Họ khát khao được biết chữ để có thể đi khám bệnh, làm giấy tờ, đi mua đồ hoặc chí ít là không đi nhầm nhà vệ sinh...
Không bao giờ muộn
Lớp xóa mù chữ tại cửa biển Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) triển khai từ năm 2022, lịch học 3 buổi/tuần, thời gian học thường từ 17 – 18 giờ. Người đứng lớp là cô Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ giảng dạy của bà Trương Kim Lến - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Sào Lưới.
“Lúc đầu vận động chỉ có 5 người theo học, đến nay, lớp được 9 người (8 nữ, 1 nam). Phần lớn học sinh trong lớp đều cao tuổi, người lớn nhất năm nay đã 76 tuổi, nhiều người đi học còn dẫn cả cháu, chắt theo. Mình chọn dạy học vào khung giờ trên bởi giờ hành chính bản thân còn phải làm việc, ban ngày người dân cũng phải đi làm việc để mưu sinh”, cô An chia sẻ.
Trong lớp xóa mù chữ Sào Lưới, chị Hồ Kim Sa là người nhỏ tuổi nhất (35 tuổi). Chồng chị Sa đi làm ăn xa nhà, chị phải ở nhà lo chăm sóc ba, mẹ chồng bị bệnh. Dù công việc vất vả, thế nhưng với ước mơ được biết chữ, chị Sa đã xin phép chồng, bố mẹ chồng cho đi học.
Chị chia sẻ: Hằng ngày, tôi tranh thủ làm hết công việc gia đình để chiều đi học, học ở lớp xong về nhà chỗ nào chưa hiểu tôi sẽ nhờ con mình dạy thêm để mau tiến bộ. Tôi hy vọng biết được nhiều chữ để thuận tiện hơn trong sinh hoạt, tính toán làm ăn.
9 học viên, mỗi người đến với lớp học đều mang theo những câu chuyện của riêng mình. Cụ bà Nguyễn Thị Thao, học viên lớn tuổi nhất lớp (76 tuổi) chia sẻ, lúc đầu bà đòi đi học, gia đình ngăn cản, hàng xóm lời ra tiếng vào, nói già gần chết rồi còn đi học.
Bà chỉ trả lời thà đi học khi chết làm ma biết chữ còn hơn làm ma dốt, rồi cắp sách đến lớp. “Nhờ đi học, cô giáo chỉ dẫn nhiệt tình, đến nay tôi đã biết đọc, biết viết. Giờ tôi đã biết phân biệt đâu là nhà vệ sinh nữ, đâu là nhà vệ sinh nam, không còn đi nhầm chỗ. Tôi rất mừng và biết ơn mấy cô giáo nhiều lắm”, bà Thao xúc động nói.
Ông Nguyễn Văn Sang (64 tuổi), học sinh nam duy nhất của lớp chia sẻ, khi nghe cô An mở lớp ông chủ động đăng ký đi học, vì không biết chữ khổ lắm. “Hồi đó không có điều kiện học nên tôi không biết chữ, đi chợ thấy bảng hiệu đâu biết người ta bán gì.
Tôi chạy xuồng đi mua dây thuốc cá mà chạy hoài không biết chỗ nào bán, hỏi thăm mất cả buổi mới ra. Giờ biết chữ rồi, muốn mua thứ gì là ghé đúng tiệm bán thứ đó để mua, không còn nhầm nữa”, ông Sang vui mừng nói.
Bà Lư Thị Nem thì chia sẻ: “Tôi thích hát karaoke. Chiều chiều bên nhà hàng xóm mở hát, có rủ qua hát chung mà đâu dám đi, tại không biết chữ, thấy vậy tôi quyết tâm đi học chữ. Giờ đây tôi có thể hát được một số bài, có thể giao lưu karaoke cùng hàng xóm, vui lắm”.
Hành trình đến lớp xóa mù chữ của bà Trần Thị Mảnh (65 tuổi) cũng lắm gian nan. Bà Mảnh kể, lúc đầu nghe bà nói đi học chữ, chồng bà kiên quyết không cho, nói bà lớn tuổi có cháu rồi còn học làm gì, đi học chỉ để người ta biết mình lâu nay dốt chữ.
Bỏ ngoài tai những lời la rầy của chồng, dị nghị của hàng xóm, bà Mảnh vẫn quyết định đi học. “Lúc trước ra ấp, xã làm giấy tờ tôi toàn lăn tay, giờ biết viết chữ, ký tên, mấy ông xã làm giấy bất ngờ luôn. Chồng tôi thấy vậy cũng hết nói, ổng còn chỉ dạy tôi thêm để mau tiến bộ”, bà Mảnh tự hào khi biết chữ.
Bà Lê Thị Nhiên kể về chuyện đi học chữ cũng bắt đầu từ những rắc rối do mù chữ. “Mọi lần đi khám bệnh, nhân viên bệnh viện đưa giấy số phòng khám mà tôi đâu biết đi phòng nào, có lần đi nhầm vào phòng vệ sinh, phòng ngủ nhân viên, quê hết sức.
Rồi cán bộ đến nhà đưa giấy mời, thư chúc Tết đâu biết gì mà đọc, hàng xóm gửi thư mời đám tiệc cũng chả biết ngày mấy, giờ nào, phải nhờ người này, người nọ đọc giùm phiền phức hết sức.
Giờ đi học biết chữ, biết đọc hết rồi, đặc biệt đi khám bệnh không còn sợ đi nhầm phòng nữa, mừng hết sức. Biết tiếng Việt rồi tôi sẽ kêu chồng dạy tôi thêm chữ Khmer, bởi ông ấy là người dân tộc Khmer”, bà Lê Thị Nhiên (68 tuổi) hào hứng nói về dự định của mình.
Chưa hết duyên với nghề giáo
Cô Đào Thị Thanh An có 14 năm làm giáo viên tại địa phương, sau đó mới về làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp và hiện nay là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái. Cô đã có gần 10 năm thực hiện công việc giảng dạy xóa mù chữ tại địa phương.
“Xuất phát từ thực tế ở cửa biển có nhiều chị em lớn tuổi không biết chữ, đi làm giấy tờ toàn lăn tay, bản thân từng là nhà giáo, thấy vậy mình rất thương, nên quyết định mở lớp học xóa mù chữ”, cô An chia sẻ.
Lớp xóa mù chữ đầu tiên vị Chủ tịch phụ nữ xã mở là tại cửa biển Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái). Bấy giờ chỉ có 3 người học, nhưng bà vẫn kiên trì dạy và tiếp tục vận động để người dân thấy việc học là nhiệm vụ cao cả, là quyền lợi của mỗi người, không có gì phải xấu hổ. Nhờ tích cực vận động và thấy những người đi trước học biết chữ có lợi, nên sĩ số lớp tăng theo từng năm, có năm lên hơn 20 người (hiện tại lớp này có 17 người học).
“Do đối tượng các lớp học thường là người lớn tuổi, khả năng tiếp thu của các cô, chú rất chậm, dạy hôm trước đôi khi hôm sau quên, nên cần có phương pháp dạy phù hợp. Dạy người lớn tuổi mình phải chịu khó, nhẹ nhàng chỉ dẫn từng chút, không thể dạy theo khuôn khổ, chương trình giáo dục, mà phải dạy theo kinh nghiệm thực tế. Mình cảm thấy nói gì để họ dễ hiểu nhất thì dạy, chứ dạy theo sách giáo khoa sẽ không hiệu quả”, cô Thanh An chia sẻ.
Ở mỗi lớp học, cô An có rất nhiều kỷ niệm với những “học sinh đặc biệt”. Buổi học của lớp lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười, bởi học sinh liên tục đọc sai từ, sai nghĩa. “Nhiều lúc đang đi làm, các cô, chú bất ngờ gọi điện nói giọng dồn dập, "cô An ơi tôi mừng quá", mình cứ nghĩ họ trúng số độc đắc hay gặp may mắn gì lớn lắm, nhưng rồi họ nói, tôi đã biết đọc bảng chữ tìm được chỗ mua thuốc cá, mua lưới hoặc nhổ răng rồi, không cần hỏi ai hết. Nghe mình rất xúc động, nghĩ việc mình làm hoàn toàn xứng đáng”, vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ.
Bà Trương Kim Lến cho biết rất nể phục tấm lòng cô An nên quyết định hỗ trợ, phụ giúp đứng lớp giảng dạy. “Chị An vận động chừng nào người ta chịu đi học mới thôi. Chồng, con các cô không cho đi học thì chị An đến nhà năn nỉ. Tập vở, đồ dùng học tập mấy cô, chú đều do chị An vận động hỗ trợ. Chị cũng thường vận động tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho mấy cô, chú, chị em trong lớp, bởi nhiều gia đình điều kiện kinh tế rất khó khăn”, bà Lến nói.
“Dạy các cô, chú vui lắm. Các cô, chú tiếp thu chậm nhưng bù lại rất chịu khó nên cũng học nhanh, vài tháng là biết đọc, biết viết. Họ cũng biết giữ nền nếp, vắng là điện xin phép nói cô ơi nay tôi bệnh hoặc bận đi đám xin nghỉ buổi. Bản thân mình nghỉ thì cũng báo mấy cô, chú, nhờ người dạy thay hoặc có lịch dạy bù”, cô An chia sẻ.
Hào hứng thi cử
Các lớp xóa mù chữ của cô Đào Thị Thanh An đều tổ chức thi cuối khóa, để đánh giá kết quả học tập của từng người. Dù tuổi cao nhưng các cô, chú đều thể hiện quyết tâm thi đạt điểm cao ở mỗi kỳ thi.
Ông Nguyễn Văn Sang cho biết, những ngày qua thường xuyên ôn tập bài để có thể thi tốt, hy vọng sẽ được lên lớp. “Học thì phải thi đậu, mà phải đậu điểm cao, điểm thấp buồn lắm, nên phải cố gắng”, ông Sang nói.
Còn bà Lê Thị Nhiên hồn nhiên chia sẻ: “Nào giờ có thi đâu, hồi hộp lắm, không biết thi cử ra sao, đề thi thế nào, dễ hay khó. Tôi cũng cố gắng ôn mấy ngày nay rồi, nhưng mà tới đó không biết nhớ được không, sao ưa quên quá, lớn tuổi rồi, sợ không làm bài được thua mấy người trong lớp”.
Bà Trần Thị Mảnh tiếp lời: “Gần tới ngày thi lo lắng ngủ không được luôn, sợ rớt lắm, thi rớt sợ cô buồn, thua bạn bè trong lớp nên phải cố gắng về học, kêu con cháu chỉ bài thêm”.
Cô An cho biết, mỗi khóa học, các giáo viên tại địa phương sẽ soạn đề để cho học sinh các lớp xóa mù chữ thi. Đề thi cũng gồm nhiều phần như tiếng Việt, đọc hiểu, chính tả, làm văn, làm phép toán tính nhẩm, toán đố...
“Lớp xóa mù chữ chủ yếu động viên tinh thần là chính, không đòi hỏi thành tích. Mình nói các cô, chú thi đạt thì tốt, không đạt cũng không sao, nhưng mọi người đều quyết tâm thi đạt điểm cao, điểm thấp, rớt là không chịu”, cô An nói.
Cũng theo cô giáo An, sau khi thi xong, những ai có điểm cao, lên lớp sẽ được UBND xã tặng giấy khen xem như khích lệ tinh thần học tập. Để tạo điều kiện cho những “học trò đặc biệt” của mình học tập tốt, cô An cũng đã vận động nhà hảo tâm tặng mỗi người một cặp kính lão để nhìn chữ, viết chữ rõ hơn.
“Các cô, chú cảm ơn mình dạy chữ cho họ, còn mình thì cảm ơn ngược lại mấy cô, chú đã tạo điều kiện cho mình hoàn thành tốt nhiệm vụ bên Hội Phụ nữ. Mình cũng học từ các cô, chú về nhân cách sống, tinh thần hiếu học, sự vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống. Ngày nào còn người chưa biết chữ đi học thì ngày đó mình còn duy trì lớp học”, cô An tâm niệm.
Không chỉ khởi nguồn mở các lớp xóa mù chữ, cô Đào Thị Thanh An còn có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đặc biệt cô đang là mẹ đỡ đầu của hơn 30 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Với sự nhiệt huyết, cống hiến, cô An từng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; UBND tỉnh Cà Mau và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.