Học cả ngày, học thêm kỹ năng sống

GD&TĐ - Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã có những tác động tích cực, giúp nâng cao khả năng nhận thức và phát triển kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Những kết quả mà  Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) mang lại không chỉ những bữa cơm trưa đủ chất, những phòng học được xây mới khang trang, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao,…mà đó còn là những tác động tích cực, giúp nâng cao khả năng nhận thức và phát triển kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số.

Những “MC nhí, chủ nhà” tài năng, hiếu khách

Nhắc tới SEQAP, Bà Triệu Thị Chính, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, hồ hởi đưa chúng tôi đến Trường Tiểu học Đông Hà – một trong những trường “điển hình” của tỉnh thực hiện tốt công tác này.

Vừa đi, bà Chính vừa chia sẻ: Từ khi thực hiện SEQAP, các trường đã thay đổi nhiều lắm, nhất là sự vui nhộn, sáng tạo và sự tự tin của học sinh khiến các đoàn khách đến thăm đều như vui lây với con trẻ…                                                                                                  

Thật bất ngờ, đón tiếp đoàn chúng tôi không chỉ có những cán bộ, giáo viên nhà trường, mà còn có cả những HS lớp 2, lớp 3 người dân tộc thiểu số.

Không e ngại nép sau thầy cô, không ngại ngần bỏ chạy khi được hỏi chuyện, những cô cậu HS khuôn mặt rạng ngời đón khách, lễ phép chào hỏi, thưa gửi khi nói chuyện, mời nước…

Ấn tượng nhất là một cô bé lớp 2 tên Vương Bích Thủy, dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm đen, nhưng đặc biệt rất nhanh nhẹn. Cô bé này còn “phân công” các công việc cho anh chị lớp trên. “Ê kíp” làm việc rất chủ động, phối hợp nhịp nhàng.

Hỏi nhỏ Vương Bích Thủy rằng: Có ai dạy cháu làm “lễ tân” thế này không? Cô bé cười tươi: Dạ, có chứ ạ. Từ khi chúng cháu học cả ngày, có nhiều thời gian để học tập, rèn luyện, cháu và các bạn được thầy cô hướng dẫn, sau đó cùng nhau lên kế hoạch cho các chương trình của trường.

Mỗi khi được sinh hoạt tập thể, hay những buổi chào cờ, chúng cháu đều tự tin dẫn chương trình. Cháu và một số bạn được chọn là những thành viên tiêu biểu vinh dự được đón các đoàn khách có dịp đến thăm trường.

Niềm vui không chỉ dừng lại ở đó, mỗi câu chuyện mà HS kể cho chúng tôi nghe đều rất “chững chạc”. Em Vang Diễm Quỳnh, HS lớp 4A, Liên đội trưởng, chi đội trưởng, trưởng nhóm các câu lạc bộ văn nghệ của trường cho biết:

“Các bạn trong trường rất thích được đi học cả ngày, bởi trước đây, trường cháu chỉ học 1 buổi thôi, thời gian chỉ đủ cho việc học  các môn theo SGK. Giờ, chúng cháu được học cả ngày, được tham gia những câu lạc bộ về học tập, và đặc biệt là những CLB phát triển kỹ năng sống như CLB Em yêu văn nghệ, CLB khiêu vũ, bóng đá nữ,…Thậm chí, chúng cháu còn được nêu lên những đề nghị, những yêu cầu của các lớp với các thầy cô nữa”.

Cô Nguyễn Thị Tuyến – Hiệu trưởng  nhà trường - cũng chia sẻ: Giờ HS gần gũi với giáo viên hơn, các em cũng “chăm chỉ” lên phòng Ban giám hiệu hơn.

Trước đây, HS nhút nhát, hay sợ sệt, có trò thì e dè, ngượng ngùng. Chúng tôi đã có quãng  thời gian “đau đầu” để suy nghĩ xem cách nào để cải thiện tình trạng này.

Đang nản chí thì được triển khai thực hiện dạy và học cả ngày, thế là bao nhiêu sáng kiến hay của thầy cô được đưa ra họp bàn sôi nổi bởi chúng tôi có thêm thời gian để lồng ghép chương trình dạy học với việc phát triển kỹ năng sống cho HS.

Theo đó, các giáo viên sẽ tổ chức các nhóm trong lớp để tham gia vào các CLB kỹ năng. HS nào nhanh nhẹn hơn thường được bầu làm tổ trưởng, cùng thầy cô hướng dẫn các bạn cùng học.

Mỗi ngày các nhóm tập luyện và trao đổi với nhau khoảng 45 – 60 phút, sau những giờ học chính. Nói là vậy, nhưng thời gian đầu, giáo viên rất vất vả, vì dạy HS dân tộc thiểu số những điều mới mẻ, lạ lẫm thật sự khó.

Qua nhiều giờ tập luyện cùng với sự kiên nhẫn của các thầy cô, kết quả đã dần khả quan hơn. Cho đến nay, HS dường như được mặc một “bộ quần áo mới”, mỗi bộ là một phong cách khác nhau, rất sinh động, đáng yêu. Những người làm công tác GD không khỏi hạnh phúc khi nhìn thầy gương mặt rạng rỡ của các em mỗi ngày đến trường.

Khó như dạy học trò dân tộc thiểu số tập… khiêu vũ

Nói kỹ hơn về quá trình thực hiện SEQAP trong việc dạy và học, lồng ghép với dạy kỹ năng sống, cô Nguyễn Thị Tuyến vui mừng cho biết:

Trường thực hiện chương trình SEQAP từ năm 2011. Trước kia, HS còn nhút nhát, ít giơ tay  phát biểu ý kiến, lên bảng trả lời còn rụt rè, không dám lên trước toàn trường trong buổi chào cờ để nhận xét sinh hoạt của các lớp trong tuần hay đưa ra đề nghị, góp ý với thầy cô. Nay HS đã chủ động nêu câu hỏi với giáo viên chủ nhiệm .

Giáo viên trong trường vui lắm, bởi chính các thầy các cô cũng học hỏi, trau dồi thêm từ “kênh thông tin” của học sinh. Chúng tôi coi đây là tín hiệu đáng mừng nhất thể hiện sự tiến bộ rõ rệt về nhận thức của học sinh trong mối quan hệ với thầy cô giáo.

Đáng nói nhất, đó chính là sự phát triển về kỹ năng sống, những kỹ năng tự phục vụ cho chính sinh hoạt hàng ngày của HS.

Tuy số lượng HS dân tộc thiểu số của trường chiếm 90%, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế khó khăn, nhưng sau những đợt tập huấn của SEQAP, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức các chuyên đề sinh hoạt về cách tự chăm sóc bản thân, cách phòng chống tai nạn, phụ huynh và HS đã có những kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Đặc biệt, trường đã kết hợp với Chi đội, Đoàn thanh niên nhà trường, phòng khám đa khoa và trung tâm y tế để tổ chức các buổi tập huấn về phòng chống đuối nước, nuôi trồng đúng kỹ thuật cho sản lượng tăng cao, chất lượng,…

Nhờ những hỗ trợ của SEQAP, trường có thêm điều kiện để tổ chức các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp. Mỗi khi nhà trường có những chương trình như: Rằm trung thu, tết nguyên đán, ngày hội đọc sách,…thầy cô đều vui với những sáng tạo của HS.

Nhìn các cháu khiêu vũ, múa hát, đóng kịch, các thầy cô giáo lại cảm thấy mình gắn bó hơn  vào sự nghiệp trồng người. Mỗi chương trình là một dấu ấn riêng về sự trưởng thành của các em.

Kể về sự “thay da đổi thịt” từng ngày từ sau khi dạy học cả ngày, cô Nguyễn Thị Cúc,giáo viên lớp 2  nhớ lại: Khi mới bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kỹ năng sống cho HS, giáo viên gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn các cháu. Bởi, là HS dân tộc thiểu số, các cháu chưa bao giờ được “chạm”  tới những bài học khiêu vũ, những điệu múa hiện đại,…

Dạy nhiều lắm, hướng dẫn nhiều lắm mà các con không hiểu, cứ ngồi ôm nhau cười khúc khích, không ai chịu đứng lên tập. Có những lúc cô nói đường cô, trò ngó nghiêng đường trò, tưởng chừng như nhụt chí, nhưng lại nghĩ, nếu cô và trò cùng cố gắng, chắc chắn sẽ thành công.

Rồi, mỗi ngày một chút, cả đội tập luyện chăm chỉ, bạn nào nhanh hiểu hơn thì hướng dẫn cho các bạn còn chậm.

Chúng tôi phải động viên, khích lệ những trò bạo dạn làm trước, khi niềm vui được lan tỏa, các con thi nhau tập. Có những lúc mồ hôi ướt đầm trên vai áo học trò, nhưng nụ cười tươi rói trên môi khi được bạn bè trầm trồ khen ngợi, thật xứng đáng với công sức của thầy, trò nhà trường.

Chung niềm vui, thầy Mai Văn Tuân ,giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tiếp lời: Mỗi giáo viên là một “học trò” khi học về kỹ năng sống, bởi nếu không đồng cảm với các em, không vui chơi cùng các em thì rất khó để các em hòa nhập với những cái mới.

Chúng tôi phải kiên nhẫn hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất như: trật tự khi có người đang phát biểu, lịch sự trong khi nói chuyện,…Thậm chí, có những môn học như âm nhạc, mỹ thuật,…các thầy cô cũng “sáng tạo” để các em làm quen nhanh hơn.

Cụ thể: thầy cô chia nhóm để học. Mỗi nhóm có đại diện làm trưởng nhóm lên để phát biểu. Tuy nhiên, các thành viên còn lại cũng hỗ trợ tích cực hoặc thi đấu với nhau. Với những giờ học sôi nổi như vậy, ngoài việc kết quả học tập cao hơn, mà kỹ năng của các trò cũng thay đổi nhiều: tự tin, mạnh dạn bày tỏ quan điểm,…Đó là điều không dễ gì đối với HS dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Được biết, từ khi tham gia SEQAP, trường tiểu học Đông Hà liên tiếp được nhận bằng khen Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc, cờ thi đua đơn vị xuất sắc của UBND Tỉnh qua các năm học về thành tích GD.

Nhà trường luôn phấn khởi với những con số rất ấn tượng về  kết quả GD kỹ năng sống: 100% HS học tập tích cực làm việc theo nhóm; 100% HS được học các lớp tập huấn về phòng chống tai nạn và sử dụng đồ dùng điện tử; 100% HS chăm chỉ đến trường, không có HS bỏ học.

Con dạy mẹ cách… trồng rau

Từ khi được học cả ngày, các cháu đã thay đổi rất nhiều, nhất là việc ứng dụng những bài học trên lớp về nhà. Có lần, cháu còn “hướng dẫn” bố sơ cứu cho em trai bị bỏng, “dạy” mẹ cách trồng rau đúng kỹ thuật. Cháu còn biết khiêu vũ và dạy lại cho các bạn trong khu. Tôi thực sự tin tưởng hơn vào tương lai của con - Chị Cao Thị Len – Mẹ học sinh trường tiểu học Đông Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.