Học cách bảo vệ quan điểm

GD&TĐ - Người lớn cần giúp trẻ biết nêu, bảo vệ quan điểm của mình chứ không “ba phải”, thế nhưng không phải vậy mà trở nên bảo thủ.

Đôi khi trẻ cần học cách chấp nhận những bất đồng khi bảo vệ chính kiến của mình. Ảnh minh họa: ITN.
Đôi khi trẻ cần học cách chấp nhận những bất đồng khi bảo vệ chính kiến của mình. Ảnh minh họa: ITN.

Bảo vệ quan điểm

Thật tốt nếu trẻ em bày tỏ ý kiến về một điều gì đó, nhưng nên làm một cách thân thiện. Điều này giúp trẻ có thói quen tập thể và làm việc nhóm tốt hơn. Vì thế, người lớn cần giúp trẻ biết nêu, bảo vệ quan điểm của mình nhưng không bảo thủ.

Có thể còn nhiều ý tưởng khác mà trẻ phải học cách chấp nhận bởi mỗi người có một quan điểm riêng của mình.

ThS Lê Huyền Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý học đường Nam Việt cho rằng, khi xảy ra mâu thuẫn, trẻ biết đồng cảm không có nghĩa trẻ phải từ bỏ quan điểm cá nhân. Thay vào đó là thể hiện sự tôn trọng, không bác bỏ ý kiến của người khác. Qua đó, chúng hiểu rằng mọi người có quan điểm khác nhau. Họ có thể không đúng nhưng ý kiến của mỗi người đều nên được tôn trọng.

Muốn trẻ có chính kiến, cha mẹ cần dạy về sự đồng cảm. Đó là bài học bồi đắp cho trẻ khả năng chấp nhận những quan điểm trái chiều. Phụ huynh có thể khuyến khích con đặt mình vào vị trí của người khác, gợi ý trẻ đặt câu hỏi để tìm ra nút thắt của những bất đồng đó.

“Bất đồng là một phần của cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng là học cách thảo luận về quan điểm, sở thích cá nhân và tôn trọng chúng thay vì bác bỏ. Nhờ đó trẻ được thúc đẩy tư duy độc lập, thể hiện sự đồng cảm với mọi người xung quanh”, ThS Lê Huyền Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý, các thành viên trong gia đình cũng có thể xảy ra bất đồng và đây là cơ hội để dạy trẻ chấp nhận. Hướng dẫn trẻ cách lắng nghe đối phương, xem xét quan điểm của họ và bình tĩnh bày tỏ bằng thái độ không đồng ý. Sau đó, có thể tìm ra hướng giải quyết.

Nhiều khi, người lớn thấy rằng, việc cố gắng bảo vệ quan điểm cá nhân khiến trẻ không chấp nhận được những bất đồng khiến trẻ hay cãi, cố chấp. Thực tế, trẻ thường gặp khó khi diễn tả cảm xúc cá nhân và thường kìm nén trong lòng. Từ đó, các bé dễ cáu giận khi không vừa ý. Vì vậy, cần giúp trẻ hiểu và gọi tên cảm xúc có thể giúp xử lý những xung đột, bất đồng.

Trẻ còn biết bắt chước các bạn, đòi hỏi những điều “đúng, sai” một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Vậy, thay vì bực bội, điên tiết, cha mẹ hãy... lấy làm vui mừng. Bởi, cãi văn minh, lịch sự đúng hơn là tranh luận, đưa ra quan điểm chính là trẻ có chính kiến và biết cách phản biện, biết sử dụng lý lẽ để bảo vệ quan điểm của bản thân cũng như chứng minh cho luận điểm của mình. Còn hơn con luôn hời hợt “sao cũng được”.

Con trẻ cãi có 2 chiều hướng chính đó là cãi bướng và cãi đúng. Vậy tức là không phải cãi nào cũng là láo, hư, hỗn… Vì xét ở góc độ nào đó thì việc cãi là điều con cái không được phép làm với người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cần xem xét nếu trẻ không có thái độ hỗn láo như nói xấc, thái độ khi nói không gay gắt, không bực tức… thậm chí là tranh luận lễ phép thì vẫn có thể xem đó là điều được phép để con có chính kiến và quan điểm của bản thân hơn.

“Phụ huynh nên khuyến khích con thái độ lắng nghe, dù đó là quan điểm của trẻ nhỏ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ có quyền quyết định và thường gạt đi hoặc không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con. Nếu vậy, trẻ sẽ khó học được cách tôn trọng sự bất đồng và có lập trường”, ThS Lê Huyền Anh nhận định.

hoc cach chap nhan bat dong3.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Cho phép tranh luận

Một đứa trẻ có thể tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời cũng cần được người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng. Thái độ ứng xử của cha mẹ như thế nào là rất quan trọng trong việc khiến con trở nên ngoan hay sẽ làm đứa trẻ ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.

Đôi khi việc cãi lại cho thấy trẻ đang phát triển và có quan điểm. Vậy nên, với cách giáo dục và ứng xử hàng ngày theo kiểu “con nít biết gì”, người lớn chúng ta vô tình làm thui chột phẩm chất, kỹ năng muốn tìm tòi, tạo ra cái mới của con.

Khi trẻ cãi lại, tùy mức độ mà bố mẹ có phản ứng khác nhau. Nếu con cãi hỗn, bố mẹ cần có thái độ để con biết mình đang không cư xử đúng. Bố mẹ không nhượng bộ vì đó không phải hành vi đúng đắn, nhưng cũng cần có cách xử lý đúng mực.

Ở góc độ khác, đôi khi, việc trẻ đến tuổi “ô mai” thường hay cãi có thể không phải là cố gắng bảo vệ chính kiến mà nó xuất phát từ những thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Kèm theo đó là cảm giác muốn độc lập, thành người lớn, được tôn trọng và đối xử công bằng. Nên khi thấy cha mẹ không chịu nhìn nhận, không thay đổi cách đối xử, trẻ cảm thấy không được tôn trọng rồi bắt đầu cãi lại với thái độ khó chấp nhận.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, bố mẹ tỏ ra quá khắc nghiệt, trẻ sẽ cảm thấy mình không thể bày tỏ cảm xúc và dần xa cách với gia đình. Ngược lại, khi con nói ra suy nghĩ với thái độ lễ phép, đúng mực, cha mẹ cũng nên nhìn nhận lại mình. Nếu thấy trẻ cãi đúng, hãy thừa nhận mình sai và xin lỗi vì đã áp đặt không đúng lên con.

Có những trẻ kiệm lời, không biết cãi thường ấp ủ những suy nghĩ phức tạp, sau này khi bước ra cuộc sống có thể gặp những biến cố không vượt qua được, dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, người lớn phải tìm hiểu lý do tại sao trẻ không nói để biết cách gợi mở, truyền cảm hứng, giúp các bé trở thành con người độc lập.

“Một đứa trẻ có thể tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời cũng cần được người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng và với đầy đủ lý lẽ xác đáng sẽ có phẩm chất của một con người hiện đại, biết tự chủ và tự quyết định cuộc sống của mình khi lớn lên”, ThS Lê Huyền Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.