Hoàng Sa - Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam!

GD&TĐ - 50 năm trôi qua kể từ ngày 19/1/1974, khi Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, hai tiếng Hoàng Sa vẫn luôn là nỗi đau đáu của người Việt.

Các tài liệu, thư tịch cổ, bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Các tài liệu, thư tịch cổ, bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt không thể tách rời, là một phần lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Đó là chân lý bất di bất dịch trong trái tim của con dân đất Việt từ bao đời nay.

50 năm trôi qua kể từ ngày 19/1/1974, khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, hai tiếng Hoàng Sa vẫn luôn là nỗi đau đáu của người Việt.

Vùng biển nước ta có diện tích khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển và hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc là Hoàng Sa, Trường Sa.

Bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này đã và đang được nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế và nhiều nhà khoa học khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của Công pháp quốc tế.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ từ thế kỷ XVII cho thấy: Hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa và ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm là Bãi Cát Vàng (thể hiện trong bản đồ cổ của Việt Nam mang tên "Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" do nhà địa lý Đỗ Bá biên soạn và hoàn thành năm 1686).

Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm "đội Bắc Hải" lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa.

Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua nhiều triều đại khác nhau, Nhà nước quân chủ Việt Nam đều đã xác lập và triển khai thực hiện các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không gặp phải bất kỳ sự tranh chấp, phản kháng nào.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa-Bằng chứng sống động về chủ quyền biển đảo. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa-Bằng chứng sống động về chủ quyền biển đảo. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá, tự Công Ðạo sưu tập, biên soạn và hoàn thành năm 1686; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Ðại Nam nhất thống chí (1882)...

Ðặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.

Ngoài ra, các Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) có dấu son của vua, là bằng chứng quan trọng khẳng định việc Nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như hằng năm cử các đội Bắc Hải kiêm quản đội Hoàng Sa ra hai quần đảo khai thác các tài nguyên sản vật trên biển và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm; đo đạc vẽ bản đồ; dựng bia, lập miếu, trồng cây, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn...

Ðây là các tài liệu quý giá của triều đình nhà Nguyễn để lại cho thế hệ sau, khối tài liệu Châu bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế...

Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, như: đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang... thuộc quần đảo Trường Sa. Ðồng thời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bằng nhiều hoạt động, vừa đảm bảo đầy đủ và đúng thủ tục trên phương diện đấu tranh pháp lý, vừa đảm bảo củng cố và duy trì sự hiện diện của quân và dân trên các thực thể địa lý hiện đang đặt dưới sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, năm 1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa và huyện Trường Sa, mà nay huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trong huyện Trường Sa có các đơn vị nhỏ hơn trong đó, như thị trấn Trường Sa (bao gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận); xã Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây và phụ cận); xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận)...

Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.

Cần nhớ rằng, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 ghi rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp."

Do đó, việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa - phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam ngày 19/1/1974 là trái ngược với luật quốc tế, không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hoàng Sa vẫn mãi là một phần lãnh thổ của Việt Nam!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.