Kỳ diệu bài hát gọi bò của người du mục Thụy Điển

GD&TĐ - Khi Jonna Jinton tròn 12 tuổi, cô bé đã nghe một bài hát mà nó sẽ làm thay đổi cả cuộc đời cô. Hôm nay, Jonna Jinton đã rất thành thạo kỹ thuật thanh nhạc của bài hát Scandinavia đó. Nó được biết đến dưới tên gọi Kulning.

Cô Jonna Jinton, người luyện nghệ thuật thanh nhạc Kulning rất lão luyện
Cô Jonna Jinton, người luyện nghệ thuật thanh nhạc Kulning rất lão luyện

Bài hát gọi gia súc cổ xưa

Kulning là tiếng hát gọi gia súc của người phụ nữ Thụy Điển trong suốt hàng trăm năm qua. Nhưng trong những thập niên gần đây, thứ thanh nhạc này phần lớn đã bị lãng quên.

Cách đây không đầy một thế kỷ, những thảo nguyên miền sơn cước và rừng già hẻo lánh của đất nước Thụy Điển từng tràn ngập âm thanh của những nữ mục đồng vào mỗi dịp hè về. Khi hoàng hôn chập choạng, tiếng kulning ma mị xuyên qua các cây rừng, ngân vang theo từng nhịp khác nhau, thành thông điệp chuyển tới cho một đối tượng “khán giả” duy nhất: Các loài gia súc. Kulning là cách chắc chắn thúc giục cả đàn nhanh bước về nhà vào mỗi cuối ngày.

Theo bà Susanne Rosenberg, giáo sư khoa âm nhạc dân gian tại Đại học Âm nhạc Hoàng gia (RCM) ở thủ đô Stockholm, kỹ thuật thanh nhạc này đã có niên đại ít nhất là từ thời Trung Cổ.

Vào mùa xuân, nhà nông lùa gia súc đến fabod (một khu chăn thả gia súc nằm ở nơi hoang dã của vùng núi non) để bò, dê có thể nhẩn nha gặm cỏ. Phụ nữ cả già lẫn trẻ cùng đồng hành với bầy gia súc. Họ sống xa nhà từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 10.

Các nữ mục đồng này sẽ tận tụy chăm sóc gia súc, dệt quần áo, bện chổi, vắt sữa bò, làm phô mai, lao động chăm chỉ suốt 16 tiếng mỗi ngày. Cuộc sống ở fabod khá nặng nhọc nhưng cũng tự do nhất. Đó là thiên đường của riêng họ.

Các đàn gia súc lang thang kiếm ăn vào ban ngày và cách xa các khu lều cỏ, vì thế cần phải gọi chúng nhập đàn mỗi khi chiều tối. Các nữ mục đồng luyện Kulning nhằm khuếch đại thanh âm vang xa khắp núi rừng, tạo ra một tiếng hú dị thường đủ dẫn dụ chúng đang lang thang đây đó quay trở về chuồng.

Phần lớn các nữ mục đồng hát Kulnin theo cách của riêng họ. GS Rosenberg nói rằng, nó có thể đạt tới 125 decibel và đủ làm ù tai những ai đứng kế cạnh. Âm lượng của Kulning có thể so sánh với âm lượng của bài hát opera giọng cao đầy kịch tính, khiến những con vật ở cách xa 5km vẫn có thể nghe được. Nhưng làm sao mà động vật đồng loạt bị dụ hoặc quay về chuồng bởi thứ âm thanh này thì vẫn còn là một bí ẩn.

Các thôn nữ đón bò vào fabod.

Các thôn nữ đón bò vào fabod.

Thanh nhạc truyền miệng độc đáo

GS Rosenberg tếu táo: “Muốn hiểu điều đó, chúng ta phải hỏi các con bò! Thứ âm thanh này có vẻ kỳ lạ, vượt xa việc chúng ta gọi loài chó, chẳng hạn”. Giống như thú cưng được huấn luyện, giống bò sẽ trung thành với những ai đã chăm sóc chúng.

Theo GS Rosenberg, sự chăm sóc đã tạo ra một mối dây tình cảm giữa nữ mục đồng và những con bò. Bà nhấn mạnh: “Luôn có ít nhất một con bò thông minh trong cả đàn. Đó cũng là con thủ lãnh. Một khi con bò thông minh này nghe được tiếng gọi của chủ, nó sẽ đi về phía chủ và “giác ngộ” những con khác cùng đi theo.

Để dẫn dụ gia súc, đòi hỏi phải có một kỹ thuật thanh nhạc phù hợp, nhưng nó khác xa lối hát cổ điển hay hát đại chúng. Nó là một lối gọi - như thể ta nhìn thấy ai đó bên kia đường và muốn cất một âm thanh gì đó thật lạ để gây sự chú ý của người đó”.

Kulning được dạy theo lối truyền miệng. Các thiếu nữ Thụy Điển thường học Kulning từ các bà già, và dần dần thêm sự tinh tế của cá nhân bằng các luyến láy theo lối riêng của mình.

Theo GS Rosenberg, thành công của Kulning nằm ở chỗ mang tính ngẫu hứng. Bà giải thích: “Người gọi phải thay đổi khẩu độ âm thanh vì họ sẽ không biết mình cần gọi trong bao lâu. Nói cách khác, người gọi cần phải liên tục giữ hơi gọi, cho tới khi lũ bò rủ nhau về chuồng”.

Bò không phải là động vật duy nhất hiểu được Kulning. Tiếng hát còn khiến các loài dã thú hoảng sợ tránh xa gia súc, và là công cụ giao tiếp giữa các nữ mục đồng với nhau. Nếu một con bò thất lạc, nữ chủ nhân ở trang trại này có thể cất tiếng hát để nhờ nữ chủ nhân ở trại bên cạnh tìm kiếm giùm, và nếu tìm thấy con bò đó thì sẽ có một bài hát cất lên nhằm báo cho chủ nhân của con bò biết đã tìm thấy nó.

GS Rosenberg cho rằng, Kulning không chỉ là một thứ phương tiện để gọi bò mà còn là một dạng thức biểu thị tình cảm thông qua âm nhạc.

Bà giải thích: “Nhiều nhà nghiên cứ âm nhạc dân tộc cố gắng tách đôi chức năng và nghệ thuật của Kulning. Nhưng tôi nhận thấy chức năng và nghệ thuật của Kulning thật ra là 2 mặt của cùng một thứ”. Chính giai điệu đa cảm xúc của Kulning đã giúp nó tồn tại cho tới tận thời hiện đại, ngay cả khi môi trường fabod đã dần thoái trào trong đời sống của người Thụy Điển.

Từ thập niên 1960, ngày càng mất dần đi loại hình chăn thả mùa hè, Kulning cũng mai một dần. May thay, đã có vài sử gia và nhạc sĩ đã tìm cách tích hợp Kulning vào văn hóa Thụy Điển trong các bối cảnh mới, với các dạng nền tảng mới.

Nhờ những người như GS Rosenberg mà các loại hình âm nhạc truyền thống đã được hồi sinh, chúng tìm kiếm cuộc đời mới trong các nhà hát, các lớp học ở bậc đại học.

Ngày hôm nay, Jinton đang chia sẻ văn hóa hát Kulning thông qua mạng xã hội. Tròn 21 tuổi, Jonna Jinton bỏ học và từ thành phố Gothenburg, cô chuyển tới sống ở ngôi làng hẻo lánh Grundtjarn, bắt đầu luyện tập Kulning thường xuyên hơn trong các cánh rừng. Rồi thì Jinton lập một trang blog và đăng video đầu tiên về Kulning, ngay lập tức nó nổi tiếng như cồn.

Jinton dự định truyền bá cho công chúng hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ biến mất. Nhưng GS Rosenberg khẳng định Kulning sẽ không bao giờ biến mất mà đơn giản nó sẽ nổi lên dưới những cách thức mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.