Hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi

GD&TĐ - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là rất cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Khánh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Khánh.

6 quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật

Để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, việc xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là hết sức cần thiết.

Nêu cụ thể về Đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Đề án xác định mục tiêu công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, gắn với 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tập trung thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối được xác định tại các văn kiện Đại hội XIII để hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

Tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Theo đó, đề án đề xuất 6 quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật (XDPL), bao gồm:

Bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; hướng đến mục tiêu vì con người, vì Nhân dân, nhân đạo, nhân văn; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, dân chủ, công bằng và trật tự, kỷ cương xã hội;

Tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khung khổ Hiến pháp và pháp luật; xác lập đầy đủ về phương diện luật pháp mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; tăng cường phản biện xã hội và cơ chế giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước;

Tạo đột phá thực sự về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy XDPL từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Bảo đảm dân chủ thực chất và thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình XDPL; không bị tác động bởi các quan điểm, tư tưởng lệch lạc; đẩy nhanh tốc độ để sớm xây dựng, hoàn thiện được hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, gắn kết chặt chẽ với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật;

Bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế;

Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.

Tinh thần chủ động đi trước một bước, chuẩn bị từ sớm, từ xa

Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất.

Trong đó, có 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; cùng 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đề án đã dự kiến phân công cơ quan, tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu.

Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022. Có 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.

Với tinh thần chủ động đi trước một bước, chuẩn bị từ sớm, từ xa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc nghiên cứu, rà soát đối với các nhiệm vụ lập pháp cần được các cơ quan, tổ chức tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ (2022 - 2023) để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm trong nhiệm kỳ.

Trong đó, năm 2022, ngoài 8 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đã được (hoặc đang được đề nghị) đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, có một nhiệm vụ đã hoàn thành rà soát và đưa vào Kế hoạch công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì còn 95 nhiệm vụ cần được thực hiện và hoàn thành trong năm 2022.

Trong số này, có 43 nhiệm vụ có tiến độ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát trước ngày 30/6/2022; 52 nhiệm vụ cần hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát trước ngày 31/12/2022.

“Đây là khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi rất khẩn trương. Do đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cần chỉ đạo sát sao, có kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể trách nhiệm triển khai thực hiện và quyết liệt đôn đốc, kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, có chất lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...