Hội nghị về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan với sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo Sở VH,TT&DL, các chuyên viên văn hóa đến từ 63 tỉnh, thành kết thúc vào 17/9.
Hội nhập hiệp ước thế giới
“Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan góp phần khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Sự tồn tại, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt.
Hội nghị kỳ vọng mở ra trang mới, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo - đặc biệt khi Việt Nam xác định phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Tài sản trí tuệ đóng góp rất lớn cho xã hội, vì vậy cần có quy định chặt chẽ về quyền sáng chế, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chủ động và tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua tăng cường sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Luật sẽ giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.
Theo Bộ VH,TT&DL, cùng với Hội nghị về Luật sửa đổi là Hội nghị tuyên truyền - phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới. Đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng đối với tác phẩm - biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả. Đặc biệt trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều nhóm từ các quốc gia, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý.
Vì thế, ngành văn hóa đã trình các cấp đề xuất gia nhập 2 hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Theo đó, Việt Nam là thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022, và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022.
Quốc ca Việt Nam bị ngắt tiếng trong lễ chào cờ trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào vào cuối năm 2021. |
'Bịt kẽ hở' ngăn xâm phạm bản quyền
Trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ xâm phạm bản quyền cũng như quyền tác giả. Trong đó, điển hình là vụ kiện về quyền tác giả bộ truyện “Thần đồng đất Việt”. Nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị.
Vụ kiện kéo dài và phức tạp, hoạ sĩ đưa ra nhiều bản thảo gốc chứng minh mình là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh. Trong khi đó, Công ty Phan Thị cho rằng, toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho công ty này, do đó Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý.
Trong lĩnh vực văn học, như Báo GD&TĐ từng phản ánh về vụ việc liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, tác giả bị TS Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại (Viện Văn học) tố vi phạm quyền tác giả.
Luật bổ sung vào Khoản 2, Điều 7 quy định về quyền tác giả, quyền liên quan với nội dung: “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng”.
Trước lùm xùm liên quan đến câu chuyện xâm phạm bản quyền. Cuối tháng 3/2022, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định tạm thời thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang.
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề liên quan đến bản quyền, như ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Sol, hay “Nồng nàn Hà Nội” của Nguyễn Đức Cường và rất nhiều tác phẩm khác bị đánh cắp.
Trong tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng” do Bộ VH,TT&DL tổ chức - luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định: Trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng của Việt Nam đứng thứ nhì, thì thế giới không ai dám đứng thứ nhất.
Câu chuyện “Quốc ca Việt Nam” bị tắt tiếng khi truyền hình trực tiếp trận bóng đá giữa Việt Nam - Lào hồi cuối năm 2021 đã gây ra nhiều bức xúc. Lúc đó, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã gọi điện cho Giám đốc Google Đông Nam Á để hỏi lý do. Sau đó mới biết, chính đơn vị tường thuật đã làm việc đó. Họ thà tắt tiếng Quốc ca còn hơn bị đánh bản quyền.
Các chuyên gia đồng ý rằng, khi trình độ xâm phạm đạt đến mức độ cao thì công cụ pháp luật là quan trọng. Không thể chờ hay hi vọng vào ý thức của kẻ cắp, cũng không thể khuyên kẻ cắp hoàn lương, mà phải đẩy lùi vấn nạn xâm phạm quyền tác giả tác phẩm bằng các quy định cụ thể.