Để có sức đề kháng tốt, trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi.
Nguy cơ khi sức đề kháng yếu
Sức đề kháng là khả năng chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… vào cơ thể. Nếu trẻ có sức đề kháng yếu thì chỉ cần tiếp xúc với môi trường lạ, thời tiết thay đổi đột ngột, không khí ô nhiễm khói bụi, nước nhiễm hóa chất… bé rất dễ đổ bệnh.
Một số bệnh lý thường gặp ở trẻ có thể kể đến như dị ứng, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, cảm cúm và các bệnh rối loạn đường tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón.
Việc trẻ mắc bệnh liên tục sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Từ đó, khiến sức đề kháng kém, dễ rơi vào tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, khi sức đề kháng suy yếu, hệ miễn dịch sẽ trở nên mỏng manh, yếu ớt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Sức đề kháng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người. Hầu hết các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đều “lợi dụng” sức đề kháng cơ thể suy yếu tấn công và “ký gửi” bệnh tật.
Ở những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…, sức đề kháng suy yếu cực kỳ nguy hiểm. Bởi, khi mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh do phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn,… nhóm người này có nguy cơ biến chứng nặng như: Viêm phổi cấp, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Theo bác sĩ Phương, sức đề kháng dễ bị suy giảm khi chúng ta có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, môi trường sống ô nhiễm, stress nhiều…
Đặc biệt, ở người cao tuổi, theo tuổi tác và bệnh lý, hệ miễn dịch của nhóm này bị “mài mòn”. Khi đó, các tế bào miễn dịch trở nên yếu và chậm chạp hơn trong việc chiến đấu chống lại virus như khi trẻ tuổi.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính như: Tim mạch, gan, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, sử dụng thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm, corticosteroids, thuốc kháng miễn dịch, thuốc điều trị ung thư…), bị nhiễm các độc tố,… cũng dễ bị suy giảm sức đề kháng.
Với trẻ em, khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 tuổi được coi là “khoảng trống miễn dịch”. Khi đó, hệ miễn dịch chưa được phát triển hoàn thiện. Vì vậy, trẻ rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn yếu.
Phụ nữ mang thai và người mới ốm dậy cũng có nguy cơ suy giảm sức đề kháng. Phụ nữ mang thai phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng và khi mắc bệnh có thể dễ trở nặng, khó điều trị hơn so với người bình thường. Lý do là một số loại thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
Trong khi đó, sau khi bị ốm hoặc ốm dậy, tình trạng chung của người bệnh là cơ thể mệt mỏi, miệng đắng, ăn không ngon miệng, chán ăn, tinh thần kém… Đây là khoảng thời gian hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, tạo cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn, virus xâm nhập.
Ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Ảnh minh họa |
Vitamin và chất khoáng cần thiết
Bác sĩ Tạ Tùng Duy – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh, sức đề kháng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển thể chất của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Vì vậy, các cha mẹ cần chú trọng trong việc tăng đề kháng để giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Trong đó, chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng cân bằng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của trẻ.
Biện pháp đơn giản nhất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ là cải thiện chế độ ăn, bổ sung những thực phẩm giúp tăng đề kháng như: Cá, tôm, cua, thịt bò, các loại ngũ cốc… Thêm vào đó, cần khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại rau củ quả tươi. Rau củ, trái cây không chỉ giàu vitamin mà còn chứa các dưỡng chất thực vật (phytonutrient) có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ hệ miễn dịch hiệu quả.
Theo bác sĩ Duy, có một số vitamin và chất khoáng có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong đó, vitamin C đóng vai trò như một chất chống oxy hóa để chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Một số thực phẩm có nhiều vitamin C bao gồm ổi, cam, cải xoăn, ớt chuông, đu đủ…
Trong khi đó, vitamin A có tác dụng duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Đồng thời, làm vững chắc hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, nên bổ sung vitamin A từ các nguồn tự nhiên như: Cá ngừ, cà rốt, khoai lang, dưa lưới, bí ngô…
“Sự thiếu hụt vitamin D có thể khiến tế bào miễn dịch phản ứng chậm hơn và dễ dẫn tới nguy cơ khiến cơ thể bị nhiễm trùng. Tắm nắng là biện pháp hữu ích nhất giúp bổ sung vitamin D. Ngoài ra, loại vitamin này còn có trong một số thực phẩm như: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi…
Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên và các loại rau có lá màu xanh đậm”, chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa, tổng hợp các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Các vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan. Về chất khoáng, sắt đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp ADN và quá trình phân bào, cũng như tham gia quá trình tạo máu.
Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng… Kẽm tham gia vào hàng trăm enzyme chuyển hóa trong cơ thể. Vì vậy, khi thiếu kẽm, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng.
Các thức ăn chứa nhiều kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu… Trong khi đó, selen đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase. Đây là một loại men ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch. Thiếu hụt selen có thể gây suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức, ức chế hệ miễn dịch.
Bác sĩ Tùng Duy khuyến cáo, trong giai đoạn giao mùa hoặc mùa dịch, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp hơn. Bên cạnh chế độ ăn hợp lý và đa dạng, bố mẹ có thể cho con sử dụng các thực phẩm bổ sung cung cấp vitamin. Tuy chỉ là các yếu tố vi lượng, nhưng lạm dụng vitamin để “tẩm bổ” có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ về công dụng và liều dùng. Cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng các dạng thực phẩm bổ sung vitamin.