Ngay sau khi MobiFone lên tiếng về vụ việc 24.900 “thẻ cào MobiFone” được chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam bị hải quan Quảng Ninh phát hiện hồi tháng 1/2014 là thẻ giả, không nạp được tiền vào tài khoản, sự việc một lần nữa khiến cho người dùng thuê bao di động trả trước lo ngại về nguy cơ mua phải thẻ giả còn có thể xảy ra.
Trao đổi với PV, một số đại lý bán thẻ cào điện thoại tại Hà Nội cho hay lo lắng của người dùng hoàn toàn có cơ sở, bởi thẻ cào giả đã từng xuất hiện tại Việt Nam từ vài năm trước đây, rất nhiều người đã mua phải thẻ giả không nạp được tiền trong tài khoản, hoặc chỉ nạp được số tiền rất nhỏ so với mệnh giá loại thẻ cào đã mua.
Chị Thúy Loan, nhân viên đại lý bán buôn SIM thẻ tại phố Vĩnh Hồ cho hay, tình trạng thẻ cào giả cũng đã xuất hiện tại Hà Nội, trong đó có rất nhiều loại mệnh giá lớn 500.000 đồng của hai mạng VinaPhone và MobiFone.
Chính vì thế, đây là lý do khiến đại lý này phải đưa ra khuyến cáo dành cho khách hàng ngay trên tấm bảng lớn treo tại quầy giao dịch về việc sau khi bán thẻ cào mệnh giá lớn không nên chấp nhận đổi lại, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng dùng chiêu đánh tráo, trả lại bằng thẻ giả mạo mệnh giá tương đương.
Anh Nguyễn Tuấn, chủ một điểm bán SIM thẻ trên phố Minh Khai cũng chung nhận định khi cho hay đã mua phải thẻ cào giả VinaPhone loại 500.000 đồng từ đầu năm 2013. “Tuy nhiên, có vẻ như các vụ thẻ cào giả xuất hiện nhiều hơn ở phía Nam”, anh Tuấn nhận định.
Trong khi đó tại khu vực phía Nam, từ năm 2010 đến nay báo chí cũng đã ghi nhận một số vụ việc liên quan. Ví dụ, đầu tháng 2/2010, chị Tuyến, một khách hàng tại TP.HCM đã mua thẻ cào Viettel mệnh giá 500.000 đồng tại một quầy bán nước trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 5.
Tuy nhiên khi về nhà cào lớp phủ bạc ra thì không nạp được, khi gọi đến tổng đài hỗ trợ của Viettel thì mới tá hỏa đó là dãy số thẻ đã qua sử dụng.
Khi chị Tuyến quay lại khiếu nại với điểm bán thẻ, thì điểm bán đã phủi tay, không chịu trách nhiệm do thẻ đã được đem về nhà cào.
Trường hợp khác, cuối năm 2012, người dân tại khu vực Bình Dương, Buôn Mê Thuột và một số vùng ngoại thành TP.HCM hoang mang do liên tiếp có nhiều trường hợp mua phải thẻ cào điện thoại di động giả của Viettel, VinaPhone ngay tại các đại lý lớn.
Ngày 16/10/2012, chị Huyền, chủ một tiệm tạp hóa ở huyện Củ Chi (TP.HCM) sau khi mua 10 thẻ cào VinaPhone loại 100.000 đồng tại một đại lý khi về đến nhà đã phát hiện 2 thẻ có “gờ” cộm lên bất thường ở phần tráng bạc mã số.
Kẻ gian đã dùng thẻ cào mệnh giá 20 nghìn đồng tách mặt giấy ra nhưng vẫn giữ nguyên lớp nhũ bạc, sau đó dán vào chiếc thẻ cào này loại mệnh giá 100.000 đồng đã bị sử dụng.
Chị Huyền quay lại cửa hàng đổi thẻ, nhưng nhân viên bán hàng từ chối với lý do thẻ đã bị cào.
Trường hợp khác, chị Vui, chủ một điểm bán thẻ cào ở huyện Tân Uyên, Bình Dương cũng mua 10 thẻ loại 50.000 đồng tại số 47, đường Yesin phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương nhưng sau đó chỉ nạp được 20 nghìn đồng. Chị Vui gọi cho tổng đài Viettel thì được biết loại thẻ này là thật, nhưng chỉ có mệnh giá 20 nghìn đồng nhưng được dán đè loại mệnh giá 50.000 đồng.
Liên tiếp các vụ thẻ cào điện thoại giả bị phát hiện từ năm 2010 đến nay cho thấy nguy cơ mất tiền rất dễ xảy ra đối với chủ các điểm bán thẻ nhỏ lẻ và những người dùng có thói quen mua thẻ cào về nhà mới nạp, hoặc mua sẵn để chờ đến lúc nhà mạng khuyến mãi.
Chính vì thế, ngay sau khi vụ việc 24.900 thẻ cào làm giả của MobiFone tuồn vào Việt Nam bị phát hiện hồi tháng 1/2014, phía MobiFone cũng đã đưa ra khuyến cáo khách hàng nên mua thẻ tại những điểm bán lẻ uy tín, không nhận thẻ bị trầy xước lớp tráng bạc phủ mã số nạp tiền, nên nạp ngay tại nơi mua để đảm bảo chắc chắn tiền được nạp vào tài khoản.
Còn theo những người có kinh nghiệm, để không bị mất tiền oan cho dù mua phải thẻ cào giả, thì ngay sau khi trả tiền mua thẻ cào (nhất là với loại mệnh giá lớn 200.000 đồng, 500.000 đồng), khách hàng nên đề nghị nhân viên bán hàng cào lớp tráng bạc và nạp ngay vào tài khoản điện thoại tại nơi mua để đảm bảo không bị rủi ro.