Học phí nhiều đại học, cao đẳng sẽ tăng trong năm học mới

Mức trần học phí các trường ĐH-CĐ công lập chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước. Theo Luật, các trường tự chủ được quyền tự xác định học phí nhưng đa số không tăng.

(Ảnh: Thanh Tùng)
(Ảnh: Thanh Tùng)

Trường tự chủ sẽ được tự xác định học phí nhưng chưa tăng

Theo Nghị định 86, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học cao đẳng, trung cấp các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư năm học 2019-2020 sẽ không tăng. Thống kê hiện cả nước đã có 23 trường đại học tự chủ.

Trong khi đó, Điều 65, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 vừa qua, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.

Với các trường đại học công lập thực hiện quyền tự chủ và có khả năng tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ xác định học phí. Tuy nhiên điều kiện đi kèm là các trường phải có đủ các điều kiện như thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học, được công nhận đạt chất lượng cơ sở giáo dục, ban hành và tổ chức thưc hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính..

Do Luật giáo dục đại học mới có hiệu lực từ 1/7, hiện nhiều trường chưa kiện toàn và chưa có chính sách tài chính nên vẫn áp dụng mức thu theo Nghị định 86. Như vậy mức trần học phí đối  khối ngành chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1.850.000 đồng/sinh viên/ tháng; Khối ngành chuyên ngành đào tạo Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2.200.000 đồng/sinh viên/ tháng;  Y dược là 4.600.000 đồng/sinh viên/ tháng. Tương tự với các ngành trên ở bậc trung cấp lần lượt là 1.295.000 - 1.540.000- 3.220.000 đồng/sinh viên/tháng. Cao đẳng lần lượt là 1.480.000 -  1.760.000 -  3.680.000 đồng/sinh viên/tháng.

Năm nay, Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM thu học phí hệ đại trà: 16,5 triệu đồng/năm cho khối ngành KHXH, Kinh tế; 18,5 triệu đồng/năm cho khối ngành kỹ thuật, công nghệ; Học phí chương trình chất lượng cao tiếng việt: 27 triệu đồng/năm cho khối ngành KHXH, Kinh tế; 28 triệu đồng/năm cho khối ngành kỹ thuật, công nghệ; Học phí chất lượng cao tiếng Anh: 30 triệu đồng/năm;Học phí chương trình đào tạo quốc tế: từ 35 - 50 triệu đồng/năm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng thu theo Nghị định 86. Mức thu từ 18.000.000 đồng - 20.000.000 đồng/sinh viên/năm, theo từng ngành học. Tính ra tín chỉ thì hệ đại học là 540.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 700.000 đồng/tín chỉ thực hành. Cao đẳng chính quy là 355.000đồng/tín chỉ lý thuyết và 460.000đồng/tín chỉ thực hành.

Các ngành đại trà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thu khoảng 18.500.000 đồng/sinh viên/năm. Trong khi đó, các ngành chất lượng cao từ 32-40 triệu/sinh viên/năm tùy ngành.

Các trường tự chủ khác như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Luật TP. HCM... cũng thu theo Nghị định 86.

Riêng Khoa Y- ĐH Quốc gia TP.HCM, học phí ngành Y khoa chất lượng cao là 56 triệu đồng/năm, ngành Dược học chất lượng cao là 50 triệu đồng và Răng Hàm Mặt chất lượng cao là 80 triệu đồng.

Trường chưa tự chủ tăng khoảng 10% theo Nghị định 86

Mức tăng này đã được quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Trong năm học mới, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học, các khối ngành, chuyên ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản sẽ ở mức 890.000 đồng/sinh viên/ tháng, tăng 80.000 đồng/sinh viên/tháng, so với năm trước.

Khối ngành, chuyên ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 1.060.000 đồng/sinh viên/tháng, tăng 100.000 đồng/sinh viên/tháng, so với năm trước.

Khối ngành, chuyên ngàng Y dược là 1.300.000 đồng/sinh viên/tháng, tăng 120.000 đồng/sinh viên/tháng, so với năm trước.

Tượng tự, mức trần học phí đối các ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản hệ trung cấp tăng 50.000 đồng/ sinh viên/tháng (620.000 đồng/sinh viên/tháng)  Hệ cao đẳng tăng 60.000 đồng/ sinh viên/tháng (710.000 đồng/sinh viên/tháng) 

Nhóm ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch hệ trung cấp 740.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 70.000 đồng/sinh viên/tháng); Hệ CĐ là 850.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 80.000 đồng/sinh viên/tháng)

Nhóm Y dược hệ Trung cấp 910.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 80.000 đồng/ tháng); Hệ Cao đẳng 1.040.000 đồng/sinh viên/ tháng (tăng 100.000 đồng/sinh viên/tháng).

Theo điều 65, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 vừa qua, nhóm các trường công lập còn lại xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ. Do vậy nếu tính ra, học phí của nhóm trường này sẽ tăng khoảng 10%. Việc tăng này như đã quy định trong Nghị định 86.

Thu theo Nghị định 86, năm nay học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn 13 triệu/sinh viên/ năm. Trong đề án tuyển sinh trường này cho hay, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/ năm là hơn 23 triệu.

Trong khi đó Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại có hai mức học phí cho hai đối tượng sinh viên. Sinh viên có hộ khẩu TP HCM thu 11,8 triệu đồng/sinh viên/năm, còn nếu thu theo tín chỉ là 305.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên thuộc địa phương khác phải đóng 23,6 triệu đồng/sinh viên/năm, hay 605.000 đồng/tín chỉ. Hiện vẫn đang chờ phê duyệt tự chủ từ Ủy ban nhân dân TP.HCM, nếu được thông qua mức học phí của học sinh có hộ khẩu TP.HCM là 30 triệu/sinh viên/năm hay 770.000 đồng/tín chỉ. Học sinh hộ khẩu ngoài TP.HCM là 44 triệu/sinh viên/năm hay 1.228.000 đồng/tín chỉ.

Hiện tại, nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM chưa tự chủ sẽ như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên... và các trường đại học khác chưa tự chủ cũng sẽ thu theo mức đã quy định trong Nghị định 86.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ