Tìm hiểu thiên tai qua mô hình giải trí
Các thành phố tại Nhật Bản đã xây dựng các trung tâm giáo dục thảm họa kết hợp mô phỏng kiểu công viên giải trí với những bài học quý giá về sinh tồn. Đa số trong hơn 60 trung tâm như vậy có các bệ rung lắc, nơi người đứng trên đó có thể cảm nhận sự rung lắc mạnh như một trận động đất thực sự.
Trung tâm học kĩ năng tồn vong Ikebukuro, một trong 3 trung tâm nằm dưới sự quản lí của Sở Cứu hoả Tokyo, đón khoảng 70.000 khách mỗi năm. Hầu hết khách đến đây là học sinh nhưng cũng có nhiều công ty đưa nhân viên tới – trong đó có nhiều người nước ngoài không nhận thức rõ Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều động đất nhất Trái đất.
Khu vực mô phỏng hiện tượng động đất thu hút nhiều khách trải nghiệm nhất tại Ikebukuro. Khách ngồi quanh bàn ăn trong khi nhân viên điều chỉnh tăng dần cường độ địa chấn từ rung nhẹ cho tới lắc dữ dội. Khách có thể trải qua mức độ rung lắc mạnh tương đương như trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi Nhật Bản năm 2011 gây sóng thần cao 10 mét khiến hàng nghìn người chết. Khi rung lắc bắt đầu, khách chui xuống dưới gầm bàn. Những hình ảnh tàn phá kinh hoàng của trận động đất năm 2011 được phát trên màn hình rộng được mô phỏng giống như các ô cửa sổ. Chấn động tăng dần cho tới khi chiếc bàn nảy tung trên sàn nhà. “Thật kinh hoàng” – một khách trải nghiệm nhớ lại.
Tại Công viên phòng ngừa thảm họa Rinkai, cũng tại Tokyo, mang lại những trải nghiệm như lạc vào trong một bộ phim sử dụng kĩ xảo 3D. Những chiếc xe lộn nhiều vòng ngay trước mắt, các cục nóng điều hoà bị gió giật bay tung toé trên đường phố…
Còn Trung tâm kiến thức thiên tai Honjo là nơi duy nhất có phòng “tạo bão” ở Tokyo. Tại đây khách được “thưởng thức” lực gió giật khiến đi không nổi, cộng với hiệu ứng mưa lớn…
Phương thức hứa hẹn hiệu quả
Cách tiếp cận giáo dục kĩ năng đối phó với thảm họa của Nhật Bản được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao, đặc biệt là khi trẻ em được trực tiếp trải qua thảm họa và từ đó sáng tạo ra phương thức đối phó trong tương lai.
Một số nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ấn tượng với các trung tâm thảm họa của Nhật Bản tới mức xây 1 trung tâm như vậy tại thủ đô Ankara.
Tại Mỹ, Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp, Oregon, cũng đã xây một phòng rung lắc – nơi khách trải nghiệm giống như trải qua một trận động đất. Phòng địa chất tại Viện Khoa học California cũng có chức năng tương tự - phòng này nằm tại khu trưng bày lớn về động đất.
Trung tâm Khoa học Thái Bình Dương, Seattle, không có khu trải nghiệm động đất nhưng có nửa khối cầu lớn trình chiếu những trận động đất gần đây và dạy về lực địa chấn. Trung tâm có một chiếc bàn chuyên dụng cho phép trẻ em sáng tạo lắp ráp cấu trúc sao cho giảm rung lắc nhất.
Tòa thị chính thành phố Seattle mong muốn xây dựng một trung tâm trải nghiệm thiên tai như mô hình Nhật Bản nhưng chưa tìm được nguồn kinh phí.