Đôi khi, một vài lời khen ngợi, khích lệ cũng đã đủ làm trẻ vui mừng, hạnh phúc, còn hơn cả những món quà. Tuy nhiên, những lời khen phải đúng thời điểm, đúng cách dùng, nếu không vô tình sẽ gây tác dụng ngược. Tùy theo lứa tuổi, cá tính của trẻ, cha mẹ nên cân nhắc theo những nguyên tắc cơ bản sau.
Khen con cũng phải tùy theo độ tuổi |
1. Trẻ từ 0-3 tuổi
Trong giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ vốn đang nằm trong giai đoạn sơ sinh, mầm non. Do đó, khả năng ngôn ngữ cũng như tư duy của trẻ vẫn còn rất đơn giản.
Chính vì lý do này, ngoài các câu ngợi khen ngắn gọn, dễ hiểu, trẻ cần cảm nhận được sự động viên chân thành đó từ ngôn ngữ cơ thể, cũng như nét mặt, biểu cảm của ba mẹ. Lúc này, lời nói thực sự không quan trọng bằng tình cảm.
Chỉ cần nghe giọng nói nhẹ nhàng, vui vẻ từ ba mẹ, trẻ sẽ hiểu rằng hành động mình làm là đúng, từ đó cảm thấy tự tin hơn.
Ở giai đoạn dưới 2 tuổi, trẻ có xu hướng thích nghe những từ tượng thanh, tượng hình. Cách sử dụng từ ngữ kiểu này nhiều khi không mang nghĩa nhiều, nhưng lại tạo ra không khí vui vẻ, hài hước.
Đôi khi, với con trẻ, chỉ cần cả nhà cùng vui là đủ. Vì thế, khi trẻ làm gì, mẹ nên kết hợp những tính từ dạng từ láy để phụ họa thêm cho bé nhé. Đảm bảo bé sẽ rất thích thú.
Thêm một ví dụ điển hình cho mẹ: Khi trẻ ở độ tuổi ăn dặm, khi khem con “Con ăn giỏi quá”, mẹ nên kết hợp thêm các từ tượng thanh, tượng hình như “măm măm, ằm ằm” với giọng điệu tươi vui, phấn khích.
Đây chính là mẹo nho nhỏ để khuyến khích bé con chịu khó ăn nhiều hơn. Ngoài ra, khi trẻ đang chơi, mẹ đừng quên phụ họa thêm một số âm thanh sinh động “cộp cộp, xè xè, ầm ầm, hoan hô”. Nhờ sự động viên nhiệt tình này, trẻ sẽ thêm hứng khởi để tư duy, hành động tích cực hơn.
Bên cạnh cách động viên bằng lời nói, ba mẹ có thể biểu hiện bằng ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể như vỗ tay, giơ ngón tay cái ra dấu tuyệt vời. Không cần phải quá ồn ào, chỉ cần ngồi cạnh trẻ, mỉm cười mỗi khi trẻ quay qua tìm sự động viên. Cách khen ngợi không lời ấy còn tình cảm và hữu dụng hơn nhiều.
2. Trẻ từ 3 tuổi trở lên
Bước sang năm thứ 4, trẻ đã hiểu chuyện hơn rất nhiều. Ngoài nhận biết được cảm xúc của người đối diện, trẻ còn hiểu được rất rõ từng lời nói, câu chữ của ba mẹ. Do đó, lời khen lúc này cần rõ ràng và cụ thể hóa.
Thay vì khen rất chung chung “Được lắm, tốt lắm, con giỏi quá”, mẹ nên nói chi tiết hơn về hành động của con. Chẳng hạn sau khi bé vừa mới dọn dẹp đồ chơi xong, mẹ nên nói: “Biết dọn đồ chơi sau khi chơi là giỏi lắm nhé” hoặc “Con mẹ dọn đồ chơi ngoan quá”.
Trẻ 3 tuổi trở lên đã có thể phụ ba mẹ làm việc vặt trong nhà, như tự bỏ quần áo vào thau giặt, tự bỏ bát đĩa bẩn vào bồn rửa chén, tự dọn đồ chơi, dọn giường ngủ, khi ấy, sự động viên, khen ngợi lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên cẩn thận bởi trẻ rất dễ lấy sự khen ngợi, động viên để làm động lực nuôi dưỡng ý định hành động, làm việc tích cực. Điều này đồng nghĩa, trẻ chỉ làm với mục đích nhận lời khen.
Để ngăn ngừa tình huống này, mẹ Nhật bớt lại những từ ngữ mang tính tuyên dương, thay vào đó, lại là những câu nói mang tính cảm ơn chân thành. Thay vì “con giỏi quá”, mẹ có thể thay bằng: “Con mẹ ra dáng người lớn quá”, “Cảm ơn vì con đã giúp mẹ”.
Khi giúp đỡ cha mẹ, điều trẻ quan tâm hàng đầu chính là cảm nhận của cha mẹ về hành động ấy. Càng truyền tải cụ thể cảm xúc tích cực của mình đến trẻ bao nhiêu, trẻ càng tự tin và phát triển toàn diện bấy nhiêu.
Thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân về hành động ấy chính là một cách khen ngợi tuyệt vời.