Hoàng giáp được vua khen 'có thực học, không theo vết mòn'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khoa thi năm Kỷ Mão (1879), bài thi của Đỗ Huy Liêu được vua Tự Đức phê rằng: 'Quả có thực học, những kẻ giẫm theo vết mòn không thể làm được'.

Đình Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội) - nơi có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh (ông nội của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu).
Đình Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội) - nơi có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh (ông nội của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu).

Trong khoa thi năm Kỷ Mão (1879), bài thi của Đỗ Huy Liêu được vua Tự Đức phê rằng: “Quả có thực học, những kẻ giẫm theo vết mòn không thể làm được”.

Gia đình khoa danh

Đỗ Huy Liêu sinh ngày 30 tháng 12 năm Giáp Thìn (tức 6/2/1845) tại làng La Ngạn, xã Yên Đồng (Ý Yên - Nam Định). Làng La Ngạn vốn là vùng đất có lịch sử lâu đời, gốc từ xưa theo Nho giáo với những học trò nổi tiếng với phẩm chất thông minh và hiếu học, nhiều thế hệ khoa danh còn lưu lại bia đá cho đến ngày nay.

Sinh ra trên vùng đất như thế, lại thuộc về một dòng họ nức danh khoa bảng nên Đỗ Huy Liêu có nhiều điều kiện trong việc tiếp thu và phát huy khả năng chữ nghĩa.

Ông nội của Đỗ Huy Liêu là Đỗ Huy Cảnh, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão năm 1819 - cũng là người đầu tiên của huyện Ý Yên xưa đỗ Cử nhân dưới triều Nguyễn. Vì vậy mà Hoàng giáp Phạm Văn Nghị mới có câu đối mừng rằng: Ngô Huyện đương triều khoa hoạn thủy/ Danh gia dịch thế lễ thi tồn.

Đỗ Huy Cảnh làm quan trải ba triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông là một vị quan thanh liêm, trong sạch, cư xử đúng mực, hết lòng bảo vệ lẽ phải và bảo vệ dân nghèo. Chính vì vậy trong cuộc đời làm quan của mình, ông đã hai lần bị cách chức lưu quan chỉ vì thương dân mà làm trái lệnh triều đình.

Bản rập Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Mão (1879).

Bản rập Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Mão (1879).

Theo bia công đức ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm, nay thuộc Hà Nội), lúc làm Bố chính tỉnh Sơn Tây, ông đã có công giúp nhân dân xã Mông Phụ bài trừ một số tệ và cải cách chế độ thuế khóa bất hợp lý, nên được nhân dân tôn kính và phong ông là Phúc thần giáng đản, lập sinh từ và dựng bia cho ông tại đình.

Con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển cũng là bố của Đỗ Huy Liêu đỗ Phó bảng năm 1841. Theo nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống thì Đỗ Huy Uyển đỗ Cử nhân khoa Canh Tý 1840, đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841).

Khoa này ông thi Hội được 12 điểm, là bài thi cao điểm nhất, đáng đỗ Đình nguyên Tiến sĩ, nhưng vì bài kim văn có một câu viết khiếm trang nghĩa là “Vua phải sửa mình để tạ lỗi với trời”. Các quan trường bẻ lỗi và tâu lên vua, nên bị giáng xuống Phó bảng.

Sau này, một trong những câu đối viếng của một quan nghè đã nói nên sự uyên bác về học vấn và sự tiếc nuối của Đỗ Huy Uyển khi bị mất danh hiệu Đình nguyên tại kỳ thi Hội: “Phẫn uất tận bình khôi giáp tử/ Văn chương tuyệt diệu lạc tinh rơi”.

Sau khi đỗ Phó bảng, ông được bổ chức Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm Tự Đức 1 (1848) ông được sung vào Kinh diên, đi giữ chức Tri phủ Bình Giang, lại về kinh làm Giám sát Ngự sử, rồi Đốc học Vĩnh Long, thăng Lễ bộ Lang trung. Nhân việc soạn thảo chiếu dụ được vua khen ngợi, ông được ban hàm Thái thường Thiếu khanh, giữ chức Biện lý bộ Hộ.

Vì ốm đau ông cáo quan về quê chuyên tâm cho việc viết sách và làm nghề dạy học. Học trò theo học rất đông và có nhiều người đỗ đạt cao. Ông nổi tiếng về phương pháp tự học và giáo dục trong gia đình. Thành ngữ “Tố đắc ư đình huấn” (nhờ gia đình dạy dỗ mà trở nên giỏi) là để ca ngợi phương pháp giáo dục của gia đình ông.

Tác phẩm của Phó bảng Đỗ Huy Uyển có: Khái đồng thuyết ước, La Ngạn biện lý xã, La Ngạn thi văn tập, Nam Định chúc hỗ ca cách, Tân Giang từ tập, Tân Giang văn tập, Tự học cầu tinh ca, Tập thơ Nôm viết về Mẫu Liễu Hạnh, Văn Công gia lễ tồn chân…

Con hơn cha nhà có phúc

Có một người ông và một người cha khoa danh lỗi lạc nên Đỗ Huy Liêu cũng sớm tiếp cận với Nho học. Tương truyền, Đỗ Huy Liêu rất thông minh và chăm học, nhiều khi quên ngủ, quên ăn, thậm chí ngủ cả bên chồng sách, rồi lả đi hồi lâu lay mãi mới tỉnh dậy…

Chuyện kể lại rằng cụ bà khuyên chồng (Biện lý Đỗ Huy Uyển) nên đưa con lên tập văn quan Hoàng Tam Đăng (Hoàng giáp Phạm Văn Nghị) để đi thi Đình. Ông Biện lý trả lời: “Nó học ở nhà cũng thừa sức”. Bà Biện lý lại nói “Nếu học để viết văn, sách, kinh điển thì học văn quan lớn, còn nếu đi thi Đình thì phải học văn quan Tam Đăng họ mới chấm được”.

Khi cụ Biện lý đưa ông lên tập văn cụ Hoàng Tam Đăng, nhân ngồi uống nước, cụ Tam Đăng ra một vế đối: Viên ngoại ba tiêu, vô dân dục, tứ thời nhi hữu dụng (Cây chuối tiêu ngoài vườn không có chồng vợ bốn mùa đều ra bu chuối). Đỗ Huy Liêu đối lại: Nguyệt chung đan quế, vô thổ bồi bát tuyết nhi giai xuân (Cây đan quế trong trăng không có đất bồi mà tám tiết đều xanh tươi).

Năm Đinh Mão (1867), Đỗ Huy Liêu đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên), được bổ làm Điển tịch Viện Hàn lâm, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình). Năm Kỷ Mão (1879), dự thi Đình, ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) nên tục gọi là Hoàng giáp Liêu. Trong kỳ thi này, bài của ông được vua Tự Đức phê rằng: “Quả có thực học, những kẻ giẫm theo vết mòn không thể làm được”.

Như vậy, xếp về thứ hạng thì Đỗ Huy Liêu đã vượt qua cả cha và ông nội, đúng như câu ca “con hơn cha, nhà có phúc”. Sau khi đỗ, Đỗ Huy Liêu được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sau đó bổ giữ chức Tri phủ Đoan Hùng (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Tháng Bảy năm sau, triều đình đổi ông làm Tri phủ Lâm Thao. Tháng Tư năm 1882, ông được thăng làm Án sát Hà Nội. Tháng 5 năm 1882, cha mất nên ông về nhà cư tang.

Năm Giáp Thân (1884), vua Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13, Đỗ Huy Liêu được triệu vào kinh làm Biện lý bộ Hộ, rồi Tham Tá nội các sự vụ. Trong khoảng thời gian này, ông còn giữ chức Phụ đạo, dạy cho vua học và dạy cho hai con của Phụ chính Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp, sau này đều là các dũng tướng trong phong trào Cần Vương chống Pháp.

Năm 1885, quân Nam đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi xuất bôn. Đỗ Huy Liêu bị quân Pháp bắt giam vì có liên can. Để mua chuộc, sau đó người Pháp thả tự do và cho ông làm Bố chính Bắc Ninh, nhưng ông cương quyết từ chối.

Về lại quê hương La Ngạn, ông lo phụng dưỡng mẹ già. Theo chí sĩ Phan Bội Châu thì sau khi quân Pháp đánh chiếm Nam Định, Đỗ Huy Liêu cùng với bạn là Vũ Hữu Lợi (lúc bấy giờ cũng đang bỏ quan về đây dạy học), ngầm chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa chiếm lại tỉnh thành này.

Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành, vì bị Tổng đốc Vũ Văn Báo cáo giác. Dụ hàng không được, Vũ Hữu Lợi bị quân Pháp chém chết tại chợ Nam Định vào đầu năm 1887, còn Đỗ Huy Liêu thì bị bắt giam đến mấy năm mới được tha, nhưng vẫn phải chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân Pháp.

Từ đường nhà bia họ Đỗ tại làng La Ngạn.

Từ đường nhà bia họ Đỗ tại làng La Ngạn.

Cái chết của Hoàng giáp Liêu

Ngày 1 tháng 5 năm Tân Mão (tức 7/6/1891), tổ chức xong lễ mãn tang cho mẹ vào buổi sáng thì buổi chiều Đỗ Huy Liêu đột ngột từ trần ở tuổi 47.

Theo Phan Bội Châu, thì Đỗ Huy Liêu đã uống thuốc độc tự vẫn. Trong sách “Việt Nam vong quốc sử”, Phan Bội Châu viết: “Nước mất, cùng với Vũ Hữu Lợi đồng mưu, (ông bị) người Pháp bắt giam trong nhà pha, cấm không cho ăn uống. Liêu vì còn mẹ già không có ai nuôi, nên không dám chết, ngồi tù đợi mệnh như thế đến mấy năm.

Sau... Liêu được tha vì mới âm mưu khởi loạn, chưa có thực trạng, nhưng hàng tháng phải đến điểm danh trình diện với Tây một lần... Mẹ mất rồi, hết hạn để tang, ông mời tất cả môn sinh tử đệ đến dặn rằng: “Trước đây sở dĩ bo bo không nỡ chết là vì có mẹ già. Nay tang mẹ xong rồi, ta chết đây”. Liền uống thuốc chết.

Sau khi xong cư tang mẹ, Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu đã uống thuốc độc tự vẫn vì những uất ức thời cuộc. Ảnh minh họa: IT.

Sau khi xong cư tang mẹ, Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu đã uống thuốc độc tự vẫn vì những uất ức thời cuộc. Ảnh minh họa: IT.

Phong tư ông ôn nhã mà vẫn bao hàm vẻ lẫm liệt không ai xâm phạm đến được. Người ta có nói đến người Pháp và việc bị người Pháp nô lệ, ông chỉ mỉm cười không đáp. Nhưng cái chí báo thù của Tử Phòng, Gia Cát thực không khoảnh khắc nào quên. Bị người Pháp bó buộc nghiêm ngặt quá, không thể cựa quậy được, ông ôm chí cho đến chết”.

Theo các nguồn sử liệu, khi hay tin Đỗ Huy Liêu qua đời đã gây xúc động trong giới sĩ phu và nhân dân lúc bấy giờ. Có nhiều bài thơ và câu đối điếu ông. Trong đó có câu đối điếu bằng chữ Hán của Tổng đốc Nam Định là Cao Xuân Dục: “Cái kỳ sinh kỳ cố kỳ tử diệc kỳ, mạc hoặc giả nhân trọc nhi ngã thanh, nhân túy nhi ngã tinh, thuật lai chúc tử sổ ngôn, quát nhãn quan hà lưu thế lệ/ Duy kỳ hành hiển, cố kỳ tàng diệc hiển, dĩ yên tai tương kiến năng kỷ thời, tương thức năng kỷ nhân, tài khứ đàm thân nhất nhật, hồi đâu thân thế hận ba đào”.

(Lúc sống vốn kỳ, lúc chết cũng kỳ, có phải chăng người say mà ta tỉnh, người đục mà ta trong, những trối trăng con cháu đôi lời, ngoảnh lại non sông giàn nước mắt/ Khi xuất đã rõ, khi xử càng rõ, rành là thế cùng hiểu nào mấy người, cùng gặp nào mấy độ, vừa xong tang mẹ già một bữa, đoái trông thân thế hận ba đào).

Theo nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, các tác phẩm của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu gồm: Điện thí chế sách (văn sách thi Đình), Đông La thi tập (trong bộ La Ngạn Đỗ đại gia thi tập), Đông La văn tập, La Ngạn biện lý xã (Soạn chung với Đỗ Huy Uyển), La Ngạn Đỗ đại gia phú tập, Tân Xuyên văn tập, Tỉnh Ông thi tập…

Dòng họ Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu không chỉ có ba vị đại khoa, là những danh sĩ nổi tiếng triều Nguyễn, một số người khác trong dòng tộc tuy không tham gia thi cử nhưng học giỏi nổi tiếng và làm nghề dạy học. Đây là gia đình mà cha con, ông cháu đều đỗ đạt. Hiện trong từ đường họ Đỗ còn treo đôi câu đối: Lục triều trung hiếu gia sinh Phật/ Tam thế khoa danh quốc phúc hầu (Sáu triều trung hiếu nối nhau, Phật sống trong nhà sao hiếm thấy/ Ba đời khoa danh hiển hách, phúc thần được nước kính dâng thờ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ