Đó là những câu hỏi luôn được các nhạc sĩ, nhà giáo dục âm nhạc trăn trở khi nói về giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông.
Những… bài ca đi cùng năm tháng
Từ năm 2000 trở lại đây, âm nhạc đã trở thành một môn học trong các bậc học phổ thông. Tuy nhiên, dường như môn học này mới chỉ như để học sinh… “cưỡi ngựa xem hoa”...
Từ những chuyến đi trực tiếp về các trường phổ thông, nhạc sĩ Trần Ngọc kể rằng, ông rất… bất ngờ vì gặp nhiều giáo viên dạy âm nhạc nhưng không có phương pháp truyền cảm hứng để thu hút sự chú ý của học trò vào bài học.
Đấy là còn chưa kể đến những trường hợp không thể tin nổi: Có giáo viên còn chưa nắm vững thanh nhạc, không thể xướng âm… Chính vì thế, nhạc sĩ Trần Ngọc đã đặt câu hỏi: “Với một đội ngũ giáo viên như thế thì thử hỏi làm sao dạy được nhạc và khiến học sinh quan tâm đến âm nhạc”?
Nhạc sĩ Minh Châu cho rằng, cách dạy âm nhạc trong trường phổ thông thường rơi vào thụ động, mô phạm và một chiều - một phương pháp lối mòn, ít đòi hỏi sáng tạo ở cả thầy lẫn trò.
Lý giải về điều này, nhạc sĩ Minh Châu nhắc đến vấn đề chất lượng đầu ra của các giáo viên không cao, không đồng đều và chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu còn băn khoăn về cơ cấu chương trình môn Âm nhạc ngày càng giảm theo bậc học, luôn bị đóng khung vào “độ tuổi” bài hát được chọn giảng dạy… quá cao - kiểu như “bài ca đi cùng năm tháng”.
“Giáo trình “đóng khung” danh mục bài hát sẽ nhàn cho thầy cô và dễ kiểm soát cho các nhà quản lý giáo dục, nhưng cũng giảm đi tính linh hoạt của một môn nghệ thuật luôn cần sự tươi mới và sinh động theo dòng chảy như âm nhạc” - nhạc sĩ Minh Châu nói.
Quan tâm sâu hơn đến thực trạng chất lượng giáo viên âm nhạc thấp (do bỏ nghề hoặc vừa dạy nhạc ở trường vừa phải đi đàn, đi hát thuê ở đám cưới hoặc kiếm sống bằng nghề khác…) nhạc sĩ Quách Thái Kỳ kêu gọi các trường đào tạo, các nhạc sĩ, các đơn vị quản lý hãy đi vào thực tế. “Đi vào thực tế để bắt đúng bệnh thì mới có thuốc tốt để trị trúng bệnh được”, nhạc sĩ Quách Thái Kỳ nhấn mạnh.
Góp thêm ý kiến vào câu chuyện này, nhạc sĩ Phạm Tuyên dí dỏm kể câu chuyện: Một dịp Trung thu, ông đến một trường phổ thông, thấy các em hát bài cũ của ông nhưng chính ông nghe mà còn thấy rất “nhòe nhoẹt”, huống chi là trẻ sinh năm 2000.
“Nhưng kết thúc chương trình là bài Gangnamstyle thì cháu nào cũng vui vẻ nhảy tưng bừng. Thời công nghiệp mà cứ ê a thì trẻ con không tiếp nhận được. Chúng ta càng áp đặt, trẻ chưa chắc đã tiếp thu đâu”, nhạc sĩ nói.
Trong khi đó, sau khi cặm cụi đọc… 34 cuốn sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội chỉ ra một loạt sai sót đến… nực cười về chính tả, chú thích ảnh, chi tiết nội dung trong bài giảng, tỉ lệ bài hát Việt Nam và nước ngoài, cách trình bày… Thậm chí có cả tình trạng chủ đề một nơi, bài hát một nẻo.
“Chẳng hạn trong bộ sách “Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề” - dành cho lứa tuổi mầm non, có bài “Lý hoài nam”, “Ngồi tựa mạn thuyền” không liên quan gì đến chủ đề giao thông. Tập 3 có bài “Xòe hoa” không liên quan gì đến chủ đề thực vật. Trong khi đó, chủ đề quê hương - đất nước - Bác Hồ lại có bài “Cháu vẫn nhớ trường mầm non” - nhạc sĩ Lân Cường dẫn chứng.
Đổi mới như thế nào?
Trước câu chuyện bất cập về giáo dục âm nhạc trong nhà trường, các chuyên gia, nhạc sĩ đều cho rằng, cần phải đổi mới quyết liệt từ sách giáo khoa cho đến phương pháp truyền thụ âm nhạc.
Đề xuất một giáo trình “mở”, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu gợi ý nên chăng bên cạnh những bài hát được chọn làm khung mẫu (như kiểu “lòng bản” trong nhạc dân gian) còn có kèm theo một danh sách linh hoạt để thay thế bài nào đó tùy thầy cô.
Danh sách này mỗi năm được điều chỉnh và cập nhật để có thêm những bài hát mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức của học sinh mỗi giai đoạn.
Đặc biệt, nhạc sĩ Minh Châu lưu ý, nên để các địa phương được quyền thay thế một vài bài hát trong giáo trình giảng dạy bằng đôi ba làn điệu nhạc cổ truyền của riêng quê mình, đặc biệt là những di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại như hát xoan ở Phú Thọ, hát quan họ ở Bắc Ninh, hát ví dặm ở miền Trung…
“Việc này không khó thực hiện thông qua giáo án điện tử đang dần trở nên phổ cập” - nhạc sĩ Minh Châu đề nghị.
Tán đồng với đề nghị này, hai nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân cũng cho rằng, sách giáo khoa cần có chương trình mở - đây cũng là đề nghị của nhóm biên soạn sách trong nhiều năm qua.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì gợi ý thêm: “Mọi người nên quan tâm đến đời sống âm nhạc của xã hội hiện nay, nếu cứ theo cái cũ thì thành áp đặt nhiều thứ. Quá trình hội nhập đặt ra vấn đề rất nhiều điều, cần tham khảo cả của nước bạn nữa. Vả lại, cần đem âm nhạc đến các nơi bằng truyền thông và in thành đĩa - phải nghe mới là âm nhạc, in sách mà không được nghe thì vô duyên”.
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cũng có gợi ý cho các nhà làm sách cần tham khảo nguồn tác phẩm chất lượng và dồi dào từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam thông qua các giải thưởng âm nhạc hàng năm.
“Ngoài ra, Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đã hoàn thành tập 1 của Tổng tập bài hát thiếu nhi Việt Nam “Giai điệu tuổi thần tiên”. Đây là tập bài hát dày dặn, phong phú, sẽ là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng cho những người biên soạn sách giáo khoa về âm nhạc ở nhà trường để tránh kiểu phải cố chọn những bài hát không liên quan đến chủ đề đã được đặt ra” - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nói.
Riêng PGS. TS Nguyễn Thị Tố Mai thì nhấn mạnh tới việc phải đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, giảm tải áp lực về kiến thức cho học sinh.
“Sau giờ học chính, các em cần được tham gia vào những sinh hoạt nhảy múa, ca hát ít nhất một đến hai lần một tuần. Qua hoạt động múa hát tập thể, học sinh được vui cười, giải phóng tay chân, đầu óc… các em sẽ gắn bó với nhau hơn, tâm hồn tươi trẻ hơn, thậm chí những cãi vã trong ngày cũng được xí xóa. Như vậy, những năng lượng có nguy cơ biến thành nắm đấm đã bị hóa giải bởi các động tác nhảy múa” - PGS. TS Nguyễn Thị Tố Mai lưu ý.