đó là cơ sở để xã hội có thể giám sát.

Chuyện tăng học phí, bỏ bao cấp cho giáo dục đại học là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất, các trường phải làm sao để việc tăng này vừa nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng bảo đảm khả năng tiếp cận đại học của người học. Song song với mở rộng chính sách tín dụng sinh viên của Nhà nước, các trường cần gia tăng xây dựng các quỹ hỗ trợ cũng như có chính sách chia sẻ với sinh viên nghèo, học giỏi. Thực tế vừa qua, một số trường thực hiện mô hình tự chủ tài chính có mức học phí tăng hơn cũng đã làm khá tốt. Đáng chú ý, có nhiều trường quỹ học bổng dành cho sinh viên lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ… Mới đây, khi đưa ra phương án học phí mới, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng cho biết sẽ trích 15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy vậy, để giải quyết bài toán tài chính đại học, về lâu dài, các trường phải tính toán để nguồn thu không chỉ hoàn toàn dựa vào học phí. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi còn quy định một nguồn thu quan trọng khác của đại học là từ nhận đặt hàng nghiên cứu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao thông qua cơ chế cạnh tranh, đặt hàng. Đẩy mạnh nguồn thu từ đầu tư vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, với sự hợp tác ba bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp là cần thiết. Khi nguồn thu không phụ thuộc học phí, trường đại học sẽ không quá lo chuyện thiếu chỉ tiêu hay tìm cách tăng học phí, khi đó, câu chuyện nâng chất lượng và uy tín đào tạo, phát triển và hội nhập mới bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ