Tóm tắt: Trong những năm qua, mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB) đã có sự phát triển đáng kể tại Việt Nam, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với vai trò của mình trong cộng đồng. Các doanh nghiệp này ngày càng chứng tỏ khả năng tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội song song, đồng thời nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ cả chính phủ và các tổ chức quốc tế. Quá trình phát triển này không chỉ giúp SIB khẳng định vị thế trong nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết các thách thức xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Vì thế nên việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh quốc gia đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Bài viết nghiên cứu về tổ chức tạo tác động xã hội và sự phát triển của các SIB trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy SIB phát triển.
I. Khái quát chung về tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB)
Theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam 2023, “Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội - SIB” được định nghĩa: Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (tiếng Anh là Social Impact Business - viết tắt là SIB) là “tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.”
Có thể hiểu đơn giản, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là các tổ chức ưu tiên giải quyết nhu cầu của cộng đồng địa phương hoặc toàn cầu một cách có ý thức, có hệ thống và bền vững. Không giống như các doanh nghiệp thương mại truyền thống với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các SIB là tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh, lợi nhuận và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, và hướng tới phát triển bền vững. Về hình thái pháp lý, theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam 2023, SIB có thể là các doanh nghiệp xã hội, hoặc các mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh bao trùm, và các mô hình kinh doanh đảm bảo các yếu tố bền vững về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
SIB có mô hình quản trị đa dạng, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Do vậy, kinh doanh tạo tác động xã hội được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau tùy thuộc vào mô hình tổ chức là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể…
II. Sự phát triển của các SIB tại Việt Nam thời gian qua
Kinh doanh tạo tác động xã hội đang là một xu thế không chỉ ở trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Tại Việt Nam, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Theo số liệu tại Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023, tính đến thời điểm 31/12/2021, có 26.027 doanh nghiệp đang hoạt động được xếp vào nhóm doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), chiếm 3% tổng số doanh nghiệp, HTX đang hoạt động tại Việt Nam[1]. Trong những năm qua, số lượng các SIB tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong các mô hình kinh doanh tạo tác động với hình thức tổ chức là doanh nghiệp thì có doanh nghiệp xã hội là mô hình có nhiều đặc điểm pháp lý mang tính đặc trưng của các doanh nghiệp SIB bởi doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2020, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký (Khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020). Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và các nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động.
Theo số liệu tại Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường trong những năm qua. Phần lớn các SIB là doanh nghiệp tư nhân, tiếp đến là HTX.
Số lượng các SIB đang hoạt động tới thời điểm 31/12/2021 tại Việt Nam đã tăng từ 42.131 tổ chức vào năm 2017 lên 60.479 tổ chức vào năm 2020 (chiếm 8% trong toàn bộ doanh nghiệp, HTX năm 2020). Năm 2021, các SIB chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, dẫn đến giảm sút lớn về số lượng, hoạt động, tài chính và hiệu suất kinh doanh. Số lượng SIB giảm mạnh xuống còn 26.027 tổ chức (giảm 57%) so với năm 2020 và chiếm 3% tổng số doanh nghiệp, HTX đang hoạt động năm 2021 của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển về số lượng, quy mô của các SIB trong những năm gần đây cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, có 483.074 lao động trong khu vực tổ chức kinh doanh TTĐXH năm 2017 và lên đến 554.501 lao động vào năm 2020. Đến năm 2021, tổng lượng lao động trong khu vực này có sự sụt giảm từ 554.501 lao động năm 2020 xuống còn 342.426 lao động, giảm 38,2%, do sự sụt giảm về số lượng tổ chức.
Số lượng lao động trung bình trong một tổ chức kinh doanh TTĐXH khá thấp (do đa số tổ chức có quy mô siêu nhỏ) và không có nhiều sự khác biệt trong giai đoạn 2017 - 2021 (dao động trong khoảng từ 9 - 13 người/tổ chức). Năm 2021, theo quy mô, đa số tổ chức kinh doanh TTĐXH có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tỉ trọng lớn nhất với 92,8%.
Tỷ lệ phân khúc doanh thu thuần của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) năm 2021 cho thấy sự phân hóa rõ rệt về quy mô doanh thu trong lĩnh vực này. Phần lớn các SIB (62%) có doanh thu dưới 3 tỷ đồng, phản ánh thực trạng phần lớn các doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ lẻ, hoạt động với nguồn lực hạn chế. Tiếp theo, 12,8% doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng cho thấy một số doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng quy mô. Tỷ lệ các doanh nghiệp có doanh thu từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng chiếm 8,5%trong khi 9,2% doanh nghiệp đạt mức doanh thu từ 10 tỷ đến 50 tỷ đồng đại diện cho những doanh nghiệp đã vươn tới một tầm cao hơn nhưng vẫn không chiếm số đông. Đáng chú ý, chỉ 7,5% các doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng, một con số nhỏ, phản ánh rằng chỉ một số ít SIB đạt được quy mô lớn và thành công vượt bậc. Như vậy, bức tranh chung cho thấy SIB tại Việt Nam vẫn còn tập trung chủ yếu ở các mức doanh thu thấp, với chỉ một số ít doanh nghiệp đạt được quy mô doanh thu lớn, khẳng định sự cần thiết của việc hỗ trợ các doanh nghiệp này để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, vốn là thế mạnh truyền thống của SIB, đã giảm đáng kể từ 74,1% xuống còn 46,6%. Song song đó, ngành công nghiệp và dịch vụ lại chứng kiến sự tăng trưởng ổn định, cho thấy một sự dịch chuyển mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sang các lĩnh vực hiện đại hơn.
Các SIB đang có xu hướng tăng dần địa bàn hoạt động, trải dài khắp cả nước. Các địa phương có số lượng tổ chức kinh doanh TTĐXH bình quân giai đoạn 2017-2021 nhiều nhất là Hà Nội (9.682 tổ chức), TP. Hồ Chí Minh (7.801 tổ chức), Đăk Lăk (1.540 tổ chức), Lâm Đồng (1.299 tổ chức), Thanh Hóa (1.137 tổ chức),) Nghệ An (927 tổ chức), Sơn La (824 tổ chức), Đồng Nai (818 tổ chức), Sóc Trăng (815 tổ chức), Hải Phòng (800 tổ chức). Điều này cho thấy các SIB tại Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
Định hướng phát triển trong thời gian tới của các SIB là thúc đẩy quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. 50% các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tiếp đó là tạo cơ hội việc làm cho nhóm yếu thế (47%); bảo vệ môi trường (32%); thúc đẩy giáo dục - đào tạo và nâng cao trình độ học viên (30%); hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các hoạt động liên quan (24%) là 5 ưu tiên hàng đầu về định hướng phát triển của các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam.
III. Thúc đẩy phát triển bền vững mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội
Hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.. Các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, cùng với sự xuất hiện của các dự án trong đó nổi bật là Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 (Dự án ISEE-COVID)” được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC), đồng thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các SIB vượt qua khó khăn trong và sau thời kỳ đại dịch, đồng thời khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái SIB bằng cách kết nối, hỗ trợ tài chính và tư vấn chiến lược. Hệ sinh thái SIB không chỉ giúp các doanh nghiệp này phát triển bền vững mà còn tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Điển hình là Công ty TNHH Trà Vinh Farm với thương hiệu Sokfarm (có nghĩa là “Nông nghiệp hạnh phúc” trong tiếng Khmer), là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ tại Việt Nam. Với mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, tối ưu hóa giá trị tài nguyên bản địa là cây dừa và cải tiến phương thức khai thác truyền thống của đồng bào Khmer, và thích ứng với chuyển dịch thế giới theo hướng kinh tế xanh, Sokfarm đã tạo việc làm nhóm lao động yếu thế trong chuỗi sản xuất và tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3-5 lầnNgười lao động tại Sokfarm có 80% là người Khmer và 70% là nữ. Đặc biệt, mô hình kinh doanh của Sokfarm giúp bảo vệ môi trường vì mỗi cây dừa trên 10 tuổi trung bình mỗi năm hấp thụ 770kg CO2, qua đó giúp giảm phát thải khí CO2 đáng kể và có tác dụng bảo vệ người dân, chắn gió, chắn sóng, chống xói mòn.
Việc làm, cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc cho mọi người (đặc biệt là nhóm yếu thế) và bảo vệ môi trường là những giá trị nổi bật mà các SIB mang lại.
Là một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech đã áp dụng kinh tế tuần hoàn trong kinh doanh và ứng dụng công nghệ Eco-Enzyme làm nền tảng, bằng việc sử dụng vỏ dứa kết hợp với đường vàng, nước sạch, và những tinh dầu bản địa đặc trưng của Việt Nam để tạo ra các sản phẩm làm sạch tự nhiên, dịu nhẹ, an toàn với sức khỏe và hạn chế những hóa chất độc hại thải ra môi trường.
Đặc biệt là toàn bộ quá trình sản xuất đều tác động tích cực tới môi trường với đầu vào là các phụ phẩm trong nông nghiệp được tái sử dụng. Trong quá trình ngâm ủ và lên men tự nhiên sẽ làm sản sinh ra một lượng khí O3 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, xua đuổi côn trùng và thanh lọc khí metan nặng trên những đám mây từ các nhà máy, làm trong sạch nguồn nước…
FUWA là thương hiệu tẩy rửa enzyme bán chạy số 1 trên nền tảng Shopee và đã có mặt tại sàn Amazon và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Malaysia. Bên cạnh đó, mỗi năm, FUWA tái sử dụng hơn 250 tấn vỏ dứa và 2000 tấn phụ phẩm nông nghiệp trong hoạt động sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho các lao động địa phương và có hệ thống phân phối với hơn 90% là chị em phụ nữ.[3]
Sự ra đời của các SIB đóng góp những giá trị rất tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy áp dụng các nguyên tắc, mô hình kinh doanh bền vững đối với các doanh nghiệp trong nước, nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường nước ngoài, tiếp cận được các nguồn vốn xanh. Các SIB đang là một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống.
Công ty cổ phần KymViet được thành lập từ năm 2013 với chủ doanh nghiệp là người khuyết tật, chuyên về đồ thủ công với các sản phẩm chủ yếu là thú nhồi bông từ vải, sản phẩm trang trí, quà tặng lưu niệm, gắn với các dịch vụ gia tăng như giáo dục - trải nghiệm, dịch vụ đồ uống, ẩm thực và tổ chức sự kiện. Là doanh nghiệp của những người khuyết tật vận động, nên hơn ai hết KymViet thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khao khát được làm việc, được cống hiến và làm chủ cuộc sống của người khuyết tật. KymViet từ đó ra đời và là nơi tiếp nhận, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, tạo nên một môi trường đặc biệt phù hợp với người khuyết tật. Doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp tăng 60% so với năm trước, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động khuyết tật và xây dựng một môi trường làm việc an toàn và hòa nhập cho người lao động.[4]
IV. Hoàn thiện chính sách thúc đẩy SIB phát triển
4.1. Sự cần thiết tăng cường hỗ trợ cho SIB
Các SIB đóng vai trò quan trọng trong việc làm và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các nhóm yếu thế. Hiện nay, đa phần các SIB tại Việt Nam là các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, điều hành kinh doanh, gắn kết cộng đồng, đặc biệt là kỹ năng kết hợp giữa quản lý kinh doanh với quản lý sứ mệnh xã hội để tạo các tác động xã hội bền vững. Các SIB do người yếu thế làm chủ hoặc làm việc với người yếu thế (phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, v.v) vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thực hiện cả hai mục tiêu: tạo ra lợi nhuận đồng thời với tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường.
4.2. Kiến nghị hoàn thiện chính sách thúc đẩy SIB phát triển
Thực tế hiện nay, xu hướng khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội đang rất được nhiều người quan tâm. Tại Việt Nam, đã có những chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã (bao gồm SIB) như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Hợp tác xã 2023. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể và toàn diện dành cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Điều này dẫn đến sự thiếu rõ ràng trong việc xác định, đăng ký và điều hành tổ chức này, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc được công nhận là SIB cũng như áp dụng các ưu đãi thuế và hỗ trợ khác. Việc thiếu các chính sách hỗ trợ tài chính cũng khiến các SIB gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng quy mô, đặc biệt khi phần lớn các SIB tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.. Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ đào tạo và phát triển năng lực cũng khiến cho các SIB gặp nhiều thách thức. Nhiều chương trình đào tạo hiện có không được thiết kế đặc biệt cho SIB mà thường là các chương trình chung dành cho doanh nghiệp truyền thống.. Những điều này khiến cho các SIB thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý các yếu tố phức tạp trong việc đạt được cả mục tiêu kinh doanh và xã hội, khả năng phát triển chiến lược dài hạn và ngắn hạn bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng thực hiện sứ mệnh xã hội của SIB.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong chính sách hỗ trợ SIB và thúc đẩy các SIB phát triển nhanh hơn nữa về quy mô, số lượng, chất lượng thì thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý, chính sách hỗ trợ các SIB, cụ thể:
Thứ nhất, cần một khung pháp lý được quy định trong Luật hoặc Nghị định, trong đó quy định rõ khái niệm, đặc trưng của các doanh nghiệp SIB, địa vị pháp lý của các SIB, quyền và nghĩa vụ của các SIB, quy trình đăng ký thành lập, các chính sách khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển để phù hợp với vai trò, sứ mệnh cũng như xu hướng phát triển sắp tới.
Thứ hai, cần có quy định pháp lý cụ thể về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho các SIB thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho SIB. Đối với những SIB đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cao hơn các mô hình kinh doanh truyền thống về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho SIB phát triển. Về vấn đề thuế, có thể bổ sung quy định miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của các SIB.
Thứ ba, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về những ưu điểm, lợi thế của mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội về việc đạt mục tiêu kép lợi ích kinh doanh và tác động tích cực đến môi trường và xã hội được nhiều nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp biết đến và lựa chọn.
Thứ tư, cần có một bộ phận/cơ quan chuyên trách hoặc hệ thống các tổ chức trung gian quản lý và hỗ trợ các SIB. Việc thành lập cơ quan/tổ chức chuyên trách sẽ giúp các SIB được hỗ trợ kịp thời về mọi mặt từ thủ tục hành chính pháp lý đến việc tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Thực hiện điều này có thể theo hướng thành lập phòng/ban/trung tâm trong cơ quan nhà nước hoặc thành lập phòng/ban/trung tâm trong các tổ chức trung gian chuyên phụ trách quản lý, triển khai các hoạt động/chương trình hỗ trợ các SIB.
Thứ năm, SIB là mô hình có thể áp dụng theo nhiều loại hình tổ chức, có thể là doanh nghiệp xã hội theo Luật doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo Luật hợp tác xã hoặc hộ gia đình, trung tâm. Vì vậy, pháp luật hiện hành không nên quy định nhất thiết kinh doanh tạo tác động phải được thành lập dưới mô hình doanh nghiệp xã hội mới được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ mà nên quy định theo hướng các tổ chức có đặc điểm của SIB sẽ được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ giống nhau.
Mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội hiện nay mặc dù đem lại các tác động tích cực về xã hội và môi trường, có tiềm năng, lợi thế phát triển ở Việt Nam tuy nhiên gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nếu phát triển được mô hình này, Nhà nước sẽ giảm tải được áp lực trong việc giải quyết các thách thức bảo vệ môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho nhóm người yếu thế, và các vấn đề xã hội khác. Chính vì vậy thời gian tới cần xây dựng, hoàn thiện khung chính sách riêng để ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy SIB ở Việt Nam được hình thành và phát triển.
---------
[1] Theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023
[2] Theo Báo cáo “Thúc đẩy Phát triển Khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam”, PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018.
[3] Thông tin từ Dự án ISEE-COVID
[4] Thông tin từ Dự án ISEE-COVID
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Quyết định số 1400/QĐ-BKHĐT ngày 18/10/2021 về việc phê duyệt Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19 (Dự án ISEE-COVID)” do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (DFATD) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) viện trợ không hoàn lại.
2. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023.
3. PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Báo cáo “Thúc đẩy Phát triển Khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam”, 2018.