Vị Hoàng giáp làm quan trải 3 triều đại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong khoảng 30 năm từ khi ghi danh khoa bảng, Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở đã phục vụ xuyên suốt 3 triều đại: Lê - Tây Sơn và triều Nguyễn.

Hệ thống bia đá dựng ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng.
Hệ thống bia đá dựng ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng.

Trong khoảng 30 năm từ khi ghi danh khoa bảng, Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở đã phục vụ xuyên suốt 3 triều đại: Lê - Tây Sơn và triều Nguyễn, để lại nhiều dấu ấn trong giáo dục và văn hóa.

Làm quan cho 3 triều đại đối nghịch

Theo một số nguồn sử liệu, Nguyễn Đăng Sở sinh năm Giáp Tuất (1754) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng làng Hương Triện, nay thuộc xã Nhân Thắng (Gia Bình - Bắc Ninh).

Gia đình ông thuộc dòng dõi quý tộc thời Lê - Trịnh có nguồn gốc làng khoa bảng Nguyệt Viên (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), tổ tiên đến cư trú tại làng Hương Triện vào đầu thế kỷ thứ 17.

Ông nội Nguyễn Đăng Sở là Nguyễn Đăng Giai, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721), làm quan đến chức Hàn lâm Đãi chế. Bố là Nguyễn Đăng Tôn, nho sinh trúng thức Chiêu Văn quán.

Tương truyền, từ nhỏ Nguyễn Đăng Sở đã có tướng mạo khôi ngô, thông minh tài giỏi, thông hiểu kinh sử, nổi tiếng là người hiếu nghĩa. Vốn thông minh lại hiếu học, năm 24 tuổi Nguyễn Đăng Sở đỗ Hương cống.

Năm 34 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ đệ nhị danh (Hoàng giáp), tên đứng thứ 2 khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời vua Lê Mẫn Đế. Khoa thi này mở vào tháng 10 âm lịch, đây là khoa thi Hội cuối cùng của nhà Lê, khoa này lấy đỗ tổng số 14 người trong đó có 3 Tiến sĩ xuất thân và 11 đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Đăng Sở được bổ giữ chức Hiệu lí học sĩ ở Viện Hàn lâm, tước Hương Lĩnh bá. Sau vì nhà Lê suy vong, loạn lạc ông về quê dạy học. Khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc lật đổ chính quyền họ Trịnh, đánh tan quân Thanh, Nguyễn Đăng Sở liền theo giúp nhà Tây Sơn, được triều đình bổ làm Lại bộ Tả Thị lang, Hàn lâm viện Hiệu ứng, tước Hương lý hầu, thời gian này ông được vua tin tưởng cử đi sứ nhà Thanh.

Cũng thời gian làm quan nhà Tây Sơn, Nguyễn Đăng Sở cùng Binh bộ Thượng thư Tây Sơn Ngô Thì Nhậm và Vũ Trinh lập ra Trúc Lâm thiền viện ở “Bích Câu đạo quán”, với mong muốn khôi phục thiền phái Trúc Lâm.

Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở lấy pháp hiệu là Hải Hòa tăng, Ngô Thì Nhậm lấy pháp hiệu là Hải Lượng đạo trưởng. Trong sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” ghi chép ba vị đàm đạo Phật pháp theo tư tưởng Trúc Lâm thiền phái đủ thấy những suy nghĩ sâu sắc về thế cuộc của cả ba vị Tông sư mới này.

Đến khi nhà Tây Sơn mất, Nguyễn Đăng Sở liền lui về quê ở ẩn, thường đi ngao du khắp nơi, đặc biệt thích đến các chùa ở Chí Linh, Thanh Hà, Thanh Lâm thuộc Hải Dương. Khi ở Hải Dương ông từng mở trường dạy chữ Hán, sĩ tử trong vùng đến theo học rất đông.

Năm 1802, Gia Long thống nhất đất nước lập ra triều Nguyễn, dùng lại một số cựu thần nhà Lê và nhà Tây Sơn. Năm 1820, ông phụng chiếu giữ chức Quốc Tử Giám tư nghiệp. Năm 1827, Nguyễn Đăng Sở về trí sĩ ở tuổi 74 tuổi, mở trường Gia Hương ở quê nhà dạy học.

Năm 1840, ông qua đời, thọ 87 tuổi. Như vậy, chỉ trong khoảng 30 năm ngắn ngủi từ khi đỗ đạt đến khi nhà Nguyễn vời ra làm quan – Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở đã phục vụ qua 3 triều đại đối nghịch nhau: Lê – Tây Sơn – Nguyễn.

Đương thời Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở là người giỏi văn chương, hay chữ nghĩa, am tường đạo Nho, đạo Phật, nên được rất nhiều nơi trong vùng tín cẩn nhờ soạn văn để khắc bia, khắc chuông lưu lại hậu thế, tiêu biểu như: Bia “Sùng tu bi ký” khắc năm 1828 tại chùa Bảo Phúc, bia “Sùng đức bi ký” khắc năm 1832 tại nhà thờ họ Nguyễn Đăng, minh văn “Cổ Am tự chung” khắc năm 1826 trên chuông chùa Linh Ứng...

Nguyễn Đăng Sở là vị Hoàng giáp hiếm hoi phục vụ qua 3 triều đại đối nghịch nhau. Ảnh minh hoạ: IT.

Nguyễn Đăng Sở là vị Hoàng giáp hiếm hoi phục vụ qua 3 triều đại đối nghịch nhau. Ảnh minh hoạ: IT.

Viết tựa kinh Phật kêu gọi hướng thiện

Trong thời gian Nguyễn Đăng Sở ở Hải Dương dạy học, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở xứ Đông đã được Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở giúp viết văn bia ghi lại sự tích các tổ. Đặc biệt ông rất quan tâm đến việc in ấn kinh sách, mỗi khi có sư tăng đến mời viết cho lời tựa để khắc in lại kinh Phật, ông đều vui vẻ nhận lời.

Hiện nay trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hàng chục bài tựa do ông viết. Năm 1810, ông viết bài tựa cho lần in lại sách “Long Thư Tịnh độ” - tác phẩm do Tiến sĩ Vương Nhật Hưu đời Tống biên soạn.

Tác giả đã lượm lặt các câu chuyện vãng sinh của các bậc thánh hiền đời xưa, nhằm hướng dẫn người đời làm theo điều thiện, trong sách chẳng có nhắc đến bài thơ của nhà nho đời Tống là Thiệu Khang Tiết: Cái thằng tôi nói đến ngày xưa/ Chính là kẻ ấy lúc bây giờ!/ Chẳng biết con người tôi bây giờ/ Thì là kẻ nào đó mai sau?

Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở rất tâm đắc với các câu chuyện vãng sinh ấy, nên đã dụng công đọc kĩ toàn bộ tác phẩm rồi viết thành bài tựa mới kêu gọi mọi người hướng thiện, lời tựa như sau: “Con người ta nếu không có lòng tin thì không biết làm thế nào cho phải. Tự mình đã không tin rồi thì sẽ không tin người khác, đến nỗi mọi việc đều không hoàn tất, rồi hối hận bởi vì không có lòng tin.

Phần minh văn chuông chùa Phùng Xá (Gia Bình - Bắc Ninh) cho biết Quốc Tử Giám Tư nghiệp Nguyễn Đăng Sở cúng tiền 1 quan.

Phần minh văn chuông chùa Phùng Xá (Gia Bình - Bắc Ninh) cho biết Quốc Tử Giám Tư nghiệp Nguyễn Đăng Sở cúng tiền 1 quan.

Ôi! Nói về phép Tịnh độ thì sao lại không tin tưởng được? Vậy phép Tịnh độ là cái gì? Đó chính là thế giới cực lạc ở Tây phương vậy. Bọn ta sinh ra ở châu Nam Thiệm Bộ, từ khi mới lọt lòng mẹ thì đã gào khóc rồi. Xem thế thì biết con người ta khi mới sinh ra đã cực khổ lắm rồi.

Đến khi đã có đủ hình hài thì lại bị chết đi, hủy hoại cả tấm thân, thực khổ đau lắm. Lại nữa trong khoảng giữa chừng từ lúc sinh ra đến lúc chết đi con người phải chạy vạy kiếm ăn, ngày đêm vất vả tất bật mà có được no ấm gì đâu.

Con người ta sống ở trong đời cùng lắm là một trăm năm mà cả đời phải chịu khốn khổ, nào có biết được thú vị cực lạc gì đâu. Hoặc có người vinh hoa phú quí, tuy ai đó có làm được đến chức quân sư của nhà vua thì vẫn phải lao tâm khổ tứ, có giờ phút nào được an nhàn đâu.

Mặt khác, các thứ tội tình đói rét luôn luôn gây ra các thứ ưu sầu, chiến tranh loạn lạc lại khiến phải lo toan. Kẻ kém cỏi hơn một chút thì dẫm phải mũi tên hòn đạn nơi chiến trường, hoặc là lo giữ sổ sách giấy tờ, suốt đời trói mình trong vòng danh lợi, đâu có được cảnh vinh hoa mà đáng hâm mộ đâu.

Lại có người mong được sống thanh cao, muốn gửi tấm thân ở nơi rừng hoang núi vắng, thế mà cánh chim hồng bay bổng ấy có lúc còn bị trói buộc, thì cái lợi danh phú quí kia có khi lại bị vướng vào bụi trần rồi, tiếng tăm rồi cũng biến thành cỏ cây gửi gắm nơi bụi trần.

Huống hồ là có người lại muốn trồng cúc chăm tùng, nhặt vỏ chằm lại làm tường, lấy lá cây phủ lên làm mái, thế thì cảnh thanh cao ấy có gì đáng hâm mộ đâu. Chỉ có chư Phật chư Bồ Tát thực hành pháp xuất thế gian, khuyên con người ta nên tu theo Tịnh độ, pháp môn này rất dễ thực hành mà con người lại nhanh chóng được bước vào thế giới cực lạc. Vậy thì bọn ta tại sao lại không tin, bọn ta tại sao lại không tu theo.

Ông họ Vương ở Long Thư kia là người sống vào khoảng niên hiệu Thiệu Hưng nhà Tống, đã làm ra sách này, khuyên người ta nên tin theo, rồi làm ra sách này lưu truyền ở đời. Sách Long Thư Tịnh độ này phổ biến vào thời đó, đến thời nhà Tống lại cho in lại. Đến năm Sùng Trinh nhà Minh cuốn sách này được in lần thứ ba…”.

Trăm năm bia đá chẳng mòn

Thác bản tấm bia 'Từ chỉ bi ký' khắc năm 1825.

Thác bản tấm bia 'Từ chỉ bi ký' khắc năm 1825.

Ngoài viết tựa sách, Nguyễn Đăng Sở cũng là một trong các nhà khoa bảng được tin cẩn soạn văn bia. Tấm bia “Từ chỉ bi ký” khắc năm 1825 hiện được dựng bên hồi phía tay trái tòa đại đình làng Lam Cầu là một ví dụ.

Tấm bia cao 105cm, rộng 62cm, dầy 23cm. Mặt trước trán chạm chìm 1 vòng tròn kép, khắc nổi 4 chữ Hán lớn “Từ chỉ bi ký”. Lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt thể chữ chân phương còn khá rõ nét, tất cả gần 1500 chữ.

Nội dung văn bia phần đầu cho biết diễn biến quá trình xây dựng và di chuyển Từ chỉ làng Lam Cầu: “...Vào năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long (1808) các vị Kỳ lão trong thôn cùng nhau bàn bạc thăm hỏi ý kiến, các vị đều nhất trí quay về xây dựng tại xứ Chùa Lân cũ, bởi đây là vùng đất của đức thánh, thời mọi người đều kính trọng vùng đất đó mà cùng nhau tái lập lại ngôi Từ chỉ tỏ lòng sùng kính bề trên...”.

Phần sau ghi chép toàn bộ tên họ 34 người trong hội Tư văn đứng ra lập bia Từ chỉ, đầu tiên là quan Tri huyện Đỗ Cát Thường đỗ Hương cống khoa Quý Mão cùng tên thụy hiệu những người cung đức tiền, ruộng vào việc lập hậu hiền tại Từ chỉ.

Bia được lập vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 6 (1825), nội dung văn bia do Nguyễn Kiên Phủ (tức Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở) người xã Hương Triện, huyện Gia Bình đỗ chánh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi giữ chức Đốc học trấn Nam Định soạn.

Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, tấm bia “Từ chỉ bi ký” tuy không mang giá trị về mặt mỹ thuật nhưng chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Nội dung văn bia cung cấp những thông tin quan trọng đóng góp vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống hiếu học, khoa bảng ở các làng xã của Bắc Ninh đầu thế kỷ 19, thời kỳ này Nho giáo phần nào được phục hưng sau những biến động kéo dài xảy ra cuối thời Lê trung hưng.

Đối với Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở bài văn bia này là tư liệu quý góp phần bổ sung thêm số lượng di văn khá đa dạng còn lại đến ngày nay của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Nguyễn Đăng ở Hương Triện. Văn bia còn cho biết thêm nhiều thông tin chính xác về con đường quan lộ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở vào đầu triều Nguyễn.

Tại nhà thờ họ Nguyễn Đăng và khu lăng mộ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở cũng có hệ thống bia đá, trong đó bia “Sùng đức bi ký” khắc năm 1832 ghi chép về thế thứ của dòng họ do đích thân Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở là người thuật lại nội dung.

“Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở được ghi trong Quốc sử triều Nguyễn và các văn bia Tiến sĩ tại kinh đô Huế, Văn miếu Bắc Ninh.

Khi đề cập đến Nguyễn Đăng Sở, giới nghiên cứu đều có chung đánh giá ông không chỉ là nho sĩ quan lại có tài có đức, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về văn hóa cho triều đình và đất nước trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).