Hoạt động KH&CN khối Kinh tế, QTKD còn nhiều trăn trở

Hoạt động KH&CN khối Kinh tế, QTKD còn nhiều trăn trở
cxcxcx
Hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển 5 năm 2011-2015 của các trường ĐH khối Kinh tế, QTKD. Ảnh: gdtd.vn

Hoạt động khoa học công nghệ của các trường ĐH khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh trong thời gian qua không phải không có những đóng góp và sự phát triển tích cực. Tuy nhiên, ý kiến được nhiều đại biểu đóng góp tại Hội nghị này vẫn là những trăn trở trước thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ khối trường này vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm lực, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn kinh tế xã hội.

PGS.TS.Trần Thọ Đạt – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, tiềm lực khoa học công nghệ của các trường khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh chủ yếu được thể hiện qua đội ngũ cán bộ khoa học. Trong giai đoạn 2006-2010, quy mô cán bộ nghiên cứu khối trường đã tăng 38,4%, từ tổng số 3.243 cán bộ giảng viên lên 4.489 giảng viên; trong đó, số lượng tiến sĩ tăng từ 462 lên 603, tương đương 30,5%. Tuy nhiên, xét về mặt “chất”, đội ngũ cán bộ nghiên cứu có chuyên môn cao tăng chậm hơn. Số giáo sư, sau khi trừ số giáo sư đã nghỉ hưu, chuyển công tác trong giai đoạn 2006-2010 đã không tăng; số phó giáo sư tăng 20,8% trong cùng kỳ. Đây chính là điều trăn trở của nhiều trường ĐH khối này khi những nhà nghiên cứu có uy tín, nhiều kinh nghiệm đã nghỉ hưu mà chưa có lực lượng nghiên cứu đủ mạnh kế cận.

Thành tựu trong hoạt động khoa học và công nghệ của các trường ĐH khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh giai đoạn 2006-2010 chủ yếu được thể hiện trên các lĩnh vực: Nghiên cứu lý luận cơ bản; nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách quản lý kinh tế vĩ mô; nghiên cứu tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin khoa học về các vấn đề kinh tế xã hội; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tư vấn. Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, nghiên cứu sinh cũng được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Trong 5 năm qua, các trường ĐH khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh đã xuất bản được 403 cuốn giáo trình và 768 sách tham khảo; công bố được 153 bài báo quốc tế, 172 bài hội thảo quốc tế, 3008 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và 2487 bài đăng trên kỷ yếu khoa học trong nước. Theo số liệu này, chỉ có 5,58% số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế trên tổng số các công trình đã công bố trên các tạp chí.

Tổng số các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mà khối trường này nhận được trong 5 năm qua là 38 đề tài; 805 đề tài cấp Bộ, 1209 đề tài cấp cơ sở và 34 đề tài hợp tác quốc tế. Tổng số kinh phí dành cho hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010 trên 133 tỷ; trong đó trên 20 tỷ dành cho các đề tài cấp Nhà nước; trên 37 tỷ cho đề tài cấp Bộ; gần 6 tỷ cho đề tài cấp cơ sở; gần 5 tỷ cho nghiên cứu khoa học trong sinh viên – nghiên cứu sinh; gần 64 tỷ cho các đề tài nghiên cứu quốc tế và 832 triệu đồng cho các hoạt động khoa học công nghệ khác.

Đại diện nhiều trường cho rằng, nguồn kinh phí để thực hiện các đề tài cũng như định mức cho cho giai đoạn 2006-2010 là quá thấp. Nguồn thu ngoài ngân sách từ hoạt động khoa học công nghệ từ các hợp đồng tư vấn, nhưng chủ yếu được ký kết giữa đơn vị sử dụng dịch vụ và cá nhân các nhà khoa học, hay nhóm các nhà khoa học trong trường. Bên cạnh đó, giá trị thương mại của các công trình nghiên cứu còn thấp. Nguồn thu từ thương mại sản phẩm khoa học công nghệ chủ yếu đến từ xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo chuyên ngành...

Tuy nhiên, khó khăn trong hoạt động khoa học công nghệ không chỉ ở vấn đề kinh phí. Các đại biểu cho rằng, trở ngại cho hoạt động này còn ở tâm huyết thực sự với khoa học và công nghệ của nhiều giảng viên không cao; ở sự hẫng hụt về lực lượng nghiên cứu có trình độ; công tác thống kê hoạt động khoa học công nghệ chưa tốt; nguồn lực đầu tư cho hoạt động này còn thiếu; sự liên kết, phối hợp xây dựng lực lượng nghiên cứu trong khối còn yếu. Đặc biệt là công tác nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài chưa khuyến khích được các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý khi nói đến khó khăn trong hoạt động khoa học công nghệ của các trường khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh cũng nhấn mạnh đến chính sách thanh quyết toán các đề tài nghiên cứu khoa học rất chậm đổi mới. Bên cạnh đó là chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ chưa thỏa đáng; các nhà khoa học chưa tập trung cho nghiên cứu và đề tài nghiên cứu còn chưa bám sát thực tiễn.

Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị, các nhà kinh tế trong thời gian tới cần giúp Bộ GD&ĐT trong việc nhìn nhận vấn đề đổi mới giáo dục đại học, trong đó có đổi mới về khoa học công nghệ; đóng góp vào việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia; nghiên cứu vấn đề cho vay tín dụng đối với học sinh sinh viên phát huy được hiệu quả, trong đó có cả việc thu hồi vốn. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà kinh tế giúp các địa phương hoạt định chính sách kinh tế phát triển bền vững; tăng cường nghiên cứu theo nhu cầu xã hội, địa phương, doanh nghiệp; có trách nhiệm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trở thành chuyên gia đầu ngành cùng với chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; tiếp tục phát huy những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, nghiên cứu sinh...

Thứ trưởng cũng đồng tình với những định hướng nghiên cứu chủ yếu của các trường khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh như nghiên cứu phục vụ phát triển giáo dục ĐH; nghiên cứu để hoàn thiện quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nhằm nâng cao tính bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục; nghiên cứu những vấn đề vĩ mô, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế; nghiên cứu vĩ mô, tư vấn quản trị doanh nghiệp và đặc biệt nhấn mạnh tư vấn quản lý khu vực công...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ