Trong hoàng cung thời phong kiến xưa, việc tranh sủng luôn là cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Để lên được vị trí mẫu nghi thiên hạ là cả một quá trình cùng sự hợp sức của rất nhiều người, thậm chí có thể đổ máu.
Những người được phong hoàng hậu thường có xuất thân danh giá, trâm anh thế phiệt. Chính vì vậy với những người con gái có xuất thân dân thường, ngôi vị kia dường như là giấc mơ không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
Thế nhưng lịch sử Trung Quốc từng ghi nhận một vị Hoàng hậu xuất thân từ nghề kỹ nữ. Đây vốn bị coi là nghề hèn kém khi công việc là uống rượu, múa hát mua vui cho đàn ông. Bà Hoàng hậu đó chính là Triệu Phi Yến. Xuất thân và nguồn gốc gia đình của bà không hề được sử sách ghi chép lại, người ta chỉ biết bà tiến cung sau một lần tình cờ múa cho Hán Thành Đế xem.
Từ kỹ nữ hèn kém đến ngôi vị mẫu nghi thiên hạ
Vua Hán Thành Đế vốn là người đam mê tửu sắc. Chính trong một lần vào kỹ viện đắm mình trong lạc thú, ông đã phát hiện ra một nàng kỹ nữ có nhan sắc xuất chúng với khuôn mặt thanh tú, uyển chuyển mềm mại như cành liễu, nhảy múa xuất thần như loài chim yến. Bất chấp xuất thân bị cho là hèn kém, Hoàng đế vẫn đưa người phụ nữ có tên Triệu Phi yến này vào cung làm thiếp.
Sau khi tiến cung, Triệu Phi Yến được Hán Thành Đế phong làm Tiệp Dư. Để tăng thêm sự sủng ái, Triệu Phi Yến đã dùng mưu "lạc hồng" – rải ít nước màu hồng lên chăn sau khi gần gũi vua để khiến vua tin rằng người con gái này dù sống trong chốn bùn lầy nhưng vẫn luôn giữ thân như ngọc. Triệu Phi Yến đã thành công khi khiến Hán Thành Đế một mực tin tưởng, chiều chuộng hết sức.
Sự sủng ái của vua dành cho một người con gái vốn xuất thân hèn kém khiến Hoàng thái hậu rất tức giận và ra sức phản đối.
Tuy nhiên Hán Thành Đế bỏ ngoài tai hết những lời khuyên nhủ, can ngăn của mẹ mình, thậm chí còn nghe lời Triệu Phi Yến mà cho rằng Hoàng hậu đã dùng tà thuật để hãm hại nàng. Ông đã phế bỏ vị trí Hoàng hậu và đưa Triệu Phi Yến lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.
Một bước đổi đời. Triệu Phi Yến sau khi có được quyền lực trong tay liền ra tay với các phi tần được Hán Thành Đế để ý tới.
Do không thể sinh con vì từng dùng nhiều thuốc tránh thai lúc hành nghề kỹ nữ, Triệu Phi Yến đã hãm hại tất cả những phi tần cung nữ nào dám mang thai rồng. Bà tìm cách sai người hạ độc để những phi tần kia sảy thai hoặc đầu độc đến chết. Hán Thành Đế biết hết những hành động này song vì quá ham mê sắc dục, ông đều bỏ qua tất cả.
Để củng cố thêm quyền lực của mình, Triệu Phi Yến còn tiến cử người em gái Triệu Hợp Đức của mình với vua. Ngay lần đầu gặp gỡ Triệu Hợp Đức, vua Hán Thành Đế đã rất ấn tượng với người con gái có vòng một nảy nở cùng làn da trắng nõn và phong nàng làm Chiêu Nghi.
Hai chị em họ Triệu đã chiếm được sự sủng ái của Hoàng đế song điều này chưa khiến họ được thỏa mãn. Hai người họ còn cả gan ngoại tình ngay trong hậu cung với việc đưa các mỹ nam cường tráng vào. Sự việc vỡ lở khi có người phát hiện và báo cho Hán Thành Đế.
Những tưởng hai người đẹp sẽ bị vua xử lý vì tội dám phản bội mình song một lần nữa, Hán Thành Đế lại bị u mê bởi những lời đường mật. Triệu Hợp Đức đã dùng nhan sắc và lời nói ma mị để vua tin rằng tất cả chỉ là chuyện vu khống nhằm hãm hại chị em nàng.
Cái kết bị thảm
Thế nhưng cuộc đời có nhân có quả là sự thật. Sau khi ngoại tình rồi làm đủ thứ chuyện sau lưng vẫn được Hoàng đế tin tưởng một cách mê muội, hai chị em họ Triệu những tưởng đã có trong tay tất cả song sự việc đã diễn ra vô cùng bất ngờ.
Hán Thành Đế đã qua đời ngay trên giường của Triệu Hợp Đức vì cơ thể suy kiệt do sử dụng quá nhiều loại thần dược dành cho đàn ông. Ông qua đời ở tuổi 46.
Triệu Hợp Đức là một người đàn bà rất thông minh. Sau khi hoàng đế qua đời, Vương Thái hậu giao cho Vương Mãng điều tra rõ cái chết của Hán Thành Đế. Hợp Đức hiểu rõ tình cảnh của mình rằng không bao giờ có chuyện triều đình kết luận vua qua đời do hoang dâm nên đã quyết định tự sát khi mới 24 tuổi.
Triệu Phi Yến khi đó đề bạt Lưu Hân - cháu của Hán Thành Đế lên ngôi vua. Lưu Hân đã vì thế mà tha tội chết cho Triệu Phi Yến, phong bà làm Thái hậu song được 7 năm thì Lưu Hân yểu mệnh qua đời.
Đại thần Vương Mãng, người từng điều tra về cái chết của Hán Thành Đế lên ngôi, ông liền trục xuất Thái hậu ra khỏi cung, phế làm thứ dân. Mỹ nhân từng khiến vua một thời say đắm Triệu Phi Yến đã tự tìm đến cái chết bằng rượu độc.